Hỗ trợ sản xuất: Giải pháp giảm nghèo bền vững
Từ nguồn vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội, hộ anh Trần Văn Hai, xóm Làng Hin, xã Phấn Mễ đã có thêm nguồn lực để phát triển mô hình chăn nuôi gia cầm. |
Nâng cao chất lượng cuộc sống, thu nhập cho người dân là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Đảng bộ huyện Phú Lương quan tâm thực hiện trong thời gian qua. Nhờ tích cực triển khai các giải pháp hỗ trợ sản xuất, đến nay, đời sống của người dân trên địa bàn ngày càng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh qua từng năm.
Với thế mạnh về sản xuất nông, lâm nghiệp, từ năm 2015, huyện Phú Lương đã bắt tay vào xây dựng Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững huyện Phú Lương, giai đoạn 2016-2019”. Theo đó, sau khi rà soát các thế mạnh về điều kiện tự nhiên, lao động, huyện đã xác định các vùng thổ nhưỡng trọng điểm, xây dựng các chính sách nhằm đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp theo hướng nâng cao giá trị cây trồng, đầu tư thâm canh để tăng năng suất, chất lượng nông, lâm sản.
Theo đó, Phú Lương ưu tiên lồng ghép các nguồn vốn để hỗ trợ, khuyến khích chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; ứng dụng khoa học kỹ thuật và cơ giới hóa sản xuất, nhằm tăng năng suất, hiệu quả lao động. Đối với sản xuất nông, lâm sản, địa phương tập trung chế biến sâu, tạo các sản phẩm có giá trị cao trên thị trường, đồng thời, ưu tiên hỗ trợ vốn, chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật mới cho các mô hình sản xuất theo quy trình an toàn vệ sinh thực phẩm; xây dựng chuỗi kết nối cung - cầu qua kênh thương mại điện từ.
Từ năm 2018 đến nay, huyện Phú Lương đã phân bổ hỗ trợ trên 3.000 máy móc, công cụ sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản các loại, trong đó chủ yếu là các thiết bị phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm chè; hỗ trợ giá giống chè trồng mới, trồng lại với quy mô trên 650ha; tổ chức được trên 400 lớp tập huấn khoa học kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt, thu hút hàng nghìn nông dân tham dự; hỗ trợ phát triển gần 100 mô hình ô mẫu sản xuất nông, lâm nghiệp… Thông qua đó đã góp phần nâng cao trình độ kỹ thuật sản xuất của người dân, nâng tầm giá trị nông sản của địa phương.
Mới đây, HTX chè an toàn Khe Cốc, xã Tức Tranh (Phú Lương) đã ký kết hợp đồng xuất khẩu chè sang Cộng Hòa Séc. Ảnh: T.L
Bên cạnh nguồn hỗ trợ của Nhà nước, huyện còn tạo điều kiện cho các hộ dân tiếp cận với nguồn vốn tín dụng để phát triển sản xuất - kinh doanh, trong đó, chủ yếu là vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT. Tính đến ngày 30/6/2022, tổng dư nợ cho vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đạt 415 tỷ đồng, với 8.898 hộ vay; dư nợ cho vay từ Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT đạt 1.318,6 tỷ đồng, với gần 7.000 hộ vay. Các nguồn vốn vay được giải ngân kịp thời đã góp phần thúc đẩy sản xuất - kinh doanh của các hộ dân, cơ sở sản xuất, hợp tác xã trên địa bàn.
Từ năm 2020 đến nay, trên diện tích hơn 5.618,9ha lúa hằng năm, toàn huyện Phú Lương đã đưa vào gieo cấy trên 47% diện tích lúa lai, lúa thuần chất lượng cao (tăng lên gần 5% so với năm 2020), năng suất tăng từ 52,3 tạ/ha, lên trên 57 tạ/ha. Đối với cây chè, đến nay, diện tích chè của toàn huyện đạt trên 4.039ha, sản lượng đạt trên 44 nghìn tấn (tăng trên 1 nghìn tấn so với năm 2020); giá trị sản phẩm thu được bình quân đạt 250-280 triệu đồng/ha. Các giống chè mới LDP1, TRI777, Kim Tuyên… lần lượt được đưa vào trồng thay thế diện tích chè trung du già cỗi. Đến nay, chè giống mới chiếm 71% tổng diện tích chè toàn huyện.
Bên cạnh đó, một số hợp tác xã, nông hộ đã chủ động đầu tư dây chuyền đóng gói tự động và hơn 30 đơn vị sử dụng tem điện tử truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Huyện tiếp tục hỗ trợ người dân duy trì và phát triển nhãn hiệu tập thể "Chè Tức Tranh", "Chè Vô Tranh". Cùng với đó, việc phát triển sản phẩm chè OCOP đang được các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và nông hộ quan tâm. Phú Lương hiện có sản phẩm 11 sản phẩm đạt sao OCOP.
Sản xuất nông nghiệp tăng trưởng nhanh, đời sống người dân từng bước được cải thiện, quy trình sản xuất cơ giới hóa và liên hoàn ngày càng khép kín, góp phần giải phóng sức lao động. Chính vì vậy, người dân có thêm nhiều cơ hội mở mang ngành nghề lao động mới và tạo việc làm phi nông nghiệp. Huyện đã chủ động triển khai có hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; tư vấn, giới thiệu việc làm thông qua các sàn giao giao dịch và ngày hội việc làm. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng lao động, tạo điều kiện cho người dân đi làm việc tại các doanh nghiệp và xuất khẩu lao động. Từ năm 2018 đến nay, trung bình mỗi năm, huyện Phú Lương đào tạo cho trên 1.000 lao động; giới thiệu, giải quyết việc làm mới cho trên 2.100 lao động. Tỷ lệ người có việc làm trong độ tuổi lao động trên toàn huyện đạt trên 95%.
Với nhiều giải pháp được triển khai, từ một địa phương có tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 7,15% vào năm 2015, đến nay, Phú Lương chỉ còn 2,5% hộ nghèo. Hiện, thu nhập bình quân đầu người trên toàn huyện đạt 38,5 triệu đồng/người/năm (tăng trên 2 triệu đồng so với năm 2020).
Để tiếp tục tăng mức thu nhập, giúp người dân giảm nghèo bền vững, trong Đề án xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2022-2025, huyện Phú Lương đã đề ra nhiều giải pháp. Trong đó, trọng tâm là đẩy mạnh phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với nhu cầu của thị trường…