Gắn đào tạo với nghiên cứu, chuyển giao công nghệ
Mô hình phục tráng giống Bí thơm do Trường Đại học Nông lâm (Đại học Thái Nguyên) triển khai tại huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn. |
Bên cạnh nhiệm vụ đào tạo, Trường Đại học Nông lâm (Đại học Thái Nguyên) xác định mục tiêu phát triển của Nhà trường luôn gắn với công tác nghiên cứu khoa học (NCKH) và chuyển giao công nghệ. Từ đó, không chỉ giải quyết các vấn đề thực tiễn, mà còn kết nối nhà khoa học với chương trình phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.
Chủ động kết nối, tìm kiếm ý tưởng
TS. Dương Văn Thảo, Trưởng phòng Khoa học Công nghệ và Hợp tác quốc tế, Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên, khẳng định: Thế mạnh lớn nhất của Trường là đội ngũ các giảng viên, nhà khoa học hàng đầu về lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp. Trong số 390 cán bộ, giảng viên của Nhà trường, có 23 giáo sư, phó giáo sư; 145 tiến sĩ và 48 thạc sĩ.
Phát huy thế mạnh nguồn nhân lực chất lượng cao, những năm qua, công tác đào tạo, NCKH và chuyển giao công nghệ của Nhà trường luôn bám sát yêu cầu thực tiễn cuộc sống đặt ra. Trường đã và đang hợp tác triển khai nhiều đề tài, dự án tại các tỉnh, thành như: Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Bắc Kạn, Cao Bằng, Tuyên Quang, Hà Giang, Lạng Sơn, Yên Bái, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Hà Nam, Phú Thọ, Vĩnh Phúc…
5 năm qua (2018-2022), mỗi năm, Nhà trường bổ sung tăng lên 15-20% theo nhu cầu của các địa phương. Kinh phí thực hiện nhiệm vụ KHCN tăng qua các năm đã khẳng định sự gắn kết giữa Nhà trường với các địa phương.
Chính vì vậy, Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên xác định nhu cầu đặt hàng của các địa phương là một khâu quan trọng, quyết định tính khả thi trong đề xuất nhiệm vụ KHCN các cấp. Hằng năm, Nhà trường đã chủ động kết nối và tìm kiếm ý tưởng, đầu bài thông qua các chương trình làm việc, trao đổi với các địa phương.
Đề xuất đúng nhu cầu của địa phương
Từ sự chủ động kết nối, tìm kiếm ý tưởng, Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên đã nắm bắt được nhu cầu đặt hàng của địa phương. Đồng thời có cơ hội giới thiệu năng lực của Nhà trường trong việc giải quyết các vấn đề địa phương cần, để từ đó cùng phối hợp xây dựng, đề xuất đúng định hướng, trúng trọng tâm các nội dung phát triển kinh tế - xã hội.
Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ triển khai mô hình trồng cây Cát sâm tại huyện Đồng Hỷ.
Gần đây nhất (đầu năm 2022), Nhà trường đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND huyện Định Hóa để tham vấn các nội dung liên quan đến mục tiêu xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2023. Tại chương trình làm việc, lãnh đạo huyện Định Hóa đề nghị Nhà trường đào tạo nâng cao năng lực cho các hợp tác xã; tư vấn liên kết các dự án sản xuất, xây dựng vùng sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; hỗ trợ nâng cao chất lượng các mã số vùng trồng lúa gạo J02, nếp vải, nếp cái hoa vàng; xây dựng dự án trồng cây dược liệu để nâng cao thu nhập cho người dân…
Sau khi các chuyên gia, lãnh đạo Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên và UBND huyện trao đổi, hai bên đã thống nhất ký biên bản hợp tác liên quan đến lĩnh vực nông, lâm nghiệp nhằm góp phần đưa Định Hóa về đích nông thôn mới đúng hẹn.
Hoặc như các chuyên gia giàu kinh nghiệm của Nhà trường đã được nhiều địa phương mời tham gia tư vấn các chính sách, định hướng phát triển ngành cho cả giai đoạn 5-20 năm. Tiêu biểu như: Đề án phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Thái Nguyên; Đề án phát triển nông - lâm nghiệp, thủy sản huyện Cao Lộc, Tràng Định (tỉnh Lạng Sơn) và huyện Vị Xuyên (tỉnh Hà Giang); Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với phát triển sản phẩm có lợi thế, phát triển sản phẩm OCOP, xây dựng nông thôn mới huyện Tiên Yên, huyện Hải Hà và Đề án phát triển sản xuất nâng cao chất lượng cuộc sống cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh…
Kết quả cho thấy, trên 80% số đề xuất của Nhà trường đều được đánh giá cao và được cơ quan chủ quản phê duyệt phối hợp cùng các địa phương triển khai thực hiện.
Cùng với tư vấn chính sách, đội ngũ các nhà khoa học của Nhà trường luôn tìm tòi, nghiên cứu, thử nghiệm các quy trình, công nghệ mới. Ví như sự việc trên địa bàn huyện Thái Thụy (tỉnh Thái Bình), người dân tập trung nuôi giống cá Hói mang lại hiệu quả kinh tế rất cao. Tuy nhiên, cá không sinh sản nên thiếu sự chủ động về con giống. Trước đề xuất của địa phương, một nhóm chuyên gia của Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên đã bắt tay vào nghiên cứu khả năng sinh sản của cá Hói, bước đầu cho kết quả khả quan.
Hay như việc trồng và bảo tồn cây dược liệu tuy là vấn đề không mới, nhưng để thực hiện cùng lúc việc bảo tồn dược liệu quý gắn với tạo sinh kế cho người dân là mục tiêu tương đối khó khăn. Năm 2021, nhóm các nhà khoa học của Khoa Lâm nghiệp, Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên, đã nghiên cứu, trồng cây Bình vôi tại xã La Hiên (Võ Nhai). Qua đánh giá, cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, sinh trưởng phát triển tốt. Dự án thành công mở ra cơ hội cho người dân vùng cao Võ Nhai nâng cao thu nhập, đặc biệt là bảo tồn được cây dược liệu quý hiếm.
Với những thành tựu trong NCKH và chuyển giao công nghệ, Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên đã tạo được những bước tiến tích cực trong việc nâng cao uy tín và năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, đáp ứng quá trình hội nhập quốc tế.
Trong giai đoạn 2011-2021, bình quân mỗi năm, Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên thực hiện 7- 8 nhiệm vụ, đề tài NCKH cấp Nhà nước, 20-30 đề tài nghiên cứu cấp Bộ và hàng trăm đề tài cấp cơ sở. Nhà trường đang sở hữu trên 20 bản quyền tác giả về sản phẩm giống cây trồng, vật nuôi và quy trình kỹ thuật. Hiện tại, Trường có quan hệ hợp tác với hơn 50 trường đại học, viện nghiên cứu và tổ chức quốc tế trên thế giới… |