Thái Nguyên tạo đột phá từ các dự án trọng điểm (bài 2): Hóa giải những vướng mắc, bất cập

Cập nhật: Thứ sáu 10/06/2022 - 07:55
 Các đồng chí lãnh đạo tỉnh kiểm tra Dự án đường vành đai 5 vùng Thủ đô Hà Nội (đoạn qua tỉnh Thái Nguyên), tháng 4-2022.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh kiểm tra Dự án đường vành đai 5 vùng Thủ đô Hà Nội (đoạn qua tỉnh Thái Nguyên), tháng 4-2022.

Ở bài trước, chúng tôi đã phản ánh sự vào cuộc tích cực của các cấp, cơ quan chuyên môn, chủ đầu tư và những kết quả giải phóng mặt bằng (GPMB) phục vụ các dự án trọng điểm. Tuy nhiên, công tác GPMB không phải lúc nào cũng suôn sẻ mà ngược lại thường gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Cùng với đó, việc bố trí vốn cho các dự án, trong đó có kinh phí bồi thường, GPMB cũng là một “bài toán” không dễ, chưa kể có dự án còn bị vướng mắc về cơ chế, thủ tục đầu tư…

 

Trở lại với tình hình GPMB Dự án (DA) Phát triển tổng hợp đô thị động lực TP. Thái Nguyên, theo đánh giá của chuyên gia Ngân hàng Thế giới (WB) và chủ đầu tư thì công tác GPMB cơ bản đáp ứng yêu cầu tiến độ thi công. Nhưng đến thời điểm này, theo thông tin từ Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Thái Nguyên, phần lớn các gói thầu, dự án thành phần đều còn những vướng mắc, khó khăn đáng kể. Chủ yếu là do người dân chưa đồng tình với mức giá bồi thường, hỗ trợ; đề nghị kê khai bổ sung tài sản; lịch sử đất đai phức tạp, không thống nhất về quyền sử dụng; chưa nhất trí với vị trí tái định cư…

Đặc biệt, có hộ đã được phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ GPMB, được cơ quan chức năng mời đến nhận tiền nhiều lần nhưng không đến và không nêu lý do, kiến nghị cụ thể.

Vì vậy, phần diện tích đến nay chưa được GPMB tuy chiếm số ít (khoảng 20%) nhưng nan giải.

Trước những khó khăn, vướng mắc có nguy cơ ảnh hưởng đến tiến độ chung của DA như vậy, giải pháp là gì? Lãnh đạo Trung tập Phát triển quỹ đất TP. Thái Nguyên và các địa phương đều xác định công tác tuyên truyền, vận động người dân là quan trọng nhất. Lực lượng làm công tác này là từ cán bộ, ban công tác Mặt trận các xóm, tổ dân phố, thành viên các tổ công tác GPMB, cán bộ xã, phường, nhân lực của cơ quan chuyên môn, chủ đầu tư… đến lãnh đạo thành phố. Tức là cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc.

Thi công cầu Hòa Sơn bắc qua sông Cầu, nối huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) với T.P Phổ Yên tại phường Đông Cao - điểm đầu của tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên - Bắc Giang - Vĩnh Phúc.

Khi người dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của DA, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quyền lợi, nghĩa vụ của mình và được công khai tất cả những thông tin liên quan thì họ sẽ đồng thuận. Ông Nguyễn Tiến Trữ, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Thái Nguyên thông tin: Lãnh đạo UBND, Hội đồng Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành phố đã rất nhiều lần kiểm tra thực tế, cùng trực tiếp vận động, đối thoại với từng hộ dân và thu được kết quả tốt.

Vấn đề mấu chốt là người dân bị ảnh hưởng bởi DA phải được đảm bảo quyền lợi chính đáng. Vì vậy, cùng với tuyên truyền, vận động, cơ quan chuyên môn làm công tác GPMB phải áp dụng đúng, đủ chính sách, đảm bảo sự công bằng.

