Nâng cao Chỉ số PCI và công cuộc chuyển đổi số
Các công trình kết cấu hạ tầng hoàn thành, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương; thu hút thêm nhiều nguồn lực đầu tư đến với tỉnh (Ảnh: Cầu Bến Tượng, T.P Thái Nguyên). |
Năm 2020, Thái Nguyên xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố trong cả nước về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), tăng 1 bậc so với năm 2019... Kết quả đó là quan trọng, đáng khích lệ, nhất là năm 2021, công cuộc chuyển đổi số (CĐS) được tỉnh xác định quyết tâm thực hiện cũng sẽ tác động qua lại nên phấn đấu để tăng điểm từng tiêu chí và tăng hạng sẽ có thuận lợi và cũng có khó khăn... Việc phân tích 10 tiêu chí dùng để chấm điểm, xếp hạng Chỉ số PCI của tỉnh sẽ cung cấp thêm nhiều thông tin bổ ích cho độc giả.
Kỳ 1 - Một mục tiêu phấn đấu thực thụ
Báo cáo PCI do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) hỗ trợ được thực hiện từ năm 2005, nhằm đo lường tính minh bạch trong đầu tư, thương mại và tăng trưởng kinh tế ở cả cấp quốc gia và cấp tỉnh. Báo cáo PCI năm 2020 đã nêu bật 3 xu hướng quan trọng: Các khoản phí không chính thức mà doanh nghiệp (DN) phải làm giảm mạnh nhờ chiến dịch chống tham nhũng của Chính phủ; Tác động của đại dịch COVID-19 và các giải pháp phục hồi ngoạn mục, khả thi, hiệu quả; DN quan tâm hơn đến môi trường sản xuất, kinh doanh. Liên tiếp 4 năm, Quảng Ninh vẫn là tỉnh luôn ở vị trí cao nhất, tiếp theo là Đồng Tháp, Long An, Bình Dương. Thái Nguyên xếp thứ 11/63, tăng 1 bậc và dẫn đầu trong nhóm các tỉnh Miền núi phía Bắc.. Bây giờ PCI được khẳng định thực sự là công cụ thúc đẩy cải cách, điều hành kinh tế, minh bạch hoá và là thước đo vai trò, trách nhiệm của cơ quan Nhà nước, nhất là lĩnh vực kinh tế tổng hợp .
Từ thực tế cho thấy, năm 2020, với việc thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp theo Nghị quyết số 02-NQ/CP ngày 01/01/2020 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh Quốc gia năm 2020; Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 29/3/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, Chỉ số PCI của tỉnh đã có những kết quả tích cực.
Năm 2020 cũng là năm tỉnh Thái Nguyên có số điểm tổng hợp đạt cao so với các năm. Về các chỉ số thành phần: Có 6/10 chỉ số thành phần tăng điểm, trong đó có 01 chỉ số đạt trên 8 điểm, 4 chỉ số đạt trên 7 điểm. Chỉ số có điểm cao nhất là Gia nhập thị trường đạt 8,35 điểm. Kết quả này đã phản ánh nỗ lực của các ngành, các cấp, sự đồng hành của cộng đồng DN tỉnh, môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh Thái Nguyên đã không ngừng được cải thiện, vai trò, vị thế của Thái Nguyên ngày một nâng cao. Thứ tự xếp hạng PCI những năm gần đây đều tăng và đạt được đánh giá có môi trường đầu tư kinh doanh tốt, song nhìn vào vị trí của các chỉ số thành phần trong PCI tỉnh Thái Nguyên năm 2020 cho thấy nhiều chỉ số thành phần có số điểm thấp hơn năm 2019, thứ tự xếp hạng thấp hơn nhiều so với thứ hạng chung, chỉ có một vài chỉ số có tính đột phá, điều đó khẳng định tính vững chắc của chỉ số PCI chưa cao. Cần tiếp tục có những giải pháp quyết liệt để cải thiện từng chỉ số thành phần thì việc nâng hạng, trụ hạng mới có thể thực hiện được.
