Kỳ vọng vào chính sách mới

Cập nhật: Thứ tư 04/11/2020 - 14:55
 Giờ học âm nhạc của trẻ Trường Mầm non Họa My, phường Bách Quang (T.P Sông Công)
Giờ học âm nhạc của trẻ Trường Mầm non Họa My, phường Bách Quang (T.P Sông Công)

Toàn tỉnh hiện có trên 100 cơ sở giáo dục mầm non ở các địa bàn gần khu công nghiệp (KCN), trong đó, có 65 trường ngoài công lập, nhóm, lớp độc lập tư thục. Theo đó, từ ngày 1-11, Nghị định số 105/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non có hiệu lực. Nghị định quy định, giáo viên mầm non tư thục trên địa bàn có khu công nghiệp sẽ được hỗ trợ thêm 800.000 đồng/tháng. Đây là một thông tin vui cho rất nhiều giáo viên, chủ trường tư thục ở các trường học trên.

Đối với những trường mầm non dân lập, tư thục, năm nay là một năm đầy khó khăn với các nhà trường khi phải trải qua gần 3 tháng nghỉ vì dịch COVID-19, nhất là việc duy trì kinh phí phục vụ cho hoạt động. Đơn cử như Trường Mầm non tư thục 8-3 ở phường Mỏ Chè (T.P Sông Công). Thành lập từ năm 2000, hiện nay Trường có 20 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Nhiều năm nay, Nhà trường được nhiều phụ huynh tin tưởng vì chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ, học phí thấp hơn so với các trường tư thục khác. Trường đang nuôi dưỡng 145 trẻ, trong đó trên 95% là con công nhân tại các khu công nghiệp lân cận (KCN Sông Công 1, KCN Yên Bình…).

Cô Trịnh Thị Y, Hiệu trưởng Nhà trường nói: Kinh phí hoạt động của Trường phụ thuộc hoàn toàn vào học phí. Trong 3 tháng nghỉ vì dịch bệnh, chúng tôi không có nguồn thu nên cán bộ, giáo viên không có lương, phụ cấp. Đến tháng 5, Nhà trường đón trẻ trở lại nhưng do tâm lý lo sợ dịch bệnh, số trẻ đi học rất ít nên doanh thu khá hạn chế. Trong khi đó, để đáp ứng nhu cầu dạy và học, tạo được uy tín với các bậc phụ huynh, chúng tôi phải đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất thường xuyên.

Do kinh phí có hạn nên việc trả lương cho cán bộ, giáo viên không cao. Vì thế, không riêng gì Trường Mầm non tư thục 8-3 mà nhiều trường học khác đã không giữ chân được giáo viên sau đợt nghỉ dài do dịch COVID-19. Cô Dương Thị Tiền, Hiệu trưởng Trường Mầm non Họa My, tổ dân phố Mỏ Chè, phường Bách Quang (T.P Sông Công) cho biết: Mức lương Trường đang chi trả cho giáo viên thử việc là4,3 triệu đồng/tháng, đóng bảo hiểm hơn 400 nghìn đồng/người/tháng. Đợt dịch vừa qua dù rất khó khăn nhưng Nhà trường đã tạo điều kiện hết mức có thể để giữ chân giáo viên. Tháng đầu tiên chúng tôi hỗ trợ 70% tiền lương, 2 tháng sau Nhà trường hỗ trợ mỗi giáo viên 2,4 triệu đồng/ nhưng,vẫn có 3 cô giáo xin nghỉ nên hiện tại, Trường chỉ còn 18 giáo viên.

Chị Đào Thị Xuân, giáo viên công tác tại Trường chia sẻ: Đặc thù là trường có nhiều con em công nhân làm ca, kíp đi sớm về muộn nên từ thứ Hai đến thứ Bảy, công việc của chúng tôi bắt đầu từ đúng 6 giờ đến 17 giờ 30 phút. Công việc của giáo viên mầm non tưởng chừng đơn giản nhưng lại rất nhiều áp lực trong khi mức thu nhập chưa tương xứng.Do đó, phải thật sự yêu nghề mới có thể bám trụ lâu với công việc này.

Trong điều kiện khó khăn như hiện nay, việc Nhà nước có cơ chế hỗ trợ cho các trường mầm non tư thục trên địa bàn các khu công nghiệp có ý nghĩa rất lớn. Theo Nghị định số105/2020/NĐ-CPcủa Chính phủ,giáo viên mầm non làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp được hưởng chính sách hỗ trợ tối thiểu 800.000 đồng/người/tháng nếu bảo đảm những điều kiện: Có trình độ chuẩn đào tạo chức danh giáo viên mầm non theo quy định; có hợp đồng lao động với người đại diện theo pháp luật của cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục; trực tiếp chăm sóc, giáo dục trẻ tại nhóm trẻ/lớp mẫu giáo có từ 30% trẻ em là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp. Cô giáo Nguyễn Thị Thơm,thuộc cơ sở giáo dục mầm non Hoa tuổi thơ đang có khoảng 85% số trẻ là con em công nhân nói: Tôi vừa mừng, vừa thấp thỏm không biết mình có nằm trong diện được hỗ trợ hay không. Tôi rất mong các cấp, ngành chức năng tạo điều kiện để chính sách sớm đến với chúng tôi, giúp giáo viên một phần nào chi phí sinh hoạt trong gia đình và yên tâm gắn bó với nghề.

Có thể thấy, giáo viên ở các trường mầm non tư thực nằm trên địa bàn có các khu công nghiệp của tỉnh (chủ yếu tập trung ở thành phố Sông Công, T.X Phổ Yên, huyện Phú Bình…) đang rất mong chờ chính sách mới này đi vào cuộc sống. Bà Lê Na, Phó trưởng Phòng Giáo dục T.P Sông Công cho hay: Các giáo viên mầm non có cường độ làm việc lớn, vất vả nhất so với các bậc học khác. Nếu áp dụng Nghị định sẽ giúp các giáo viên, các trường bớt khó khăn hơn, nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục mầm non ngoài công lập, giúp đội ngũ giáo viên yên tâm công tác lâu dài.
 

Thu Nga
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: