Điểm 10 của ai?
Nhìn vào kết quả kiểm tra đánh giá năng lực học sinh tuyển vào Trường THCS Chu Văn An (T.P Thái Nguyên) nhiều người không khỏi ngỡ ngàng: Trong số hơn 1.000 thí sinh tham dự, có gần 30% chỉ đạt điểm số từ 4 điểm trở xuống. Trong khi đó, mức điểm cuối học kỳ 2 lớp 5 đánh giá các em đều loại Giỏi và bảng điểm toàn 9 và 10. Vậy có thực sự năng lực các em đạt Giỏi như hồ sơ của cấp tiểu học đánh giá, hay học khác mà kiểm tra (thi) khác?
Vấn đề này không mới, bởi năm nào cuộc “đua” học sinh hết bậc tiểu học vào Trường THCS Chu Văn An cũng có kết quả tương tự. Đây chính là sự sàng lọc kỹ lưỡng và khách quan có độ tin cậy cao, vì tỷ lệ 4 chọn 1, nên học sinh yếu kém là không thể lọt qua được khâu tuyển chọn đánh giá năng lực của Hội đồng tuyển sinh. Và trong các kỳ tuyển sinh vào Trường THCS Chu Văn An nhiều năm qua không có bất kỳ khiếu kiện, phúc khảo nào của các thí sinh trượt thuộc nhóm điểm dưới trung bình. Điều đó có thể nhận thấy năng lực của các thí sinh được đánh giá đúng thực chất, khách quan.
Tất nhiên yêu cầu của cuộc “sát hạch” kiểm tra đánh giá năng lực tuyển sinh vào trường THCS Chu Văn An là khác với các trường khác, vì đây là trường điểm của T.P Thái Nguyên. Để đủ điều kiện dự tuyển, thí sinh phải đạt kết quả loại Giỏi ở bậc tiểu học (điểm đánh giá cuối cấp là 9-10), như vậy về hồ sơ đăng ký dự tuyển không thể có học sinh khá hay yếu, kém được. Nhưng với kết quả kiểm tra đánh giá năng lực có quá nhiều điểm dưới trung bình thì dư luận không thể không hoài nghi về chất lượng ảo của học sinh tiểu học.
Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về đánh giá học sinh tiểu học là "bỏ chấm điểm, tăng nhận xét", với mục đích giảm áp lực cho trẻ, hạn chế bệnh "sính điểm số" của cha mẹ học sinh... Nhưng quy định này không nhất quán khi đưa ra việc kiểm tra, cho điểm vào cuối kỳ, cuối năm và căn cứ vào đó để tặng giấy khen cho học sinh. Điều này có nghĩa là đánh giá quá trình dường như bị buông lỏng. Cũng theo các quy định về đánh giá học sinh tiểu học của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thì giáo viên phải có trách nhiệm trong việc tăng nhận xét, ghi chép, theo dõi quá trình tiến bộ của học sinh, bàn giao giữa giáo viên lớp cũ và mới về tình hình thay đổi của học sinh trong quá trình học tập, trao đổi với cha mẹ học sinh cách hỗ trợ, động viên con... Nhưng việc "đánh giá quá trình" đó không được sử dụng để xem xét xếp loại học sinh cuối năm. Một học sinh được xếp loại là giỏi hay yếu chỉ lệ thuộc vào điểm số cuối kỳ, cuối năm. Điều này vừa không phản ánh đầy đủ quá trình, vừa dễ “lạm phát” điểm 10 của thầy cô giáo.
Vào thời điểm Bộ Giáo dục và Đào tạo áp dụng đổi mới đánh giá học sinh tiểu học, không cho điểm quá trình mà chỉ sử dụng nhận xét, theo sát sự tiến bộ của học sinh, rất nhiều ý kiến tranh luận. Trong đó nhiều ý kiến cho rằng phải có điểm mới biết con mình giỏi đến đâu, kiểm tra là để đánh giá và tìm biện pháp bổ sung những tồn tại hạn chế của người học.
Vấn đề điểm số của học sinh nói chung và học sinh tiểu học nói riêng vẫn và sẽ chủ đề nóng đối với toàn xã hội. Chúng tôi cho rằng việc chấm điểm đánh giá năng lực học sinh tuyển sinh vào trường điểm như Trường THCS Chu Văn An là phải đúng thực chất, điểm dưới trung bình chưa hẳn phản ánh tất cả về năng lực của học sinh bậc tiểu học. Nhưng kết quả đó cũng là một kênh để thấy được thực lực của học sinh, từ đó ngành Giáo dục cần có những giải pháp tốt hơn trong việc tổ chức dạy và học, giám sát, kiểm tra và đánh giá học sinh, giáo viên toàn diện hơn, củng cố niềm tin cho xã hội. Tuy điểm số không phải là tất cả nhưng việc “lạm phát” điểm 10 cũng gây ra những lo ngại nhất định cho những người quan tâm đến giáo dục.