Hợp tác xã nông nghiệp – Điểm tựa của kinh tế nông thôn
Với mô hình trồng 5ha rau an toàn, HTX Nông nghiệp sạch Tràng Xá (xã Tràng Xá, Võ Nhai) đang tạo việc làm cho 15-20 người dân xã Lâu Thượng. |
Thời gian qua, những chính sách quan tâm, đầu tư, hỗ trợ của tỉnh đã giúp hoạt động của các tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX) nông nghiệp từng bước được đổi mới và nâng cao hiệu quả. Qua đó, phát huy vai trò tập hợp, vận động nông dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, là cầu nối nâng cao giá trị nông sản, thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn phát triển.
Điểm đặc biệt của mô hình trồng rau an toàn có quy mô gần 5ha của HTX Nông nghiệp sạch Tràng Xá (xã Tràng Xá, Võ Nhai) là được triển khai tại 2 xóm Là Dương và Cây Hồng (xã Lâu Thượng) và do các hộ dân ở đây trực tiếp trồng, chăm sóc. Bà Triệu Thị Xanh, xóm Cây Hồng, phấn khởi: Tôi có 9 sào ruộng, trước đây chỉ trồng lúa, rất vất vả mà thu nhập không cao. Từ khi cho HTX thuê lại đất, tôi được trả 7,2 tạ thóc/năm và còn được tạo việc làm thời vụ với thu nhập từ 150-250 nghìn đồng/ngày.
Anh Hoàng Ngọc Vũ, Giám đốc HTX Nông nghiệp sạch Tràng Xá, chia sẻ: Với mục tiêu tạo thêm việc làm, thu nhập cho nông dân nên HTX định hướng sẽ tăng cường liên kết, mở rộng hoạt động sang cả địa phương khác. Vì vậy, ngoài 56 thành viên chính thức, đến nay, HTX đã liên kết thêm với 80 hộ sản xuất nông nghiệp, mở rộng diện tích chè trồng theo hướng VietGAP và hữu cơ lên 55ha, tổng diện tích cây ăn quả lên30ha. Trung bình mỗi năm doanh thu của HTX đạt 1 tỷ đồng, thu nhập của các thành viên đạt từ 4,5-5 triệu đồng/người/tháng. Năm 2020, HTX có 1 sản phẩm chè đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh.
Không riêng HTX Nông nghiệp sạch Tràng Xá, tính đến cuối năm 2021, toàn tỉnh có 49 HTX với 104 sản phẩm được cấp chứng nhận OCOP cấp tỉnh và 2 sản phẩm được xếp hạng OCOP 5 sao cấp Quốc gia; 5 HTX có sản phẩm được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp Quốc gia...
Được hưởng chính sách hỗ trợ, thu hút nhân lực trẻ chất lượng cao về làm việc, hoạt động kế toán của HTX chè trung du Tân Cương Thái Nguyên ngày càng hiệu quả.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, cho biết: Thái Nguyên hiện có trên 1.500 THT và trên 400 HTX nông nghiệp (chiếm trên 60% tổng số THT, HTX trên địa bàn tỉnh). Thời gian qua, các THT, HTX nông nghiệp đã thể hiện rõ vai trò của mình trong phát triển kinh tế - xã hội, là cầu nối tập hợp và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực dồi dào ở khu vực nông thôn, định hướng nông dân quen dần với cách thức làm ăn có liên kết, bám sát nhu cầu thị trường. Hiện thu nhập bình quân của các thành viên HTX nông nghiệp đạt 4 triệu đồng/người/tháng. Cá biệt, tại một số HTX sản xuất - kinh doanh tổng hợp đa ngành nghề, địa bàn hoạt động rộng, hiệu quả hoạt động đạt cao, thu nhập của các thành viên đạt từ 5- 6 triệu đồng/người/tháng. Một số HTX bước đầu đã xây dựng mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với các sản phẩm chủ lực của địa phương, có hợp đồng tiêu thụ với các siêu thị, doanh nghiệp lớn.
Để có được kết quả trên, thời gian qua, Liên minh HTX tỉnh đã phối hợp với các sở, ngành, đơn vị triển khai hiệu quả Đề án phát triển kinh tế tập thể (KTTT) qua các giai đoạn và các chương trình, cơ chế, chính sách hỗ trợ thiết thực của tỉnh. Qua đó, các THT, HTX được hỗ trợ về nguồn vốn, khoa học - kỹ thuật, chính sách thuế, đào tạo nhân lực và hỗ trợ tiếp thị, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường…
Cụ thể, Liên minh HTX tỉnh đã thực hiện hỗ trợ và cấp xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn đối với 54 chuỗi sản phẩm nông nghiệp, trong đó có 23 HTX nông nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm; một số HTX được hỗ trợ xây dựng chỉ dẫn địa lý, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể đối với cây chè và các loại hàng hóa nông sản, thực phẩm.
Từ năm 2017-2021, toàn tỉnh có trên 80 HTX nông nghiệp được hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị với tổng số tiền 54 tỷ đồng; hỗ trợ trên 60 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng cho các HTX nông nghiệp. Từ năm 2017-2020, thực hiện Chương trình hỗ trợ thu hút nhân lực chất lượng cao về làm việc tại HTX, đã có 38 cán bộ trẻ được hỗ trợ trả lương với tổng kinh phí 2,6 tỷ đồng.
Anh Nguyễn Thanh Dương, Giám đốc HTX chè trung du Tân Cương Thái Nguyên (T.P Thái Nguyên), cho hay: Những năm qua, các chương trình hỗ trợ thiết thực của Nhà nước, của tỉnh đã góp phần trợ lực cho HTX hoạt động ngày càng hiệu quả. HTX hiện thu hút 8 thành viên và 20 hộ dân liên kết. Vùng sản xuất của chúng tôi hiện được mở rộng lên 20ha, trong đó, 80% diện tích chè đang được chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP. Các dòng sản phẩm của HTX hiện có giá bán ổn định từ 320 nghìn đồng đến 3,8 triệu đồng/kg.
Từ thực tế cho thấy, các THT, HTX nông nghiệp đã có đóng góp quan trọng trong tạo việc làm, nâng cao thu nhập của người dân nông thôn. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn nhiều THT, HTX gặp khó khăn trong sản xuất - kinh doanh và cần sớm được hỗ trợ để khắc phục, nâng cao hiệu quả hoạt động.
Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Nguyễn Văn Dũng cho biết thêm: Thời gian tới, Liên minh HTX sẽ tiếp tục phối hợp với ngành chức năng của tỉnh thực hiện đổi mới và đẩy mạnh phát triển KTTT, đặc biệt là HTX, THT; nhân rộng các mô hình HTX tiêu biểu, điển hình, sản xuất theo với chuỗi giá trị. Đồng thời, khuyến khích các HTX chủ động tiếp cận, tìm hiểu giải pháp số giúp công tác quản lý, vận hành được thuận lợi; chú trọng định hướng vào công tác đào tạo con người, thu hút nguồn nhân lực trẻ vào làm việc tại HTX, tạo tiền đề giúp các HTX tiếp cận và sử dụng giải pháp số hiệu quả hơn.