Lãnh đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Thái Nguyên cho biết thêm: Những trường hợp thắc mắc về cơ chế, chính sách đều được chúng tôi giải thích cặn kẽ; trường hợp đề nghị kê khai, kiểm đếm bổ sung, xem xét lại mức bồi thường, hỗ trợ… nếu có căn cứ thì Tung tâm đều giải quyết thỏa đáng cho người dân. Trên quan điểm và những giải pháp đó, đối với những trường hợp vướng mắc hiện nay trong GPMB DA này và DA Xây dựng sân vận động Thái Nguyên, chúng tôi đều có kế hoạch cụ thể để giải quyết trong thời gian sớm nhất…

Có tình trạng khá phổ biến thời gian qua là không ít hộ dân trong vùng quy hoạch các dự án tiến hành xây dựng đón đền bù (thậm chí có đối tượng chuyên nghiệp đứng sau đầu tư), gây khó khăn, phức tạp và có thể làm đội chi phí GPMB.

Dự án Tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên – Bắc Giang - Vĩnh Phúc hay DA Khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế 5 sao hồ Núi Cốc cũng không ngoại lệ. Để hạn chế tình trạng này và những tác động tiêu cực đến tiến độ GPMB, chính quyền các địa phương và cơ quan chuyên môn đã chủ động, quyết liệt vào cuộc từ sớm: Ghi nhận hiện trạng, tuyên truyền, vận động người dân; lập chốt canh gác; kịp thời lập biên bản và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.

Cán bộ xã Tân Thái (Đại Từ) tuyên truyền, vận động người dân không xây dựng đón đền bù tại Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế 5 sao hồ Núi Cốc.

Ông Nguyễn Hải Hà, Chủ tịch UBND xã Tân Thái, Đại Từ (địa phương có DA Khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế 5 sao hồ Núi Cốc), cho biết: Cùng với thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ công tác phối hợp GPMB, chúng tôi lập 2 chốt trực 24/24 nhằm ngăn chặn, xử lý kịp thời việc xây dựng đón đền bù. Nhiều trường hợp bị lập biên bản, nhắc nhở đã tự nguyện tháo dỡ…

Việc bố trí kịp thời, đủ nguồn vốn để triển khai các DA nói chung, vốn cho công tác GPMB nói riêng cũng là một “bài toán” không dễ, đã và đang được các cấp, ngành của tỉnh và các chủ đầu tư quan tâm giải quyết đúng quy định, góp phần đảm bảo tiến độ DA. Đơn cử như công tác giải ngân vốn GPMB Dự án Xây dựng sân vận động Thái Nguyên có thời điểm bị “tắc” vì chủ đầu tư (Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh) thiếu thống nhất. Tuy nhiên, vướng mắc này nhanh chóng được tháo gỡ khi đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra thực địa, tiếp thu đề xuất của các cơ quan tham mưu và chỉ đạo hướng giải quyết.

Công trình nâng cấp đường khu dân cư Đồng Bẩm thuộc Dự án Phát triển tổng hợp đô thị động lực TP. Thái Nguyên đã cơ bản hoàn thành hạng mục chính.

Trong cuộc kiểm tra của Thường trực Tỉnh ủy đối với các DA trọng điểm trên địa bàn huyện Phú Bình cuối tháng 4 vừa qua, Chủ tịch UBND huyện nêu thực tế là địa phương này thiếu kinh phí GPMB do nguồn thu từ đấu giá quyền sử dụng đất bị chậm và không đạt so với dự kiến; đề nghị được tạm ứng ngân sách tỉnh, chấp thuận tự nguyện ứng vốn của các nhà đầu tư để xây dựng khu tái định cư, GPMB các DA đảm bảo tiến độ… Những đề xuất của huyện Phú Bình được các đồng chí lãnh đạo tỉnh tiếp thu, chỉ đạo các sở, ngành liên quan xem xét, phối hợp giải quyết hoặc đề xuất hướng giải quyết kịp thời, đúng quy định của pháp luật.

Cũng có những DA bị vướng mắc về thủ tục đầu tư, bất cập quy định, cần phải xin ý kiến của các bộ, ngành Trung ương, điều chỉnh chủ trương, thiết kế thi công và dự toán… khiến tiến độ ít nhiều bị ảnh hưởng, như: Dự án đường vành đai 5 vùng Thủ đô Hà Nội, DA Xây dựng sân vận động Thái Nguyên, DA Phát triển tổng hợp đô thị động lực TP. Thái Nguyên… Những vướng mắc đó đã và đang được các cấp, ngành liên quan, chủ đầu tư tích cực phối hợp, tham mưu giải quyết, tháo gỡ sớm nhất để các DA được triển khai đúng quy định và đảm bảo chất lượng, tiến độ.

(Còn nữa)

Nhóm P.V Điện tử
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: