Học trực tiếp trở lại: Vừa dạy học vừa củng cố kiến thức
Tận dụng “thời gian vàng” học trực tiếp, Trường THPT Lương Ngọc Quyến chỉ đạo các tổ chuyên môn ôn tập, củng cố kiến thức hệ thống cho học sinh, sau đó mới dạy kiến thức mới. |
Theo đánh giá, việc học trực tuyến khó có thể thể đảm bảo chất lượng bằng phương pháp dạy và học trực tiếp. Bởi vậy, ngay sau khi đón học sinh trở lại trường học trực tiếp, các nhà trường trên địa bàn tỉnh đã lên kế hoạch rà soát và bổ sung kiến thức cho học sinh (HS), nhất là HS cuối cấp.
Sau Tết Nguyên đán, Trường THPT Lương Ngọc Quyến cho HS đi học trực tiếp. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh bùng phát, Nhà trường buộc phải chuyển sang dạy và học trực tuyến. Mới đây, ngày 19-3, Trường đã cho HS học trực tiếp trở lại. Trước đó 2 ngày, Nhà trường yêu cầu HS làm bài kiểm tra đánh giá giữa kỳ II.
Theo thầy giáo Nguyễn Thanh Hà, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Ngọc Quyến: Dù kết quả học kỳ I và giữa học kỳ II của HS toàn trường rất khả quan nhưng không phải vì thế mà chúng tôi có thể hoàn toàn yên tâm. Bởi lẽ học trực tuyến không thể bằng trực tiếp. Vì thế, Nhà trường đã xây dựng kế hoạch bổ trợ kiến thức cho HS, cứ 3 tiết dạy trực tuyến sẽ bổ trợ bằng 1 tiết học trực tiếp. Các tiết học bổ trợ ôn tập nằm trong khung thời gian mà Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định giảm tải.
Nói về việc trở lại trường học trực tiếp, em Hoàng Thu Thảo, lớp 11A10, phấn khởi: Học trực tuyến ở nhà nhiều lúc không hiệu quả do đường truyền kém và khả năng tập trung của em cũng không được cao. Khi quay trở lại học trực tiếp, được gặp các thầy cô và bạn bè, em rất vui. Trước khi vào tiết học, các thầy cô đều ôn lại bài cũ để chúng em ghi nhớ kiến thức, kịp thời phát hiện các nội dung bị "hổng" để bù đắp.
Theo chia sẻ của thầy giáo Nguyễn Minh Đức, Tổ trưởng Tổ Toán – Tin, Trường THPT Lương Ngọc Quyến: Bám sát sự chỉ đạo của Ban giám hiệu, khi HS trở lại trường, đặc biệt với lớp 12, chúng tôi đã rà soát lại kiến thức cho các em. Trước mỗi tiết học, giáo viên tổ chức ôn tập, củng cố kiến thức hệ thống, sau đó mới dạy kiến thức mới. Việc HS đi học trực tiếp trở lại là "cơ hội vàng" để tổ chức dạy những kiến thức trọng tâm, cốt lõi nhất cho các em.
Vừa học vừa bổ sung kiến thức cho HS cũng là kế hoạch được Trường Tiểu học Mỏ Chè (T.P Sông Công) đưa ra. Theo cô Hiệu trưởng Lê Thị Hồng Vân: Trường đã có kế hoạch cung cấp kiến thức mới theo chương trình song song với việc bố trí tiết để củng cố toàn bộ kiến thức đã học trong thời gian trực tuyến. Khi dạy hoặc kiểm tra, các giáo viên thấy HS chưa nắm chắc ở phần nào thì sẽ chủ động lên kế hoạch để củng cố phần đó và ôn tập, giúp HS nắm được kiến thức cơ bản để hoàn thành chương trình cả năm.
Khi đi học trực tiếp, hầu hết các trường THCS, THPT trên địa bàn tỉnh tận dụng thời gian để ôn tập cho HS khối 9 và khối 12. Đối với khối 12, các trường ôn tập 3 môn cơ bản là Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh. Các môn còn lại, sau khi khảo sát nhu cầu của HS, thầy cô sẽ tổ chức ôn tập. Bên cạnh đó, bám sát vào kế hoạch tuyển sinh lớp 10 và cấu trúc đề thi tuyển sinh được Sở Giáo dục và Đào tạo ban hành từ tháng 10-2021, từ đầu học kỳ II, các trường THCS trong tỉnh đã tổ chức dạy học kết hợp ôn tập cho HS cuối cấp.
Cô giáo Ngô Hương Liên, Trường THCS Nha Trang (T.P Thái Nguyên), thông tin: Để việc ôn tập hiệu quả, khi học trực tuyến, tôi đã giao bài tập trên hệ thống Teams, yêu cầu các em làm bài, chụp ảnh hoặc gửi trên hệ thống để giáo viên kiểm tra, đánh giá. Với việc HS được trở lại trường học trực tiếp, chúng tôi sẽ sử dụng tối đa thời gian giảng dạy trên lớp để củng cố kiến thức, giúp các em vững tin trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 sắp tới.
Trước khi các trường học mở cửa trở lại, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã nhiều lần nhấn mạnh, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Giáo dục trong năm 2022 là phải bổ sung, củng cố kiến thức cho HS sau thời gian dài phải tạm dừng đến trường và học trực tuyến.
Trong công văn gửi các trường học mới đây về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tổ chức dạy học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Nguyên yêu cầu các cơ sở giáo dục chủ động, linh hoạt tổ chức dạy trực tiếp và các hình thức dạy học khác phù hợp, đảm bảo quyền lợi cho HS khi chưa thể đến trường học trực tiếp. Theo đó, việc dạy học phải đảm bảo kiến thức, kỹ năng tốt nhất cho HS cuối học kỳ II, hoàn thành nhiệm vụ năm học, đặc biệt là đối với HS khối 9 và khối 12, chuẩn bị bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022.