Chuyển đổi số trong xây dựng các mô hình học tập
Trường Mầm non Quang Trung (TP. Thái Nguyên) đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin để giúp trẻ làm quen với tiếng Việt. Ảnh: T.H |
Nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm và sự cần thiết phải chuyển đổi số theo tinh thần Nghị quyết số 01-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên, đặc biệt là xây dựng mô hình học tập theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong giai đoạn 2020-2030, Hội Khuyến học tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực.
Là một tổ chức xã hội với số hội viên gần 400.000 người, Hội Khuyến học tỉnh Thái Nguyên đã triển khai tích cực công tác chuyển đổi số với những phần việc cụ thể ở tất cả các cấp Hội. Trong đó, Hội xác định, chuyển đổi số khó khăn nhất là thay đổi thói quen, chính vì vậy, việc đầu tiên là phải làm tốt công tác tuyên truyền cho các đối tượng từ cán bộ đến hội viên và toàn thể cộng đồng học tập trên địa bàn.
Với quan điểm đó, trong hai năm 2021-2022, Hội Khuyến học tỉnh tổ chức 11 buổi tập huấn từ tỉnh Hội đến các đơn vị cấp cơ sở, cho hàng ngàn hội viên về công tác chuyển đổi số. Trong nội dung tập huấn, Hội lựa chọn những vấn đề căn cốt, giản dị, dễ hiểu nhất để thay đổi nhận thức và hành động của mỗi hội viên về chuyển đổi số. Bắt đầu từ việc cụ thể, những tiếp xúc hàng ngày của mỗi người với thay đổi và sự tiện dụng của các ứng dụng trên các nền tảng công nghệ số và thiết bị thông minh.
Để tham gia quá trình chuyển đổi số, Hội tập trung vào phương pháp tập huấn "cầm tay chỉ việc", như: Hướng dẫn cài đặt các phần mềm ứng dụng trên điện thoại thông minh; phân biệt phần mềm hệ thống, phần mềm ứng dụng, phần mềm miễn phí, phần mềm trả phí... Theo đó, hướng dẫn cán bộ, hội viên cài đặt và sử dụng các ứng dụng cụ thể như: Các ứng dụng liên quan đến dịch vụ hành chính công; thanh toán không dùng tiền mặt; tham gia mua - bán trên sàn điện tử; sử dụng nền tảng C-ThaiNguyen, Thái Nguyên - ID, Sổ tay đảng viên điện tử; phần mềm an toàn thông tin mạng...
Ngoài sử dụng các ứng dụng thực hiện nhiệm vụ quản lý, điều hành công tác, Hội Khuyến học tỉnh còn hướng dẫn, tuyên truyền đến hội viên tìm hiểu các ứng dụng phục vụ học trực tuyến để hiểu biết thêm và hỗ trợ con, cháu học tập. Đồng thời, động viên cán bộ, hội viên ủng hộ và tích cực sử dụng giao dịch thương mại trên nền tảng điện tử (thanh toán thông qua tài khoản, ví điện tử, mua bán online …) đảm bảo an toàn, tiện lợi.
Đối với công tác quản lý ở các cấp, Hội xây dựng trang thông tin điện tử khuyenhocthainguyen.edu.vn. Trang thông tin được thiết kế với giao diện thân thiện, hiện đại, có các công cụ để giới thiệu, trao đổi, tuyên truyền, lưu trữ các tư liệu cũng như hoạt động từ cơ sở đến tỉnh Hội. Trang thông tin còn liên kết với trang thông tin của Trung ương và địa phương như: Hội Khuyến học Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Cổng dịch công Quốc gia, Cơ sở dữ liệu Quốc gia, Công báo Thái Nguyên, Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Nguyên, VNPT Thái Nguyên…. Trang thông tin của Hội Khuyến học tỉnh được giới thiệu đến tất cả các cấp hội, để toàn thể hội viên biết và quan tâm chia sẻ. Các hoạt động của Hội từ tỉnh đến cơ sở đều được cập nhật thường xuyên, tạo sự quan tâm chú ý của hội viên và nâng cao nhận thức cũng như hiệu quả công tác tuyên truyền của hội khuyến học các cấp trong tỉnh.
Để khai thác các nền tảng chuyển đổi số trong điều hành công tác, Hội Khuyến học tỉnh cũng lập nhóm Zalo Thường trực Hội; nhóm Ban Chấp hành; nhóm Chủ tịch Hội các huyện, thành phố; nhóm các địa phương thí điểm xây dựng mô hình “Công dân học tập”. Thông qua các nhóm này, mọi thông tin điều hành về công tác khuyến học được phản ánh hai chiều. Thường trực tỉnh Hội đã thống nhất với cán bộ, hội viên quy định về sử dụng thông tin trên các nhóm Zalo để phục vụ công tác chuyên môn đảm bảo nhanh nhạy, tiết kiệm về thời gian cũng như kinh phí gửi nhận văn bản qua Bưu điện.
Ngoài ra, tỉnh Hội đã chủ động đăng ký và sử dụng phần mềm liên thông văn bản thông qua hệ thống mail thainguyen.gov.vn và chữ ký số khi giao dịch với các cơ quan trong tỉnh thông qua xử lý trên môi trường mạng.
Với những giải pháp tích cực, Hội Khuyến học tỉnh đã và đang thực hiện hiệu quả công tác chuyển đối số trong hoạt động. Kết quả thu được bước đầu là hiện nay đã có 1/3 số hội viên đã cài đặt ứng dụng C-ThaiNguyen và đang tiếp tục cài đặt Thái Nguyên - ID.
Tuy nhiên, Hội Khuyến học tỉnh nhận thấy vẫn còn có nhiều khó khăn phải vượt qua, nhất là tâm lý ngại thay đổi phương pháp làm việc, do nhiều hội viên tuổi tác cao, trình độ tin học chưa theo kịp; cơ sở vật chất của các cấp hội còn có thiếu thốn. Trong thời gian tới, Hội Khuyến học các cấp trong tỉnh sẽ nỗ lực hơn nữa để triển khai công tác chuyển đổi số, đưa chuyển đổi số thực sự vào cuộc sống từ những công việc cụ thể nhỏ nhất của tổ chức Hội và mỗi hội viên.