Nhìn lại những lần thay sách giáo khoa của giáo dục Việt Nam

Cập nhật: Thứ bẩy 15/10/2022 - 11:20
 Sách giáo khoa giai đoạn 1976 - 1979.
Sách giáo khoa giai đoạn 1976 - 1979.

Ông Hoàng Lê Bách, Tổng Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, cho biết Việt Nam có bốn mốc thay sách giáo khoa phổ thông.

Lần thứ nhất, thời kỳ loại bỏ giáo dục thực dân, đặt nền móng, tạo tiền đề xây dựng chương trình và biên soạn sách giáo khoa (SGK) của nền giáo dục cách mạng bắt đầu sau tháng 8-1945.

Lúc đó, Đảng và Chính phủ chú ý đến việc cải cách giáo dục nhưng do tập trung vào cuộc kháng chiến chống Pháp, tháng 7-1950, Hội đồng Chính phủ mới thông qua đề án cải cách giáo dục, với mục tiêu xây dựng nền giáo dục dân chủ nhân dân.

Hệ thống giáo dục thực dân hệ 12 năm và hệ thống phân ban tú tài nội địa hệ 10 năm được chuyển sang 9 năm theo cấu trúc ba cấp học: Cấp 1 (4 năm), cấp 2 (3 năm) và cấp 3 (2 năm), thực hiện chương trình mới với nguyên lý đại chúng, dân tộc, khoa học.

Để biên soạn SGK cho chương trình 9 năm, tháng 7-1950, Bộ Giáo dục và Đào tạo thành lập Trại Tu thư tại Đào Dã, Phú Thọ, để biên soạn SGK, trước mắt tập trung vào các môn học: Quốc văn, Lịch sử, Toán, Lý, Hóa, Chính trị thường thức. Năm 1952, Trại sách đã hoàn thành biên soạn lại toàn bộ SGK cấp 1 theo chương trình mới. Các SGK cấp 2, cấp 3 biên soạn được một số tài liệu về Lịch sử, Chính trị, Giáo dục Công dân.

Tại miền Bắc, theo Nghị định 596 ngày 30/8/1956 "ban hành quy chế trường phổ thông 10 năm" của Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Văn Huyên, các trường phổ thông thực hiện dạy học theo hệ 10 năm, chia làm ba cấp học: cấp 1 (4 năm, từ lớp 1 đến 4 lớp), cấp 2 (3 năm, từ lớp 5 đến lớp 7), cấp 3 (3 năm, từ lớp 8 đến lớp 10).

Ở lần cải cách này, chương trình, SGK có nhiều nội dung học tập các nước xã hội chủ nghĩa. Việc biên soạn, biên tập SGK do Ban Tu thư của Bộ Giáo dục đảm nhiệm. Năm 1957, Nhà xuất bản Giáo dục ra đời để xuất bản SGK và được cho phép "hoạt động dưới hình thức một doanh nghiệp quốc gia".

Năm 1972, Bộ Giáo dục thành lập Ban Chương trình và SGK B (Trại sách B). Từ năm 1973 đến năm 1975, Trại sách B, có sự tham gia của Nhà xuất bản Giáo dục, đã tổ chức biên soạn bộ SGK mang tên "Nhà xuất bản Giáo dục Giải phóng".

Lần thứ hai, từ năm 1976 đến năm 2000, là giai đoạn hợp nhất hệ thống giáo dục hai miền Bắc - Nam.

Ngày 4-12-1975, Hội đồng Chính phủ giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo nhiệm vụ tổ chức biên soạn SGK và sách hướng dẫn giảng dạy các bộ môn theo Chương trình Cải cách giáo dục cho các lớp từ vỡ lòng đến hết cấp phổ thông trung học (kể cả sách bổ túc văn hoá cho người lớn tuổi).

Từ năm 1976 đến năm 1981, do chưa có chương trình, SGK dùng chung, miền Bắc tiếp tục chương trình 10 năm và miền Nam tiếp tục chương trình 12 năm.

Qua nhiều khâu chuẩn bị, năm học 1981-1982 mới thực hiện được việc thay sách Cải cách giáo dục ở lớp 1 trên toàn quốc.

Giai đoạn bắt đầu làm sách trung học phổ thông bắt đầu tháng 2-1989, sau khi Bộ Giáo dục thành lập "Trại biên soạn SGK". Trại có nhiệm vụ hoàn thành biên soạn các môn còn thiếu ở tiểu học là Đạo đức, Mỹ thuật, Hát nhạc; hoàn thành biên soạn sách cải cách giáo dục hai lớp còn lại của cấp trung học cơ sở; hoàn thành biên soạn, xuất bản bộ sách trung học phổ thông trong ba năm (1989-1991), chuẩn bị làm sách thí điểm trung học phổ thông phân ban; hoàn thành và xuất bản bộ sách 100 tuần, 120 tuần, bộ sách dạy tiếng Mông và tiếp tục xuất bản các giáo trình đại học sư phạm.

SGK Văn làm hai bộ và SGK Toán ba bộ. Các bộ SGK Toán và Văn trung học phổ thông đó đã được sử dụng đồng thời trong 10 năm, đến năm 2000 thì được chỉnh lý hợp nhất lại thành một bộ.

Lần thứ ba là từ năm 2002 đến 2008. Theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Nhà xuất bản Giáo dục đã biên soạn và xuất bản SGK theo hình thức cuốn chiếu, từ năm 2002. Việc biên soạn SGK giai đoạn này được triển khai theo chương trình khung năm 2000. Đến năm 2006, sau khi hoàn thành việc xuất bản SGK từ lớp 1 đến lớp 9, chương trình chi tiết cũng mới được hoàn thành và được in xuất bản thành tài liệu chính thức. Vì thế, chương trình 2000 còn được gọi là chương trình 2006.

Sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Lần thứ 4 là từ năm 2013 đến nay theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất của người học.Theo Nghị quyết 88/2014 của Quốc hội khóa 13, SGK được xuất bản theo chủ trương một chương trình nhiều SGK, bỏ độc quyền xuất bản. 

Tháng 12-2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Chương trình giáo dục phổ thông mới, còn được gọi là chương trình phổ thông 2018. SGK không còn là "pháp lệnh", là duy nhất, mà là học liệu, tài liệu giúp giáo viên, học sinh triển khai chương trình, thi theo chương trình.

Từ năm học 2020 - 2021, SGK mới bắt đầu được đưa vào sử dụng với lớp 1. Toàn quốc có 5 bộ sách lớp 1, gồm Kết nối tri thức với cuộc sống, Chân trời sáng tạo, Cùng học để phát triển năng lực, Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục và Cánh Diều.

Từ lớp 2 trở đi, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam hợp nhất 4 bộ chỉ còn hai bộ sách là Kết nối tri thức với cuộc sống và Chân trời sáng tạo. Vì thế, các cơ sở giáo dục có ba bộ sách để lựa chọn là: Kết nối tri thức với cuộc sống, Chân trời sáng tạo và Cánh Diều.

Việc áp dụng chương trình và SGK mới được thực hiện cuốn chiếu, đến năm học 2022 - 2023 đã áp dụng tới lớp 3 của bậc tiểu học, lớp 7 bậc THCS và lớp 10 bậc THPT. SGK đã được điều chỉnh từ khổ 17x24 cm thành khổ lớn hơn là 19x26,5 cm.


Theo baotintuc.vn
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: