Khi môn Lịch sử là bắt buộc
Để học sinh yêu thích, học tốt môn Lịch sử, nhiều giáo viên sử dụng hình ảnh, thơ, văn để minh họa cho giờ dạy sinh động, hấp dẫn. |
Thực hiện Nghị quyết 63/2022/QH15, Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, môn Lịch sử chính thức trở thành môn học bắt buộc đối với lớp 10, 11, 12 từ năm học 2022-2023. Để cụ thể hóa chủ trương này, ngày 3-8-2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) ban hành Thông tư số 13/2022/TT-BGDĐT nhằm sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong Chương trình giáo dục phổ thông mới. Vấn đề này đã và đang thu hút sự quan tâm của dư luận.
Trước đây, nhiều người quan niệm Lịch sử là môn học phụ, trong các trường học cũng không được nhiều học sinh (HS) yêu thích. Chính vì thế, nhiều năm liền, điểm thi môn học này trong kỳ thi tốt nghiệp THPT luôn thấp.
Theo thống kê, trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, cả nước có trên 52% thí sinh đạt điểm thi Lịch sử dưới trung bình, trong đó có các thí sinh của Thái Nguyên. Trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, điểm trung bình môn Lịch sử toàn quốc là 6,34, Thái Nguyên cũng thấp hơn mặt bằng chung, điểm bình quân là 6,1.
Vì vậy, việc điều chỉnh Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, trong đó có việc đưa môn Lịch sử trở thành môn học bắt buộc là phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
Trước khi có sự điều chỉnh này, nhiều THPT trên địa bàn tỉnh đã cho HS đăng ký lựa chọn môn tổ hợp (trong đó có môn Lịch sử là môn lựa chọn). Tuy nhiên, sau khi có nghị quyết của Quốc hội, các trường phải dừng lại để chờ văn bản của Bộ GD&ĐT hướng dẫn.
Th.s Dương Xuân Bình, Hiệu trưởng Trường THPT Điềm Thụy (Phú Bình) cho rằng: Quy định 52 tiết Lịch sử/năm học là tăng số tiết so với chương trình hiện hành của lớp 11 năm nay (đang học 35 tiết Lịch sử/năm học). Năm học này Trường có 30 lớp, 1.330 HS, trong đó khối 10 có 10 lớp, 450 HS. Về đội ngũ, Trường có 3 giáo viên dạy môn Lịch sử năm học 2022-2023, theo phân phối chương trình đủ giáo viên. Tuy nhiên, năm tới cả 3 khối 10,11,12 đều học 52 tiết Lịch sử/năm nên phải tăng ít nhất 1 giáo viên cho bộ môn này.
Cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Hà, dạy bộ môn Lịch sử, Trường THPT Hoàng Quốc Việt (Võ Nhai), phấn khởi nới: Tôi cũng như bao đồng nghiệp khác rất mừng khi Quốc hội quyết định Lịch sử là môn học bắt buộc. Thực tế đã chứng minh, Lịch sử là môn học có vị trí đặc biệt quan trọng đối với bất cứ quốc gia, dân tộc nào. Sẽ không có ngày hôm nay nếu không có ngày hôm qua. Sau khi được tập huấn về nội dung giảng dạy và nghiên cứu sách giáo khoa môn Lịch sử ở bậc THPT, tôi thấy có nhiều điểm khác biệt so với chương trình hiện hành. Điểm mới đó là môn Lịch sử không còn học theo hình thức thông sử mà hiểu sâu hơn kiến thức lịch sử cốt lõi thông qua các chủ đề, chuyên đề. Đặc biệt, Chương trình mới coi trọng nội dung thực hành, kết nối lịch sử với thực tiễn cuộc sống, chú trọng phát triển phẩm chất, năng lực của HS, tạo cơ sở để HS định hướng nghề nghiệp trong tương lai.
Với sự thay đổi như trên, liệu năm học 2022-2023 ngành Giáo dục có thiếu giáo viên ở bộ môn này không? Trao đổi nội dung này với lãnh đạo Sở GD&ĐT chúng tôi được biết, quy định số tiết của bộ môn Lịch sử ở cả 3 khối lớp năm học 2022-2023 như sau: Khối 10 là 52 tiết/năm; khối 11 là 35 tiết/năm; khối 12 là 52 tiết/năm (không kể đến chuyên đề học tập theo chương trình mới và môn học tự chọn của chương trình cũ). Như vậy, số tiết của bộ môn Lịch sử ở cấp THPT năm học 2022-2023 đúng bằng số tiết môn Lịch sử của những năm học trước.
Môn Lịch sử đã được coi trọng và đặt ở vị trí xứng đáng khi trở thành môn học bắt buộc. Điều đó còn làm thay đổi tư duy, cách suy nghĩ về môn chính, môn phụ. Để nâng cao chất lượng môn học này, với kinh nghiệm 15 năm giảng dạy bộ môn Lịch sử, cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Hà chia sẻ: Để HS hiểu, yêu thích môn học, tôi luôn đưa ra những tình huống, sơ đồ hóa kiến thức, sử dụng thơ văn để minh họa cho bài học. Đặc biệt, tôi giao nhiệm vụ cho HS để các em tự tìm hiểu, được trình bày, giải quyết nhiệm vụ học tập…
Theo Chương trình GDPT 2018, môn Lịch sử trở thành môn học bắt buộc. Như vậy, Chương trình có các môn học, hoạt động giáo dục bắt buộc gồm: Ngữ văn; Toán; Ngoại ngữ 1; Lịch sử; Giáo dục thể chất; Giáo dục Quốc phòng và An ninh; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nội dung giáo dục của địa phương. Điều chỉnh số môn học lựa chọn còn 9 môn và không chia thành các nhóm môn. Học sinh chọn 4 môn học trong 9 môn lựa chọn. Các môn lựa chọn gồm: Địa lý; Giáo dục kinh tế và pháp luật; Vật lý; Hóa học; Sinh học; Công nghệ; Tin học; Âm nhạc; Mỹ thuật. |