TISCO: Kỳ vọng tăng trưởng
Công nhân vận hành dây chuyền sản xuất thép TISCO tại Nhà máy Cán thép Lưu Xá. |
Năm 2022, dự báo ngành Thép sẽ phải đối diện với nhiều thách thức do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19; giá nguyên liệu, vật tư chủ yếu tăng mạnh so với giá bán sản phẩm... Tuy nhiên, với những lợi thế về nhân lực, công nghệ, nguyên liệu tại chỗ cùng các giải pháp phát triển, phục hồi kinh tế - xã hội theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (TISCO) kỳ vọng đạt tăng trưởng cao trong năm nay.
Chủ động “nắm” cơ hội
Theo nhận định của các chuyên gia và doanh nghiệp, 2022 sẽ là một năm triển vọng khi dịch COVID-19 dần được kiểm soát; nhu cầu xây dựng hồi phục mạnh trở lại sẽ khiến mức tiêu thụ thép tiếp tục tăng mạnh hơn. Ngoài ra, một số hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được thực thi, đã mang đến những tín hiệu tích cực cho ngành Thép khi có thêm thị trường xuất khẩu mới với sự tăng trưởng cao.
Tại Hội thảo mới đây với chủ đề “Thị trường Thép Việt Nam - Triển vọng năm 2022” do Hiệp hội Thép Việt Nam tổ chức, ông Nghiêm Xuân Ða, Chủ tịch Hiệp hội cho rằng, Nghị quyết 01/NQ-CP được ban hành ngày 9/1/2022 với các giải pháp phát triển, phục hồi kinh tế - xã hội sẽ thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, đẩy mạnh xuất khẩu và đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Việc huy động mọi nguồn lực phát triển hạ tầng sẽ giúp cho ngành Thép phát triển mạnh hơn trong năm 2022.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Minh Hạnh, Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc TISCO, cho biết: Việc các bộ, ngành, địa phương đang quyết liệt triển khai Nghị quyết 01/NQ-CP, Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình sẽ là cơ hội lớn cho ngành Thép nói chung và TISCO nói riêng trong năm 2022.
Ngoài cơ hội tiêu thụ sản phẩm khi Chính phủ triển khai các gói kích thích kinh tế và tập trung giải ngân vốn đầu tư công khiến nhu cầu sử dụng thép trong nền kinh tế tiếp tục gia tăng, TISCO cũng có nhiều lợi thế do chủ động được nguồn nguyên liệu tại chỗ như: Quặng sắt, than mỡ (cốc luyện kim). Đặc biệt, theo ông Hạnh, lợi thế lớn nhất của TISCO là con người và dây chuyền công nghệ sản xuất khép kín (gang lỏng góp phần giảm chi phí khi luyện thép, công nghệ tiết kiệm các chỉ tiêu tiêu hao nguyên liệu, năng lượng) cùng với các giải pháp khoán chi phí, hạ giá thành sản phẩm; phối hợp tốt với các đối tác, nhà phân phối mở rộng thị trường xuất khẩu, tiêu thụ...
Nhờ có lợi thế về công nghệ, nguyên liệu tại chỗ và “nắm” được cơ hội khi giá thép thế giới tăng cao (từ quý II/2021), tổng doanh thu của TISCO đạt trên 18.397 tỷ đồng, vượt 42% so với kế hoạch năm 2021; lợi nhuận trước thuế đạt trên 150 tỷ đồng, tăng hơn 3 lần so với kế hoạch năm. Chỉ tính riêng trong 2 tháng đầu năm 2022, TISCO đã đạt tổng doanh thu gần 3.200 tỷ đồng, tăng gần 8% so với cùng kỳ năm trước; thép cán sản xuất gần 143 nghìn tấn, tăng trên 6% so với cùng kỳ; thép cán tiêu thụ đạt gần 135 nghìn tấn, tương đương so với cùng kỳ; nộp ngân sách Nhà nước 48,5 tỷ đồng, tăng hơn 10% so với cùng kỳ; bảo đảm việc làm cho 3.676 lao động với mức thu nhập bình quân đạt trên 12 triệu đồng/người/tháng.
