Khó thuê khoán giáo viên
Dù đồng lương hợp đồng không cao, song cô giáo Nguyễn Thị Nhung, Trường MN số 2 Hóa Thượng, vẫn hết lòng vì công việc, mong muốn gắn bó lâu dài với nghề mình đã chọn. |
Thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế, hằng năm các đơn vị trong ngành Giáo dục đều phải giảm tối thiểu 2,5% biên chế, trong khi thực tế số lớp, số học sinh (HS) mầm non, phổ thông của tỉnh vẫn tăng từng năm. Bởi thế, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết về việc hỗ trợ kinh phí thuê, khoán giáo viên (GV) giảng dạy. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, nhiều trường không hợp đồng được GV, dẫn đến khó khăn trong giảng dạy.
Sau Tết Nguyên đán 2022, dịch COVID-19 bùng phát, Trường Mầm non số 2 Hóa Thượng (Đồng Hỷ) cho HS nghỉ học. HS nghỉ học đồng nghĩa với việc GV hợp đồng thuê khoán không có lương. Vì thế, cô giáo Nguyễn Thị Nhung phải xin đi làm thời vụ ở Công ty TNHH Glonics Thái Nguyên.
Cô Nhung chia sẻ: Trước em dạy hợp đồng ở Trường Mầm non Phú Lạc (Đại Từ), đến 2019 chuyển về đây. Chồng em làm nhân viên một công ty du lịch nhưng do dịch bệnh nên 2 năm vừa qua không có việc làm. Em mong tỉnh có chính sách hợp đồng dài hạn để em cũng như nhiều bạn khác được tham gia đóng bảo hiểm, nghỉ hè, thai sản có chế độ, yên tâm công tác hơn.
Sau đợt cho HS nghỉ do dịch COVID-19, đầu tháng 4-2022 Trường Mầm non số 2 Hóa Thượng (Đồng Hỷ) đón HS trở lại thì có tới 4 GV hợp đồng thuê khoán nghỉ việc. Để duy trì hoạt động dạy học, Nhà trường đã phải nhờ 5 GV đã nghỉ hưu ra đứng lớp. Tuy nhiên, trong số này có 2 cô trình độ chưa đạt chuẩn theo quy định.
Cô giáo Nguyễn Thị Thu Hoài, Hiệu trưởng Trường Mầm non số 2 Hóa Thượng, trăn trở nói: Thiếu GV, Trường được hợp đồng định mức khoán 13 cô để giảng dạy và 7 cô nuôi. Mức chi trả GV giảng dạy là 4,9 triệu đồng/người/tháng; cô nuôi là 4,5 triệu đồng/người/tháng. Các cô nghỉ thai sản, nghỉ hè không có chế độ gì, còn việc đóng bảo hiểm xã hội, Nhà trường cũng chỉ khuyến khích GV tự nguyện tham gia, bởi thế rất khó giữ chân GV hợp đồng thuê khoán.
Năm học 2021-2022, Trường THPT Hoàng Quốc Việt (Võ Nhai) có 20 lớp với tổng số 837 HS. Theo quy định là 2,25 GV/lớp thì tổng số GV là 45 thầy, cô, nhưng thực tế chỉ có 38 GV, thiếu tới 7 GV.
Giải pháp tình thế của Nhà trường là động viên GV khắc phục khó khăn, tự nguyện giảng dạy thêm giờ khi được giao nhiệm vụ. Thầy giáo Chu Quang Tuấn, Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Quốc Việt cho biết: Năm học 2022-2023, quy mô tăng thêm 1 lớp, tổng số HS toàn trường là 900 em. Đây là năm học đặc biệt khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, phải điều chỉnh một số môn học, thời lượng... Trường lại trong tình trạng thiếu GV khó khăn sẽ nhiều thêm.
Trường Tiểu học Khôi Kỳ (Đại Từ) có nhiều giải pháp đổi mới trong dạy học, phát huy khả năng làm việc theo nhóm của HS.
Năm học 2021-2022, toàn ngành Giáo dục tỉnh có 18.217 biên chế trong khi định mức theo quy định là 22.693 biên chế. Như vậy thiếu 4.476 biên chế. Để đảm bảo đội ngũ GV, Kỳ họp lần thứ X, HĐND tỉnh khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/HĐND về hỗ trợ kinh phí đối với các trường mầm non, phổ thông công lập, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên cấp huyện thuộc tỉnh.
Riêng năm học 2021-2022, tỉnh đã hỗ trợ trên 380,977 tỷ đồng để thực hiện nhiệm vụ giảng dạy với 5.987 định mức GV và 1.955 định mức nhân viên nấu ăn ở các trường mầm non. Ngoài tiền thuê khoán theo hợp đồng giảng dạy hoặc cô nuôi, GV không được hưởng bất cứ một chế độ nào.
Đem những băn khoăn trăn trở của đội ngũ GV, cán bộ quản lý giáo dục, trao đổi với người đứng đầu ngành Giáo dục của tỉnh, chúng tôi được đồng chí Phạm Việt Đức, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Đây cũng chính là những băn khoăn, trăn trở của ngành Giáo dục. Giải pháp căn cơ cho năm học 2022-2023 khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Sở GD&ĐT sẽ tham mưu sắp xếp lại các cơ sở giáo dục và các điểm trường giai đoạn 2022-2025; rà soát lại số HS trên lớp tối đa theo quy định của các cấp học để giảm số lớp, từ đó sẽ giảm số GV theo định mức. Trước mắt, Ngành tiếp tục thực hiện tốt cơ chế hỗ trợ kinh phí cho các cơ sở giáo dục công lập để thực hiện thuê, khoán GV giảng dạy trong điều kiện thiếu biên chế theo định mức. Mặt khác tiến hành rà soát, điều động, biệt phái GV; sắp xếp GV dạy liên trường đối với một số môn và tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng các GV để tham gia giảng dạy những môn thiếu GV khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.