Xây dựng nông thôn mới trên vùng chiến khu xưa (kỳ 1)
Trên địa bàn huyện Định Hóa có tới 128 điểm di tích lịch sử cách mạng đã được công nhận. |
Xây dựng Định Hóa - vùng chiến khu cách mạng đạt tiêu chuẩn huyện nông thôn mới (NTM) vào năm 2023 là nguyện vọng và sự khát khao của cán bộ, đảng viên, Nhân dân nơi đây. Tuy nhiên, để hiện thực hóa mục tiêu này cần nguồn lực rất lớn và tinh thần quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị các cấp. Thấu hiểu được niềm mong mỏi này và cả những khó khăn của địa phương, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã trực tiếp chủ trì Hội nghị làm việc với lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên, đại diện một số bộ, ngành chức năng, các doanh nghiệp để hợp lực, chỉ đạo lên kế hoạch những việc “cần làm ngay” nhằm giúp ATK Định Hóa hiện thực hóa mục tiêu.
Kỳ 1: Những nỗ lực và kết quả bước đầu
Sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM, quê hương cách mạng Định Hóa đã có sự phát triển toàn diện từ xây dựng hệ thống chính trị, an ninh - quốc phòng, kinh tế - xã hội. Đặc biệt, sau nhiều năm quyết tâm xây dựng NTM, đời sống của đồng bào các dân tộc huyện Định Hóa được nâng lên rõ rệt cả về vật chất lẫn tinh thần.
“Quả ngọt” đầu mùa
Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 4/6/2010 về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM, huyện miền núi Định Hóa đã tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức cho toàn thể cán bộ, đảng viên và Nhân dân trên địa bàn. Cấp ủy, chính quyền huyện Định Hóa đã chỉ đạo quyết liệt, cán bộ, đảng viên, Nhân dân đồng tình hưởng ứng, nên sau hơn 2 nhiệm kỳ thực hiện Chương trình xây dựng NTM, địa phương đã đạt nhiều thành tựu quan trọng.
Cụ thể, Định Hóa đã huy động được trên 3.000 tỷ đồng đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng thiết yếu. Trong đó, huyện đã bê tông, nhựa hóa được 138km đường liên xã và hàng nghìn km đường đến các thôn, xóm, hộ gia đình; xây dựng đường dây, trạm biến áp giúp 100% hộ dân được sử dụng điện lưới Quốc gia; trường học, trạm y tế tại 100% xã, thị trấn được xây dựng kiên cố, đồng bộ, đáp ứng nhu cầu học tập, chăm sóc sức khỏe của nhân dân; mạng lưới kênh mương nội đồng và các công trình phục vụ sản xuất liên tục được đầu tư nâng cấp…
Thị trấn Chợ Chu (Định Hóa) đã và đang được đầu tư phát triển toàn diện.
Với tinh thần vượt khó, cấp ủy, chính quyền nhiều xã ở Định Hóa đã dành tâm sức, nguồn lực thực hiện nhiệm vụ xây dựng NTM. Tính đến đầu năm 2022, toàn huyện có 11/22 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, gồm: Đồng Thịnh, Phượng Tiến, Bảo Cường, Trung Hội, Phúc Chu, Phú Đình, Sơn Phú, Thanh Định, Kim Phượng, Trung Lương, Bộc Nhiêu. Ở những xã NTM này, từ diện mạo khu vực trung tâm xã, các xóm, hệ thống công trình kết cấu hạ tầng đến nơi ở, bữa ăn của người dân đều được thay đổi theo hướng tích cực.
Ông Nguyễn Minh Tú, Chủ tịch UBND huyện Định Hóa: Những thành quả trong xây dựng NTM đã giúp vùng đất chiến khu thay đổi toàn diện, thực chất, sâu rộng và nhân dân chính là người được hưởng lợi trực tiếp. Với ý nghĩa như vậy, cấp ủy, chính quyền địa phương xác định "Quá trình xây dựng NTM chỉ có điểm đầu, không có điểm kết thúc". Vì tiêu chí, tiêu chuẩn NTM không ngừng được nâng cao. |
Điển hình như xã Phúc Chu, hiện các công trình điện, đường, trường, trạm, viễn thông, kênh mương nội đồng… trên địa bàn đều được đầu tư xây dựng đồng bộ; đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao. Từ khi thực hiện xây dựng NTM đến thời điểm hoàn thành năm 2018, xã Phúc Chu đã huy động được trên 63,7 tỷ đồng đầu tư xây dựng NTM. Trong đó, riêng nguồn vốn đóng góp của nhân dân trong xã đạt trên 17 tỷ đồng. Sau khi đạt chuẩn, Phúc Chu tiếp tục vận động nhân dân không ngừng giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí, hướng tới mục tiêu đạt xã NTM nâng cao và xã NTM kiểu mẫu.
