Đào tạo cử tuyển chưa gắn với sử dụng
Trong quá trình học tập, Triệu Sinh Hiếu và Hoàng Thị Loan luôn cố gắng đảm bảo niên độ. |
Việc cử học sinh là người dân tộc thiểu số (DTTS) đi học theo chế độ cử tuyển (CĐCT) là chính sách thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với việc đào tạo cán bộ nguồn cho vùng đồng bào DTTS. Tuy nhiên, hiện có tình trạng nhiều sinh viên là người DTTS đi học theo CĐCT, tốt nghiệp ra trường gặp khó khăn trong tìm kiếm việc làm.
Không thể phủ nhận những mặt tích cực về chính sách cử học sinh người DTTS đi học theo CĐCT, góp phần bổ sung một lượng lớn cán bộ chủ chốt tại các xã, huyện miền núi của tỉnh. Tuy nhiên, việc bố trí việc làm cho sinh viên cử tuyển sau khi tốt nghiệp ở các địa phương gặp rất nhiều khó khăn.
Đơn cử như huyện Võ Nhai, trong số 36 sinh viên cử tuyển tốt nghiệp ra trường từ năm 2010 đến năm 2021, có 16 người đã tự liên hệ việc làm trong và ngoài tỉnh, còn lại 20 người đã tốt nghiệp ra trường nhưng chưa tìm được việc làm.
Theo đồng chí Hà Văn Tự, Trưởng Phòng Nội vụ huyện Võ Nhai: Hiện nay, việc thi tuyển, xét tuyển công chức, viên chức vào các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn, các trường học chưa có quy định ưu tiên cho sinh viên học theo CĐCT, việc thi tuyển, xét tuyển vẫn phải thực hiện theo quy định hiện hành. Do đó dẫn đến tình trạng học sinh được cử đi học theo CĐCT không bố trí được việc làm tại huyện nên phải xin đi làm tại các địa phương khác. Từ những khó khăn trên, 2 năm nay, UBND huyện Võ Nhai không đề xuất nhu cầu đào tạo theo CĐCT.
Huyện Đồng Hỷ 3 năm qua cũng không đề xuất học sinh đi học cử tuyển. Theo đồng chí Nguyễn Hoàng Giang, Phó Trưởng Phòng Nội vụ huyện: Thực hiện chính sách tinh giản biên chế mỗi năm 10% và đề án vị trí việc làm, không riêng huyện Đồng Hỷ mà các địa phương khác, việc tuyển dụng rất ít. Để đáp ứng yêu cầu công tác ngày càng cao, quá trình tuyển dụng đòi hỏi phải đảm bảo công bằng, có sự cạnh tranh để người giỏi, xuất sắc được tuyển vào các cơ quan công quyền phục vụ nhân dân. Trong khi đó, nền tảng kiến thức cơ sở, quá trình thu nạp kiến thức trong trường đại học, cao đẳng của sinh viên học CĐCT còn nhiều bất cập. Cùng với đó khi các em được cử đi học sau 4-5 năm ra trường về địa phương thì điều kiện, cơ hội việc làm đã thay đổi nhiều so với lúc cử đi.
Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) từ năm 2016 đến năm 2021, tỉnh không cử học sinh đi học theo CĐCT vì các huyện không có vị trí việc làm để đăng ký chỉ tiêu cử tuyển.
Số sinh viên được đi học cử tuyển đang theo học tại các cơ sở giáo dục trình độ đại học trong giai đoạn trước là 81 người.
Tổng số sinh viên đã tốt nghiệp được các huyện, thành phố tiếp nhận từ năm 2016-2020 là 61 người, trong đó sắp xếp vị trí việc làm cho 12 người, số còn lại tự liên hệ việc làm.
Được biết, tổng số kinh phí đã chi trả cho công tác cử tuyển từ năm 2016 đến 2020 của tỉnh là trên 13,3 tỷ đồng. Việc đào tạo không đi liền với sử dụng như trên đã gây lãng phí lớn cho ngân sách do chế độ chi trả cho sinh viên cử tuyển thông qua hỗ trợ học bổng và trợ cấp hàng tháng và lãng phí nguồn lực.
Ngoài yếu tố khách quan do việc xây dựng, đề xuất chỉ tiêu cử tuyển ban đầu từ các địa phương không sát thực tế thì yếu tố chủ quan là có những sinh viên không đảm bảo đúng niên độ học tập và tốt nghiệp (bậc đại học 4-5 năm nhưng có những sinh viên học 6-7 năm mới tốt nghiệp). Bên cạnh đó có những vị trí công việc dự kiến dành cho sinh viên cử tuyển đã được bố trí cho người khác trong thời gian người cử tuyển tham gia học tập.
Hiện nay còn 20 sinh viên đang theo học tại các cơ sở giáo dục trình độ đại học, trong đó có 19 em đang học tại Trường Đại học Y-Dược Thái Nguyên và 1 đang học tại Đại học Thủy lợi.
Triệu Sinh Hiếu, ở thị trấn Đình Cả (Võ Nhai) và Hoàng Thị Loan, xã Phú Đô (Phú Lương), đang là sinh viên năm cuối Trường Đại học Y-Dược Thái Nguyên. Cả 2 sinh viên cử tuyển này đều học chuyên ngành Bác sĩ đa khoa. Các em chuẩn bị đi thực tế, tháng 9 này sẽ thi tốt nghiệp. Khi được hỏi có mong muốn về địa phương công tác không, cả Hiếu và Loan đều băn khoăn.
Triệu Sinh Hiếu tâm sự: Được tỉnh cử đi học, em mong muốn về địa phương để cống hiến. Nhưng nhiều bạn học trước em ra trường không được bố trí việc làm. Sau một thời gian ở địa phương không bố trí được công việc, các bạn ấy phải tự đi xin việc làm bên ngoài, như vậy mục tiêu của chế độ cử tuyển đã không đạt được. Khi tốt nghiệp nếu địa phương không bố trí được việc làm, em sẽ học tiếp chuyên khoa để vững vàng hơn về chuyên môn, có cơ hội xin vào các bệnh viện lớn.
Nhiều ý kiến cho rằng, trước những thay đổi của xu thế chung, cần phải có những điều chỉnh hợp lý về chính sách cử học sinh đồng bào các DTTS đi học theo CĐCT. Bởi, như hiện nay, sinh viên sau khi tốt nghiệp phần lớn phải tự tìm việc làm hoặc ở nhà thì mục tiêu thực hiện chính sách này không đạt yêu cầu.