Thép TISCO được cung ứng đến tận chân công trình xây dựng.
Cũng theo ông Nguyễn Minh Hạnh, để có được kết quả sản xuất - kinh doanh như trên là nhờ Công ty luôn nhận được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên, Tổng Công ty Thép Việt Nam (SCIC) trong việc cấp mỏ, khai thác nguyên liệu, vận hành sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, các giải pháp quản trị, điều hành quyết liệt, đầu tư cải tạo dây chuyền thiết bị công nghệ khu vực mỏ nguyên liệu, Nhà máy Luyện gang và các nhà máy cán thép đã mang đến hiệu quả tích cực.
Nỗ lực và niềm tin
Trong năm 2022, dự báo tình hình dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến việc giải ngân vốn đầu tư công, vốn đầu tư xây dựng các công trình công nghiệp, dân dụng... Tuy nhiên, TISCO vẫn quyết tâm đặt mục tiêu tăng trưởng cao: Giá trị sản xuất công nghiệp (giá thực tế) tăng 52% so với kế hoạch năm 2021; tổng doanh thu đạt 20.105 tỷ đồng, tăng 55% so với kế hoạch; lợi nhuận vượt 80% so với kế hoạch; tiếp tục tìm hướng xuất khẩu hàng dự án, thép hình dân dụng nhằm tăng sản lượng sản xuất các nhà máy cán thép, phấn đấu đạt và vượt kế hoạch đề ra.
Theo các chuyên gia của Công ty CP Chứng khoán VNDIRECT, hiện nay, các nhà xuất khẩu thép hàng đầu của Việt Nam đang có cơ hội gia tăng sản lượng trong thời gian tới do mặt hàng này của Nga bị nhiều quốc gia cấm vận (tại EU, Nga là quốc gia xuất khẩu thép lớn thứ 2 vào khu vực này trong năm 2021). Do hiện nay, giá thép trong nước tăng cao (vượt mốc 18,3 triệu đồng/tấn (mức đỉnh giá hồi tháng 5-2021) cùng với cơ hội xuất khẩu thép vào thị trường EU sẽ tạo đã thuận lợi cho TISCO gia tăng sản lượng thép xuất khẩu trong năm 2022 (năm 2021, TISCO bước đầu xuất khẩu 10.000 tấn sản phẩm thép SAE, giúp doanh nghiệp giảm áp lực về mặt hàng thép dự án, thép chống lò).
Tuy nhiên, theo ông Trần Quang Tiến, Phó Tổng Giám đốc TISCO, thép tăng giá là do nguồn cung khan hiếm, giá nhập khẩu nguyên liệu (than, quặng sắt, thép phế...) trên thị trường thế giới tăng vọt. Đặc biệt, giá thép xây dựng trên thị trường tăng cao vừa là cơ hội nhưng cũng là thách thức cho các doanh nghiệp sản xuất khi giá thép phế, than cốc, xăng dầu tăng giá cao hơn so với giá bán thành phẩm...
Để hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch sản xuất - kinh doanh chủ yếu năm 2022, tạo đà tăng trưởng những năm tiếp theo, Công ty CP Gang thép Thái Nguyên tiếp tục phát huy những lợi thế về nhân lực, công nghệ và nguyên liệu; đồng thời đề ra các giải pháp cụ thể như: Hoàn tất các thủ tục pháp lý liên quan đến hoạt động khai thác khoáng sản tại các mỏ than, mỏ sắt và tổ chức khai thác, tuyển quặng đáp ứng tối đa yêu cầu sản xuất của Nhà máy Luyện Gang; tập trung kỹ thuật, công nghệ nhằm tăng sản lượng gang lỏng phục vụ luyện thép nhằm tự chủ một phần lượng phôi sản xuất thép cán; mở rộng thị trường tiêu thụ bằng các chính sách, dịch vụ bán hàng linh hoạt; tiếp tục triển khai các hạng mục đầu tư phục vụ chuyển đổi số, thực hiện giải pháp phần mềm quản trị nhân sự...