Đăng ký xét tuyển đại học thế nào để tăng tỷ lệ đỗ?
TS Lê Đình Nam khuyên thí sinh nên chọn ngành rồi mới chọn trường. |
Các chuyên gia cho rằng, thí sinh cần cân nhắc chọn ngành rồi mới chọn trường. Với mỗi ngành cần chú ý đến phương thức tuyển sinh, lựa chọn những phương thức phù hợp để tối đa hóa cơ hội trúng tuyển.
Thời gian đăng ký xét tuyển đại học đang đến gần, thời điểm này, bài toán chọn ngành, chọn trường cũng như các phương thức tuyển sinh khiến không ít thí sinh và phụ huynh lúng túng.
Từ thực tế tư vấn tuyển sinh, TS Lê Đình Nam, Phó trưởng phòng Tuyển sinh ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, hiện nay có rất nhiều ngành nghề và các trường đào tạo khác nhau, nhưng không phải thí sinh nào cũng có hiểu biết đầy đủ về ngành nghề đó trước khi đăng ký xét tuyển. Nhìn chung, phần lớn các thí sinh chưa có đủ thông tin về các ngành nghề trước khi đăng ký xét tuyển. Nhiều em khi tìm đến các thầy cô để tư vấn chưa hề có bất cứ một thông tin hay định hướng ngành nghề nào. Câu hỏi đặt ra thường chỉ dừng lại ở mức chung chung. Một số em đã có sự tìm hiểu trước, nhưng còn nhiều vướng mắc cần giải đáp, các em sẽ đặt ra những câu hỏi tư vấn cụ thể hơn để biết được chương trình học và cơ hội sau khi ra trường ra sao.
TS Lê Đình Nam cũng khuyên thí sinh nên chọn ngành rồi mới chọn trường. Trong các khối ngành, nên chia nhỏ thành các khối ngành chính, trong các khối ngành chính chọn ra ngành mà mình yêu thích, có năng thiếu…
Sau khi chọn ngành, thí sinh cần tìm hiểu về các cơ sở đào tạo ngành này để chọn ra các trường phù hợp về năng lực bản thân, điều kiện tài chính, chất lượng đào tạo…
Bên cạnh đó, một số thí sinh chưa xác định được ngành nghề muốn theo đuổi, TS Lê Đình Nam đưa ra lời khuyên các em nên tìm các trường muốn học trước.
“Nhiều em còn lưỡng lự chưa phát hiện ra năng lực của bản thân để đưa ra quyết định về các ngành nghề. Lúc này các em có thể đến các trường đại học để được tư vấn xem ngành, nghề nào phù hợp với bản thân. Hiện nay hầu hết các trường đều đào tạo đa ngành. Đơn cử như ĐH Bách khoa Hà Nội cũng có tất cả các ngành nghề kỹ thuật, kinh tế, giáo dục”, thầy Nam đưa lời khuyên.
Bên cạnh đó, thầy Lê Đình Nam cũng lưu ý thí sinh, theo quy định của Bộ GD-ĐT, điểm chuẩn các ngành không đổi theo thứ tự nguyện vọng, cơ hội của các thí sinh 1 ngành ở nguyện vọng 1 và một thí sinh đăng ký ở nguyện vọng thứ 10 là như nhau. Do đó, khi đăng ký nguyện vọng thí sinh cần cân nhắc sắp xếp những nguyện vọng thích hơn ở phía trên, những nguyện vọng ít thích hơn ở phía dưới.
“Khi các em thi xong, đạt kết quả tốt, cần tiếp tục theo dõi dự báo điểm chuẩn của các trường. Nếu ngành đó trường dự báo 26 điểm, các em được 25 điểm có thể vẫn có cơ hội, nhưng nếu chỉ được 21, 22 điểm, thì các em nên thay đổi nguyện vọng để tăng khả năng đỗ”, thầy Nam lưu ý.
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, các trường ĐH hiện nay được quyền tự chủ trong tuyển sinh, đa dạng các hình thức xét tuyển, thí cần cần tối ưu hóa các phương thức, tránh tình trạng 1 ngành xét tuyển bằng nhiều phương thức, nhưng thí sinh lại chỉ tham gia theo 1 phương thức sẽ làm giảm cơ hội trúng tuyển.
TS Nguyễn Diệu Cúc, Trưởng Bộ môn Quản trị văn phòng, Học viện Quản lý giáo dục cho biết, hiện nay hầu hết các trường đại học đều đã công bố đề án tuyển sinh. Nhìn chung, các trường đều đa dạng hình thức xét tuyển để có được sinh viên chất lượng nhất, như xét tuyển thẳng, xét tuyển dựa vào học bạ, xét tuyển hỗn hợp và xét tuyển dựa vào kết quả thi THPT năm 2021.
"Với nhiều phương thức xét tuyển như vậy, đó đã là cơ hội để thí sinh có thể bước chân vào trường đại học với ngành nghề mình yêu thích. Tuy nhiên, các em thí sinh cũng cần lưu ý là theo quy chế, các trường phải công bố chỉ tiêu cho từng phương thức xét tuyển, nên các em cũng cần chú ý cân nhắc khi sử dụng phương thức đăng ký xét tuyển. Cần tính toán và dự đoán được với năng lực điểm số của mình hiện tại thì phương thức nào là phù hợp và khả thi nhất đối với mình. Muốn vậy, các em phải chú ý tới thông tin tuyển sinh được công bố rộng rãi của các trường đại học.
Điều đặc biệt cần lưu ý là khác với năm 2021, năm nay Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến cho phép thí sinh được 3 lần điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển sau khi có kết quả thi THPT. Các em có thể và nên sử dụng nhiều hình thức đăng ký xét tuyển để đảm bảo hơn về cơ hội trúng tuyển vào ngành học, trường đại học mình yêu thích và phù hợp với nguyện vọng", cô Nguyễn Diệu Cúc đưa ra lời khuyên.
Để đưa ra những lựa chọn đúng đắn khi chọn ngành, chọn nghề, TS Nguyễn Diệu Cúc cho rằng, các thí sinh cần chủ động tiếp cận thông tin về xu hướng ngành nghề qua các phương tiện thông tin đại chúng. Các em cũng có thể trao đổi với các thầy cô trực tiếp giảng dạy mình về thế giới nghề nghiệp. Tham gia vào các diễn đàn về hướng nghiệp, xác định được rõ động cơ học tập, nguyện vọng nhu cầu nghề nghiệp của mình.
Thí sinh cũng cần định vị được năng lực, sở trường của bản thân trong sự phù hợp nghề trong tương lai, tức xác định được năng lực và đam mê lĩnh vực công việc.
Bên cạnh đó, các nhà quản lý xã hội, các nhà giáo dục, các trường đại học cần có chính sách quản lý, phát triển nghề nghiệp rõ ràng, định hướng sớm phân luồng học sinh, cung cấp đầy đủ các thông tin về nghề nghiệp và tuyển sinh rộng rãi. Có như vậy, học sinh mới có nguồn dữ liệu và kênh thông tin để nắm bắt, tham khảo./.