Khó thu hút giáo viên hợp đồng giao khoán
Trường THCS Phú Đình, xã Phú Đình (Định Hóa) hiện đang thiếu 6 giáo viên so với kế hoạch. Trong ảnh: Tiết học môn Lịch sử của lớp 9A năm học 2020-2021. |
Thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, từ năm 2017 đến nay, ngành Giáo dục huyện Định Hóa đã giảm 168 cán bộ, giáo viên trong biên chế. Để bù đắp lượng giáo viên thiếu hụt hằng năm, huyện đã thực hiện tuyển giáo viên dạy hợp đồng giao khoán. Mặc dù đã có cơ chế, nhưng các nhà trường vẫn gặp không ít khó khăn trong quá trình tuyển dụng.
Phú Đình là xã xa trung tâm huyện, cũng là xã thiếu nhiều giáo viên dạy tại cả 3 cấp học (mầm non, tiểu học, THCS). Cụ thể: Trường mầm non thiếu 11 giáo viên, trường tiểu học thiếu 7 giáo viên, trường THCS thiếu 6 giáo viên. Cô Nguyễn Thị Thanh Thủy, Hiệu trưởng Trường Mầm non Phú Đình cho biết: Năm học 2021-2022, Nhà trường dự kiến sẽ đón khoảng 360 học sinh, chia làm 13 lớp học. Theo kế hoạch, Nhà trường sẽ cần 30 giáo viên để đảm bảo công tác giảng dạy. Tuy nhiên, đến thời điểm sắp vào năm học, Nhà trường mới chỉ có 19 giáo viên trong biên chế và tuyển được thêm 9 giáo viên hợp đồng, vẫn còn thiếu 2 giáo viên.
Còn đối với Trường THCS Linh Thông, năm học 2021-2022, Nhà trường có 5 lớp học với khoảng 150 học sinh. Để đảm bảo công tác giảng dạy, Trường cần tuyển thêm 3 giáo viên hợp đồng giao khoán, trong đó ít nhất 1 giáo viên giảng dạy bộ môn khoa học tự nhiên. Tuy vậy, đến nay Nhà trường mới chỉ nhận được hồ sơ của giáo viên dạy các môn xã hội.
Cô Vũ Thị Quế, Hiệu trưởng Nhà trường cho biết: Qua rà soát tại một vài xã lân cận, có nhiều giáo viên đáp ứng đủ điều kiện để ký hợp đồng giao khoán với Nhà trường. Tuy nhiên, do mức lương còn thấp (khoảng 5,3 triệu đồng/tháng đối với giáo viên cấp THCS) trong khi cường độ công việc tương đối cao (19 tiết/tuần) nên nhiều người không mặn mà với nghề giáo mà chọn đi làm tại các công ty với mức lương cao hơn và được hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Ngoài ra, một nguyên nhân khác cũng khiến nhiều người không mặn mà với nghề là giáo viên được thuê khoán theo định mức giờ dạy, nếu không đứng lớp sẽ không có thu nhập, mỗi năm chỉ giảng dạy và hưởng lương 9 tháng, 3 tháng còn lại không có thu nhập; không được Nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội.
Theo thông tin từ Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Định Hóa, tình trạng khó thu hút giáo viên hợp đồng xảy ra tại cả 3 cấp học, tập trung nhiều ở các xã xa trung tâm huyện như: Phú Đình, Bình Thành, Linh Thông, Lam Vỹ, Bảo Linh… Hiện, toàn huyện có 1.509 giáo viên biên chế, thiếu trên 300 giáo viên theo kế hoạch. Cụ thể, mầm non thiếu 102 giáo viên, tiểu học thiếu 141 giáo viên, THCS thiếu 79 giáo viên.
Bà Nguyễn Thị Thu Hoài, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Định Hóa cho biết: Nguyên nhân khiến việc tuyển giáo viên hợp đồng ngày càng khó đối với địa phương là do mức lương còn thấp, cường độ công việc tương đối cao lại không được hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội. Việc thiếu hụt giáo viên này sẽ phần nào gây khó khăn cho các nhà trường đảm bảo tiến độ, chất lượng chương trình học.
Trước thực tế đó, Phòng thường xuyên nắm bắt tình hình tại các địa phương để đưa ra phương án cân đối, điều chuyển giáo viên cho phù hợp giữa các trường, chỉ đạo các trường linh hoạt trong công tác giảng dạy sao cho vừa đảm bảo theo đúng chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra, vừa đảm bảo chất lượng giảng dạy.
Cùng với đó, ngành giáo dục huyện Định Hóa cũng đã có những kiến nghị với cấp trên như: Giao biên chế theo định mức, quy định của ngành Giáo dục; đối với hợp đồng giao khoán cần hỗ trợ giáo viên đóng bảo hiểm xã hội và ký hợp đồng giao khoán với thời gian cả năm học…
Email: nguyenthanhbinh12a@gmail.com
Mình cũng rất mong ... buồn lắm nhà báo ạ!