Chúng tôi đi sâu phân tích 10 chỉ số thành phần của Chỉ số PCI năm 2020 để chứng minh cho nhận định trên. Đồng thời, qua tổng hợp, đánh giá của các chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực này của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI): Vũ Tiến Lộc, Đậu Anh Tuấn, Nguyễn Thị Thu Trang, để thấy được điểm mạnh, chỗ yếu trong thực hiện 10 chỉ số thành phần năm qua, tham mưu bước đi phù hợp của năm 2021...
Về Chỉ số gia nhập thị trường: Năm 2020 chỉ số này đạt 8,35 điểm, tăng 0,99 điểm so với năm 2019, và tăng điểm 2 năm liên tiếp, xếp 13/63 tỉnh, thành. Chỉ số gia nhập thị trường của năm 2020 là chỉ số đạt điểm cao nhất trong chỉ số thành phần PCI của Thái Nguyên. Phân tích của VCCI về chỉ số có nhiều cải thiện này: Do các cơ quan kinh tế tổng hợp của tỉnh đã nỗ lực để thời gian thực hiện đăng ký DN trung bình là 6 ngày, giảm được 1 ngày; thời gian đăng ký thay đổi DN là 5,5 ngày, giảm 1,5 ngày so với năm trước. Còn 20% DN cho rằng phải chờ hơn 1 tháng hoàn thành tất cả các thủ tục để chính thức hoạt động (giảm 6% so với năm trước). Có 3% DN đánh giá phải chờ hơn 3 tháng hoàn thành các thủ tục để chính thức hoạt động giảm 1% so với năm 2019 (năm 2019 là 4%). Tỷ lệ DN đăng ký kinh doanh qua phương thức trực tuyến, Trung tâm Hành chính công của tỉnh, Bưu chính đạt 25%. Tuy có nhiều thay đổi tích cực, nằm ở vị trí cao của cả nước, nhưng điểm số của chỉ số thành phần này này chưa đạt cao như như một số năm: Năm 2011, chỉ số này đạt 9,11 điểm, năm 2015 đạt 8,84 điểm.
Chỉ số tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất: Năm 2020, chỉ số này đạt 6,68 điểm (tăng 0,61 điểm), xếp hạng 31/63, tăng 29 bậc là chỉ số tăng điểm trong sáu chỉ số thành phần tăng điểm PCI. Năm 2019 Thái Nguyên đạt 6,07 điểm, xếp thứ 60/63 tỉnh thành. Theo kết quả đánh giá của VCCI thì năm 2020, tỷ lệ DN có mặt bằng kinh doanh, có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đạt 51% (giảm 11% so với đánh giá của năm 2019). Thời gian chờ đợi để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của DN là 50 ngày (tăng 25 ngày so với năm 2019) cao hơn trung bình 30 ngày của cả nước. 20% DN đánh giá việc được cung cấp thông tin về đất đai còn hạn chế; 19% DN cho rằng không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do lo ngại thủ tục hành chính rườm rà, cán bộ nhũng nhiễu...
Chỉ số về tính minh bạch trong tiếp cận thông tin: Năm 2020 đạt 5,85 điểm, xếp thứ 32/63 tỉnh thành, giảm 2 bậc (năm 2019 xếp thứ 30/63). Các chuyên gia của VCCI và UAID phân tích: Chỉ số tiếp cận tài liệu quy hoạch của tỉnh đã đạt trên 50%. Bằng mức trung bình cả nước, giữ nguyên số điểm so với năm 2019. Có tới 60% DN đánh giá cần phải có “mối quan hệ thân hữu” để có được các tài liệu của tỉnh. Có 45% DN cho biết chỉ nhận được thông tin, văn bản sau khi đề nghị cơ quan Nhà nước của tỉnh cung cấp. 43% DN cho biết việc thỏa thuận “khoản thuế phải nộp” với cán bộ thuế là việc khá phổ biến. 85% DN cho rằng đã giảm đi lại lo thủ tục hành chính... Đây cũng là chỉ số có sự cạnh tranh quyết liệt giữa các tỉnh vì để nâng cao nó không đòi hỏi phải có chi phí cao mà chỉ cần các cơ quan Nhà nước tăng cường đưa các thông tin về cơ chế chính sách mới, cho phép DN được tham gia trực tiếp vào quá trình xây dựng và ban hành văn bản về cơ chế chính sách, tăng chất lượng tiện ích và độ mở của các trang thông tin điện tử.
(Còn nữa)