Phát triển vùng cây ăn quả chủ lực
Cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh hướng dẫn người dân xóm Làng Mới, xã Tân Long (Đồng Hỷ) cách chăm sóc cây nhãn ghép mắt để cho thu hoạch rải vụ. |
Na, nhãn, bưởi là 3 sản phẩm nông nghiệp chủ lực đang được tỉnh tập trung phát triển theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế và khả năng cạnh tranh. Để đẩy mạnh phát triển các loại cây trồng này, tỉnh đã ban hành một số cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích bà con nông dân xây dựng các vùng chuyên canh cây ăn quả quy mô lớn, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn.
Chỉ khoảng 1 tháng nữa, những trái na La Hiên thơm ngon, ngọt đậm sẽ bắt đầu vào vụ thu hoạch. Bà Lê Thị Hương, một hộ trồng na lâu năm ở xóm Xuân Hòa, xã La Hiên (Võ Nhai) chia sẻ: Nhà tôi có trên 3.000m2 đất trồng 350 gốc na. Trước đây, do chưa biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nên vườn na của nhà tôi năm thì sai quả, năm lại mất mùa. Thế nhưng từ khi được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật do Hội Nông dân huyện tổ chức, gia đình tôi đã biết tự thụ phấn cho na ra quả đều và rải rác trong cả vụ. Ngoài ra, chúng tôi còn thực hiện cắt tỉa cành để thuận lợi cho việc chăm sóc, thu hái. Trung bình mỗi vụ, nhà tôi thu hoạch được 10 tấn quả, với giá bán trung bình 25 nghìn đồng/kg, thu về 250 triệu đồng.
Giống như gia đình bà Hương, thời gian qua, gia đình ông Nông Văn Nghĩa, ở xóm Làng Mới, xã Tân Long (Đồng Hỷ) cũng đã áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong việc chăm sóc vườn nhãn giống Miền Thiết (Hưng Yên). Nhờ vậy, nhãn cho quả to, ngọt, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với phương pháp canh tác truyền thống. Ông Nghĩa nói: Trước đây, chúng tôi trồng giống nhãn địa phương, quả nhỏ lại cho thu hoạch cùng một thời điểm nên giá bán chỉ được từ 8-10 nghìn đồng/kg. Ngoài ra, có năm nhãn bị mất mùa nên bà con thất thu. Áp dụng phương pháp tỉa cành, ghép mắt, tôi đã đốn cho cây bớt cao và cắt tỉa 10% số lượng quả non để tập trung dinh dưỡng. Mặc dù sản lượng có giảm đôi chút nhưng hiệu quả kinh tế lại cao hơn vì nhãn ghép chín muộn, thường cho thu hoạch sau nhãn chính vụ nên giá bán dao động từ 15-20 nghìn đồng/kg.
Người dân xóm Xuân Hòa, xã La Hiên (Võ Nhai) chăm sóc vườn na chuẩn bị cho thu hoạch.
Gia đình bà Hương, ông Nghĩa chỉ là 2 trong số nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh đang từng bước áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng các loại cây ăn quả chủ lực. Thời gian qua, để giúp người nông dân chuyển đổi và mở rộng diện tích cây ăn quả, các ngành chức năng trong tỉnh đã quan tâm chuyển giao kỹ thuật canh tác, khuyến khích bà con áp dụng đồng bộ các biện pháp thâm canh, quy hoạch vườn cây ăn quả; lựa chọn giống tốt, chất lượng để trồng. Ông Hà Trọng Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: Hằng năm, đơn vị phối hợp với trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành, thị tổ chức tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho bà con nông dân. Nhờ vậy, hiện nay, các kỹ thuật cơ bản như: Thụ phấn bổ sung, điều khiển ra hoa; tỉa cành, tạo tán; ghép mắt; sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm; sử dụng túi bao quả… đang được bà con áp dụng rộng rãi. Ngoài ra, trong năm 2021, Trung tâm tiếp tục tổ chức thực hiện dự án ghép cải tạo vườn nhãn quy mô 4,2ha tại 2 xã Tân Long và Hóa Thượng (Đồng Hỷ); trồng bưởi Diễn quy mô 7ha tại xã Phúc Lương (Đại Từ) và 9ha tại xã Hợp Thành (Phú Lương).
Hiện nay, diện tích cây na, nhãn, bưởi của toàn tỉnh đạt 4.460ha, sản lượng 30.840 tấn/năm. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành các vùng trồng cây ăn quả tập trung chất lượng cao như: Vùng trồng nhãn ở xã Phúc Thuận (T.X Phổ Yên), Quân Chu (Đại Từ); vùng trồng bưởi ở xã Tiên Hội (Đại Từ), Tràng Xá, Dân Tiến, Phương Giao (Võ Nhai); vùng trồng na ở các xã La Hiên, Lâu Thượng, Phú Thượng (Võ Nhai). 2 sản phẩm “Nhãn Phúc Thuận” và “Na La Hiên” đã được cấp chứng nhận Nhãn hiệu tập thể, một số diện tích đã được cấp chứng nhận VietGAP, hiện đang thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Kết quả sản xuất tại các vùng thâm canh cho thấy, giá trị sản phẩm thu được từ cây na đạt 425 triệu đồng/ha/năm, cây bưởi đạt 360 triệu đồng/ha/năm và nhãn là 300 triệu đồng/ha/năm.
Theo đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, để phát triển vùng cây ăn quả chủ lực, xây dựng vùng sản xuất tập trung, giai đoạn 2021-2025, tỉnh tạo điều kiện cho bà con chuyển đổi hơn 2.700ha đất trồng lúa và đất trồng cây ăn quả kèm hiệu quả, đất vườn tạp, đất rừng sản xuất sang chuyên canh na, bưởi, nhãn. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có 1.600ha na, nhãn, bưởi sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, hữu cơ. Song song với đó, tỉnh cũng tập trung xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm chủ lực và đẩy mạnh khâu quảng bá, xúc tiến thương mại; hỗ trợ 50% chi phí cho các đơn vị, doanh nghiệp tham gia hội chợ, triển lãm trong và nước ngoài; hỗ trợ xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm chủ lực. Ngoài ra, tỉnh cũng khuyến khích, tạo điều kiện thực hiện các dự án liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, nông hộ trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm gắn với chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn và hỗ trợ kinh phí mua máy móc, thiết bị sơ chế, chế biến, bảo quản sản phẩm. Cùng với đó, Sở Nông nghiệp và PTNT đang tham mưu cho UBND tỉnh đề nghị các trung tâm thương mai, siêu thị lớn trên địa bàn (như: Go!, Vinmart, LanChi, Aloha, Minh Cầu) hỗ trợ tiêu thụ nông sản của bà con...