Trên lũng có chi bộ trẻ
Đồng chí Bí thư và Trưởng xóm Lũng Hoài (phía bên trái) trong một lần đi dân vận. |
Các xóm đồng bào dân tộc mông: Lũng Hoài, Lũng Luông, Lũng Cà thuộc xã Thượng Nung (Võ Nhai) lâu nay “nổi tiếng” về địa hình và giao thông rất khó khăn. Những năm gần đây, các xóm này có nhiều khởi sắc nhờ sự quan tâm đầu tư của Nhà nước và những nỗ lực vươn lên của đồng bào. Các chi bộ ở đây dù mới được thành lập nhưng bước đầu đã phát huy được vai trò lãnh đạo.
Đường từ trung tâm xã Thượng Nung lên các lũng không xa (khoảng từ 5 đến 10km) nhưng phải vượt qua những dãy núi đá hiểm trở. 3 xóm Lũng Hoài, Lũng Luông, Lũng Cà đều là những thung lũng được bao quanh bởi núi đá và rừng rậm. Lúc mới di cư từ tỉnh Cao Bằng về đây (đầu những năm 90 của thế kỷ trước), đồng bào gặp rất nhiều khó khăn bởi đất canh tác ít lại cằn cỗi, khí hậu khắc nghiệt, thiếu nước sản xuất và sinh hoạt, không có điện, đặc biệt là giao thông trắc trở (chỉ có thể đi bộ hoặc đi ngựa). Người dân đa phần phải ăn mèn mén thay cơm, không ít hộ còn đói, nhiều trẻ em không được học hành đầy đủ.
Tập trung chống đói nghèo trong điều kiện “thiếu đủ thứ”, trình độ và nhận thức của đa số người dân còn thấp (không đủ điều kiện để kết nạp Đảng) nên việc phát triển Đảng tại cả 3 xóm gặp nhiều khó khăn. Đến cuối năm 2016, Lũng Hoài, Lũng Luông, Lũng Cà đều chưa có chi bộ riêng lãnh đạo, mỗi xóm có một vài đảng viên phải sinh hoạt ghép với chi bộ khác. Vì vậy, việc tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước đến bà con có phần hạn chế. Cũng do không có chi bộ riêng nên các nghị quyết của chi bộ ghép thường thiếu sát thực với tình hình từng xóm.
Thực trạng đó khiến cấp ủy, chính quyền xã Thượng Nung nhiều năm trăn trở. Vì vậy, công tác phát triển Đảng tại những nơi này ngày càng được quan tâm chỉ đạo, triển khai với nhiều giải pháp, chủ yếu là tuyên truyền, vận động. Những quần chúng ưu tú, nhất là cán bộ đoàn thể có đủ trình độ học vấn, có năng lực và tích cực hoạt động phong trào được các chi bộ, đảng viên vận động đi học cảm tình Đảng. Dần dần, xóm Lũng Luông có 5 đảng viên và được chia tách khỏi Chi bộ xóm An Thành, thành lập Chi bộ cuối năm 2016. Đến tháng 52018, 2 chi bộ Lũng Hoài (4 đảng viên) và Lũng Cà (3 đảng viên) cũng được thành lập.
Một góc xóm người Mông Lũng Luông.
Có chi bộ, tổ chức đoàn thể ở các xóm được củng cố, lãnh đạo toàn diện, chủ trương, chính sách được phổ biến, tuyên truyền kịp thời và đầy đủ đến người dân, góp phần làm thay đổi tích cực nhận thức và ý thức của đồng bào. Ví dụ như xóm Lũng Cà, nơi có 47 hộ dân, phần lớn thuộc diện nghèo và cận nghèo nhưng cuối năm 2018, đã làm được 300 mét đường bê tông nông thôn mới. Cận Tết Nguyên đán này, người dân tự hào đón thêm niềm vui lớn là Nhà văn hóa xóm (rộng gần 100m2, kinh phí xây dựng trên 300 triệu đồng) được khánh thành đưa vào sử dụng.
Trưởng xóm Lũng Cà, đồng chí Ma Hành Du chia sẻ: Người dân thiếu đất sản xuất và đều khó khăn về kinh tế nên việc vận động hiến đất, đối ứng mỗi hộ vài triệu đồng để làm đường, làm nhà văn hóa không dễ. Nếu không có sự lãnh đạo cụ thể của Chi bộ và sự gương mẫu, tích cực vận động của các đảng viên thì khó làm lắm… Bà con không còn ỷ lại vào Nhà nước nữa. Bây giờ kiến thức làm ăn cũng khá lên nhiều, mọi người đều nhìn vào cán bộ, đảng viên để học tập. 3 đảng viên trong xóm đều thoát nghèo rồi.
Cũng như Lũng Cà, Lũng Hoài, Lũng Luông đều có những khởi sắc đáng kể ở nhiều mặt: Nhà văn hóa xóm, trường học được xây dựng khang trang theo chủ trương Nhà nước và nhân dân cùng làm; đường nhựa, đường bê tông đã vượt núi dẫn vào trung tâm các xóm; điện lưới Quốc gia vừa được kéo đến gần 100% hộ dân; bà con tích cực chuyển đổi cơ cấu sản xuất, trồng cỏ để chăn nuôi gia súc… Theo Chủ tịch UBND xã Thượng Nung Lương Thị Mỹ Chải, những thay đổi tích cực đó đều có dấu ấn lãnh đạo, vận động của các chi bộ trẻ trên lũng.
Bí thư Chi bộ xóm Lũng Hoài, đồng chí Hà Văn Linh là một cán bộ xã nghỉ hưu và là người có uy tín với đồng bào dân tộc Mông trong xóm, nói: Chi bộ họp bàn, ra nghị quyết về những vấn đề thiết thực với người dân, như vận động bà con cấy hết diện tích, đúng thời vụ, cơ cấu giống phù hợp, tích cực trồng cỏ chăn bò, hiến đất để mở đường, không phá rừng trái phép, không nghe theo kẻ xấu, vận động thanh niên đi tìm việc làm tại các doanh nghiệp… Gần đây, chúng tôi tập trung vận động bà con không sử dụng thuốc trừ cỏ tràn lan vì có thể gây ra nhiều hậu quả. Tôi nghiệm thấy việc tuyên truyền cho đồng bào cần nói dễ hiểu, dễ nghe và quan trọng là người cán bộ, đảng viên phải có uy tín, luôn nói thật, làm thật. Có thể thấy, dù “trẻ” nhưng các chi bộ ở Lũng Hoài, Lũng Luông, Lũng Cà đã bước đầu phát huy được vai trò lãnh đạo, tuyên truyền kịp thời các chủ trương, nghị quyết, chính sách, pháp luật đến với đồng bào, góp phần từng bước thay đổi cách nghĩ, cách làm của đồng bào nơi vùng cao còn nhiều khó khăn.