Tiếp tục chia khó cùng doanh nghiệp
Tuy không bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch COVID-19 nhưng các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sắt thép trên địa bàn tỉnh vẫn nhận được sự hỗ trợ từ nhiều ngân hàng. Trong ảnh: Sản xuất cấu kiện thép tại Công ty TNHH thép Everich (Khu công nghiệp Điềm Thụy). |
Mặc dù trong những tháng đầu năm nay nền kinh tế thế giới và trong nước đã có nhiều tín hiệu khởi sắc sau thời gian ảm đạm do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng phần lớn các doanh nghiệp (DN) vẫn đối diện với nhiều khó khăn. Trước thực tế này, theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), các NH thương mại trên địa bàn tỉnh tiếp tục có những giải pháp thiết thực để chia khó cùng DN.
Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Văn Khoa, Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh chia sẻ: Năm 2020, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã kịp thời triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Theo đó, tổng dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay là trên 15,4 nghìn tỷ đồng, cho 9.148 lượt khách hàng; cho vay mới với lãi suất ưu đãi với doanh số gần 40 nghìn tỷ đồng, cho 15.246 lượt khách hàng. Còn trong quý I/2021, tổng dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay là gần 3,7 nghìn tỷ đồng, với trên 3.000 lượt khách hàng; doanh số cho vay mới với lãi suất ưu đãi là 8,3 nghìn tỷ đồng.
Từ thực tế cho thấy, trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, việc các NH sẵn sàng giảm lợi nhuận là để chia khó cùng các DN cũng chính là để giúp chính mình vượt qua khó khăn. Vì thế, mới đây nhất, ngày 2/4/2021, NHNN đã ban hành Thông tư số 03/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 (có hiệu lực từ ngày 17/5/2021). Theo đó, các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với số dư của khoản nợ phát sinh trước ngày 10/6/2020 từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính và phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23/1/2020 đến 31/12/2021. Ngoài ra, Thông tư cũng quy định các NH được quyết định miễn, giảm lãi, phí theo quy định nội bộ đối với số dư nợ của khoản nợ phát sinh trước ngày 10/6/2020 từ hoạt động cấp tín dụng mà khách hàng phải trả trong 2 năm 2020-2021 nhưng không có khả năng, do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Về việc miễn, giảm lãi, phí cho khách hàng được thực hiện đến ngày 31/12/2021.
Dịch COVID-19 tại Việt Nam cơ bản đã được khống chế, các cửa hàng dịch vụ ăn uống hoạt động bình thường trở lại, nhưng hiện nay lượng khách vẫn giảm đáng kể so với trước, do đó rất cần được hỗ trợ từ ngành Ngân hàng.
Theo bà Nguyễn Khuê Chính, Phó Giám đốc NH Đầu tư và Phát triển (BIDV) Chi nhánh Thái Nguyên: Từ năm 2020 đến nay, khi khách hàng của BIDV bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, ngoài những hỗ trợ về giảm lãi suất, cơ cấu lại thời hạn trả nợ…, chúng tôi còn dành sự quan tâm đặc biệt đến việc tư vấn, hỗ trợ khách hàng. Chính điều này đã giúp BIDV không những duy trì được lượng khách hàng hiện có mà còn gia tăng thêm khách hàng mới trong thời kỳ khó khăn. Tăng trưởng tín dụng năm 2020 của Chi nhánh đạt trên 1,55 nghìn tỷ đồng (tăng 14,38%), chiếm 30% tổng dư nợ tăng thêm trong năm của cả hệ thống các tổ chức tín dụng trên địa bàn. 3 tháng đầu năm nay, BIDV tiếp tục duy trì sự hỗ trợ này đối với khách hàng theo đúng tinh thần chỉ đạo của NHNN.
Đánh giá cao sự đồng hành của các NH, ông Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc Công ty CP Thương mại và Du lịch Hà Lan cho rằng: Năm 2020, có nhiều tháng vài trăm chiếc xe của Công ty phải “nằm đắp chiếu”, trong khi đó đơn vị vẫn phải trả lương cho người lao động. Trong bối cảnh đó, nếu không có sự đồng hành, sẻ chia của các NH, chúng tôi khó có thể vượt qua khó khăn. Đơn cử như NH Nông nghiệp - PTNT (Agribank) Chi nhánh Thái Nguyên đã cử ngay cán bộ đến nắm bắt tình hình hoạt động của DN và đưa ra biện pháp hỗ trợ. Theo đó, chúng tôi được giảm 2% lãi suất đối với tất cả các khoản vay hiện hữu và được áp dụng mức lãi suất ưu đãi đối với các khoản vay mới; được cơ cấu đối với một số khoản nợ và được vay tín chấp gần 5 tỷ đồng để trả lương cho nhân viên...
Còn theo đại diện một số DN kinh doanh sắt thép trên địa bàn T.P Thái Nguyên, tuy không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi dịch COVID-19 như các ngành vận tải, du lịch, nhà hàng, nhiều NH vẫn tạo điều kiện giảm lãi suất cho họ với mức phổ biến là 0,5-1%/năm đối với khoản vay hiện hữu và được vay mới với lãi suất ưu đãi. Sự hỗ trợ này đã giúp cho DN giảm đáng kể khó khăn, nhất là trong bối cảnh nguồn cung thép không đủ. Tuy nhiên, bên cạnh sự vào cuộc tích cực đó, đại diện một số DN cho biết, còn nhiều NH thương mại CP nhỏ khá dửng dưng trong việc hỗ trợ khách hàng hoặc có hỗ trợ nhưng không đáng kể…
Có thể nói, sự đồng hành của ngành NH với DN trong mọi lúc, mọi nơi đều rất quan trọng và cần thiết, nhất là trong bối cảnh sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, bởi vốn vay NH thường chiếm tỷ trọng không nhỏ trong tổng nguồn vốn hoạt động của DN. Tuy nhiên, thực tế thời gian qua cho thấy, bên cạnh những NH thực hiện tốt việc hỗ trợ với khách hàng thì vẫn còn không ít NH chưa quan tâm, dẫu rằng việc hỗ trợ này không mang tính bắt buộc. Thiết nghĩ, qua đây, các DN cũng có thêm cách nhìn nhận, đánh giá để đưa ra sự lựa chọn về đối tác của mình. Còn về phía các NH cũng sẽ cấn đánh giá lại, điều chỉnh sao cho các chính sách, chiến lược kinh doanh của mình phù hợp với xu thế, bối cảnh chung của xã hội để giữ chân được khách hàng…