Ông Lý Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Định Hóa, cho biết: Các xã đã đạt chuẩn NTM sẽ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ này ở mức cao hơn như rà soát, chọn lựa để xây dựng các xóm có điều kiện xây dựng nông thôn kiểu mẫu. Khi 11 xã NTM có nhiều xóm nông thôn kiểu mẫu, huyện sẽ chọn nhóm đầu để tiếp tục đầu tư xây dựng thành xã NTM nâng cao.
Sâu nặng nghĩa tình với chiến khu xưa
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, tỉnh Thái Nguyên vinh dự được Trung ương Đảng, Chính phủ chọn làm an toàn khu (ATK) - Thủ đô kháng chiến của cả nước. Ngày 20/5/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến ATK Định Hóa ở và làm việc tại đồi Khau Tý, xã Điềm Mặc. Trong suốt những năm kháng chiến trường kỳ của dân tộc, ATK Định Hóa đã đùm bọc nhiều cơ quan Đảng, Chính phủ, các bộ, ban, ngành, doanh nghiệp của Trung ương, của tỉnh hoạt động tại đây. Là nguồn cội của cách mạng nên những năm qua, huyện Định Hóa đón nhận nhận nhiều sự tri ân, hỗ trợ trong các lĩnh vực nói chung và xây dựng NTM nói riêng.
Tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua huyện Định Hóa đã tạo ra nhiều cơ hội trong phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương.
Ông Hà Ngọc Khoa, Trưởng xóm Đồng Đau, xã Định Biên: Khi Bộ Tổng Tham mưu đầu tư xây dựng gần 600m đường vào Khu di tích nơi làm việc của đơn vị trong kháng chiến và nâng cấp nhà văn hóa xóm với kinh phí 4,2 tỷ đồng, người dân trong xóm rất phấn khởi. Từ đó, đời sống của người dân cũng từng bước được cải thiện, bà con có thêm nhiềucơ hội phát triển kinh tế. |
Điển hình là Bộ Tổng tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam đã thường xuyên tổ chức hành trình về nguồn, thực hiện các hoạt động tri ân đối với mảnh đất ATK Định Hóa. Trong đó, các đơn vị Quân đội thường xuyên hỗ trợ huyện Định Hóa xây dựng cầu, đường giao thông; nâng cấp nhà văn hóa, xây dựng hàng chục nhà tình nghĩa; khám bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí, tặng quà cho các đối tượng chính sách, nhân dân địa phương… Tổng mức đầu tư các công trình và nguồn kinh phí của các đơn vị Quân đội dành để tri ân tại huyện Định Hóa lên tới hàng chục tỷ đồng.
Tương tự, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam cũng có nhiều hoạt động tri ân với vùng đất chiến khu xưa khi thực hiện hiệu quả Chương trình giảm nghèo bền vững tại địa phương. Cụ thể, từ năm 2016 đến nay, huyện Định Hóa đã có hơn 4.000 hộ nghèo và cận nghèo được hỗ trợ tư liệu sản xuất từ các chương trình, dự án với tổng nguồn vốn 39 tỷ đồng. Đặc biệt, trên 10.000 lượt hộ nghèo và cận nghèo được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Từ nguồn vốn vay này, mỗi năm, Định Hóa có trên 1.000 gia đình vươn lên thoát nghèo và có cuộc sống ổn định.
Tuy đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng với đặc thù là huyện miền núi nên để “cán đích” NTM vào năm 2023, Định Hóa cần phải thực hiện khối lượng công việc rất lớn. Do vậy, ngoài tinh thần đoàn kết, kiên trì, sự cố gắng của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân địa phương, rất cần có sự quan tâm chung tay góp sức của các cấp, ngành và cộng đồng doanh nghiệp.
Đến nay, tổng nguồn lực huy động xây dựng NTM của huyện Định Hóa ước đạt trên 3.000 tỷ đồng. Trong đó, Ngân sách Nhà nước cấp cho huyện Định Hóa gần 2.770 tỷ đồng, người dân địa phương và các tổ chức, doanh nghiệp đóng góp trên 255 tỷ đồng và hiến khoảng 383ha đất để xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn. |
(Còn nữa)