Vở cải lương lý giải huyền tích về vua Lý Công Uẩn
Nhà hát Cải lương Việt Nam vừa ra mắt vở diễn “Huyền thoại gò Rồng Ấp” - một câu chuyện về sự ra đời của vị vua khai sinh ra triều Lý, khai sáng kinh thành Thăng Long. Cũng chính kịch bản này của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thế Kỷ từng được Nghệ sĩ nhân dân Triệu Trung Kiên dàn dựng cho Sân khấu Lệ Ngọc với loại hình kịch nói, nên gợi sự tò mò của khán giả về sự khác biệt của phiên bản cải lương.
Như vở kịch trước đây, vở cải lương đi vào lát cắt về sự ra đời của vua Lý Công Uẩn với nhiều nét kỳ bí đúng như huyền tích dân gian mà tác giả phóng tác. Câu chuyện xuất phát từ gò Rồng Ấp - nơi được tiên đoán phát mệnh đế vương, có mộ cha mẹ người con gái tên Phạm Thị Ngà, vốn là người giúp việc ở chùa Tiêu, được an táng tại đó. Vì thế cuộc đời của cô gái Phạm Thị Ngà gặp chuyện kỳ bí là thụ thai trong lễ hội phồn thực của địa phương, sau này sinh ra vua Lý Công Uẩn...
Câu chuyện kịch có nhiều nút thắt mở với các nhân vật như Thiền sư Vạn Hạnh, người hiểu rõ chân mệnh bào thai trong bụng Thị Ngà, nên luôn bảo vệ, che chở hai mẹ con; gia đình phú hộ Hồng Kỳ ở hương Diên Uẩn nghe được lời tiên đoán muốn hoán đổi mệnh trời đã bốc mộ cha mình táng ở gò Rồng Ấp và tìm mọi cách để hãm hại Thị Ngà… Nhưng nhờ sự bảo vệ của trời đất và những người xung quanh cùng sự can đảm, sẵn sàng hy sinh thân mình mà Thị Ngà đã sinh thành vua Lý Công Uẩn, mở ra một tương lai mới cho đất nước.
Về việc chọn dựng kịch bản này lần thứ hai, Nghệ sĩ nhân dân Triệu Trung Kiên cho biết, vai trò của vua Lý Công Uẩn đối với lịch sử đất nước nói chung và Thăng Long nói riêng vô cùng to lớn và với tư cách là đạo diễn, ông muốn lý giải thấu đáo những kết tinh làm nên vị vua vĩ đại ấy. Bản diễn kịch nói trước đây được thực hiện với sân khấu đơn giản, giàu tính hiện thực. Còn bản diễn cải lương hướng đến sân khấu đương đại với nhiều mảng miếng, thể nghiệm, kết hợp giữa nghệ thuật phương Đông và phương Tây, có tính giải trí cao. Khán giả được trải nghiệm một sân khấu biến hóa linh hoạt các yếu tố kịch, hình thể, ca cải lương. Vở diễn cũng khéo léo giới thiệu nhiều nét văn hóa, phong tục, tập quán đặc sắc của người Việt xưa.
Sân khấu do Nghệ sĩ ưu tú Doãn Bằng thiết kế góp phần không nhỏ cho thành công vở diễn. Mô hình gò Rồng Ấp choán diện tích lớn trên sân khấu song lại có thể xoay chuyển, tách nhập linh hoạt tạo những không gian sân khấu khác nhau và hỗ trợ diễn xuất của diễn viên. Các nghệ sĩ của Đoàn Thể nghiệm, Nhà hát Cải lương Việt Nam đã cho thấy sự biến hóa trong diễn xuất khi vừa thoại, vừa diễn hình thể và đặc biệt là phần ca cải lương ngọt ngào, nhận được hưởng ứng của khán giả.
Tác giả Nguyễn Thế Kỷ cũng bày tỏ hài lòng với cả hai bản diễn kịch nói và cải lương do Nghệ sĩ nhân dân Triệu Trung Kiên dàn dựng. Nghệ sĩ ưu tú Lê Chức, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam nhận định, qua vở diễn, người xem hiểu được về sự xuất hiện của Vương triều Lý, từ đó lý giải được huyền thoại. Huyền thoại chính là mơ ước, ước vọng của nhân dân về một đấng quân vương. Tác phẩm không chỉ giúp người xem thêm hiểu lịch sử mà còn góp phần khơi dậy lòng tự hào dân tộc.
Vở cải lương “Huyền thoại gò Rồng Ấp” truyền tải thông điệp: Cõi đất, khoảng trời nước Nam là nơi địa linh, nhân kiệt, nơi hội tụ tinh anh để hun đúc và sản sinh ra những con người làm rạng danh cho đất nước.