“Lợi ích kép” nhờ số hóa dịch vụ điện năng

Cập nhật: Thứ bẩy 02/10/2021 - 11:46
 Toàn bộ thông số vận hành của các TBA 110kV do ngành Điện quản lý đều được đấu nối, truyền tải trực tiếp về Trung tâm điều khiển từ xa.
Toàn bộ thông số vận hành của các TBA 110kV do ngành Điện quản lý đều được đấu nối, truyền tải trực tiếp về Trung tâm điều khiển từ xa.

Những năm qua, Công ty Điện lực Thái Nguyên (PC Thái Nguyên) đã không ngừng triển khai các giải pháp về chuyển đổi số trong vận hành, quản lý lưới điện và kinh doanh - dịch vụ. Từ đó đã mang lại nhiều lợi ích cho khách hàng cũng như nâng cao hiệu quả vận hành, cải thiện độ tin cậy trong cung cấp điện.

Xác định chuyển đổi số trong lĩnh vực vận hành, quản lý lưới điện là xu hướng tất yếu, đến nay, PC Thái Nguyên đã triển khai nhiều giải pháp khác nhau, như: Thay đổi in hóa đơn tiền điện bằng giấy sang hóa đơn điện tử; từng bước thay thế lắp đặt công tơ cơ khí sang công tơ điện tử... 

Theo ông Đặng Văn Hoạch, Trưởng phòng Kinh doanh (PC Thái Nguyên): Sau khi PC Thái Nguyên thực hiện đầu tư, lắp đặt thay thế công tơ điện tử để thu thập chỉ số điện từ xa (năm 2015), việc quản lý, vận hành chỉ số điện thuận lợi hơn trước rất nhiều. Lý do là các chỉ số điện sẽ cập nhật trực tiếp về phần mền quản lý. Nhờ đó, chúng tôi có thể thu thập các chỉ số điện của khách hàng bất cứ khi nào mà không cần phải đi ghi công tơ như trước, giúp tiết kiệm được nhân lực, thời gian, chi phí trong quản lý và vận hành điện.

Sau khi triển khai lắp đặt hệ thống công tơ điện tử thu thập chỉ số điện từ xa, năm 2016, PC Thái Nguyên tiếp tục đầu tư xây dựng Trung tâm Điều khiển xa đặt tại trụ sở Công ty. Trung tâm được đưa vào vận hành (năm 2019) đã tạo ra hiệu quả tích cực trong quản lý vận hành lưới điện 110kV trên địa bàn. 

Ông Đỗ Mạnh Tuấn, Trưởng Trung tâm Điều khiển xa cho biết: Trên địa bàn tỉnh hiện có 13 trạm biến áp (TBA) 110kV cung cấp điện sinh hoạt cho người dân và các khu, cụm công nghiệp. Trước đây, khi chưa có Trung tâm, các TBA này hoạt động riêng lẻ và có từ 10-12 nhân viên trực ở mỗi trạm. Nay, mọi thông số vận hành thiết bị các TBA 110kV đều được kết nối 24/24 giờ về hệ thống phần mềm của Trung tâm. Từ đó, không cần phải nắm thông tin qua từng nhân viên trực vận hành như trước mà có thể chủ động theo dõi và phát hiện các sự cố và khắc phục sự nhanh chóng.

Nhân viện  Điện lực T.P Sông Công thực hiện ghi chỉ số điện bằng camera kết hợp với máy tính bảng bổ sung thêm chức năng quét mã QR.

Cùng với ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý, vận hành lưới điện, PC Thái Nguyên cũng tích cực ứng dụng chuyển đổi số trong kinh doanh - dịch vụ để đem đến nhiều tiện ích cho khách hàng. Tiêu biểu như việc thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt, được ngành Điện áp dụng triển khai từ năm 2015 thông qua liên kết với 8 tổ chức trung gian (Viettel, ECPay,Vnpay, VNPT, Zalopay...); liên kết với 9 ngân hàng. Đến nay đã có 278.971 khách hàng sử dụng các dịch vụ thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt (chiếm tỷ lệ 72,8%). 

Ngoài thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt, cuối năm 2019, ngành Điện còn cung cấp 100% dịch vụ điện cho khách hàng thông qua Cổng dịch vụ công Quốc gia. Sau một thời gian triển khai, các dịch vụ đã nhận những phản hồi tích cực từ phía khách hàng như việc giao dịch được diễn ra thuận lợi, nhanh chóng và đặc biệt là góp phần phòng, chống dịch COVID-19 hiện nay. 

Nói về việc sử dụng ký hợp đồng cấp điện mới, ông Trần Đình Hùng, ở phường Ba Hàng (T.X Phổ Yên) cho biết: Đây là lần thứ 2 gia đình tôi ký hợp đồng mua bán điện sinh hoạt. Chúng tôi thấy so với hợp đồng giấy trước đây, việc ký hợp đồng qua hình thức trực tuyến như hiện nay rất tiện lợi cho khách hàng. 

Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định trong triển khai số hóa các dịch vụ điện năng, nhưng khó khăn gặp phải của ngành Điện hiện nay là nhiều người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa tiếp cận được với các dịch vụ này. Nguyên nhân là do điều kiện và khả năng tiếp cận công nghệ thông tin (điện thoại thông minh, các phần mềm hỗ trợ sử dụng dịch vụ) của người dân còn hạn chế. 

Chính vì thế, trong thời gian tới, ngành Điện sẽ tiếp tục duy trì các phương thức thanh toán, ký hợp đồng truyền thống, kết hợp tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân thanh toán, ký hợp đồng mua bán điện qua phương thức điện tử; đẩy nhanh tiến độ đồng bộ hóa toàn bộ dữ liệu khách hàng có từ trước năm 2019 để cập nhật, số hóa toàn bộ hợp đồng mua bán điện vào cuối năm 2021, đạt tỷ lệ 100%.

Hoàng Cường
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: