Sách mới, nỗi lo cũ

Cập nhật: Chủ nhật 14/08/2022 - 06:15
 Cán bộ, giáo viên Trường THCS Tân Lập (TP. Thái Nguyên) trao đổi về cách thức giảng dạy lớp 7 theo Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Cán bộ, giáo viên Trường THCS Tân Lập (TP. Thái Nguyên) trao đổi về cách thức giảng dạy lớp 7 theo Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Chuẩn bị bước vào năm học mới, nhiều phụ huynh băn khoăn, lo lắng không biết năm học này trường sẽ dùng bộ sách giáo khoa (SGK) nào, giá cả ra sao? Vì theo Chương trình giáo dục phổ thông mới, mỗi trường phổ thông có thể chọn 1 bộ SGK của các nhà xuất bản (NXB) khác nhau, những bộ sách đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), UBND tỉnh phê duyệt.

Theo chương trình hiện hành, chỉ có 1 bộ SGK được dùng chung trên cả nước cho mỗi khối lớp. Tuy nhiên, theo Chương trình giáo dục phổ thông mới, từ năm học 2021-2022, các lớp 1, 2, 6 đã được học SGK mới và năm học 2022-2023 là các lớp 3, 7, 10. Tuy nhiên, đến thời điểm này nhiều trường học trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có đủ SGK theo nhu cầu phụ huynh.

Chị Dương Thị Hải ở thị trấn Hương Sơn (Phú Bình) năm nay có con vào lớp 3, chị không khỏi băn khoăn: Năm trước, con tôi được học SGK mới. Năm nay cháu lên lớp 3, tôi đã đăng ký mua SGK của trường nhưng đến thời điểm này vẫn chưa có. Tôi băn khoăn không biết sắp tới, nhà trường có tiếp tục học bộ sách của NXB năm trước hay chuyển sang bộ sách khác, vì tôi nghe nói các trường được quyền chủ động chọn sách.

Nỗi niềm của chị Hải cũng là lo lắng của không ít phụ huynh về việc thay SGK theo Chương trình giáo dục phổ thông mới. Về vấn đề này, cô giáo Lưu Thị Thùy Linh, Hiệu trưởng Trường THCS Tân Lập (TP. Thái Nguyên), cho rằng: Những băn khoăn của phụ huynh là có cơ sở. Vì thế, trong các buổi họp phụ huynh cuối năm học vừa qua, lãnh đạo Nhà trường đều yêu cầu giáo viên giải thích để phụ huynh, học sinh (HS) hiểu chủ trương thay SGK. Mặc dù có nhiều bộ SGK nhưng đều đảm bảo quy định về chuẩn kiến thức theo khung chương trình hướng tới mục tiêu cần đạt được. Năm học này, khối 7 của Trường có 178 học sinh (HS), qua thống kê, có 80% số phụ huynh HS đăng ký mua SGK tại Trường. Nhà trường đã lập danh sách, gửi Phòng GD&ĐT để tổng hợp gửi Sở GD&ĐT đăng ký với các NXB. Ngày 25-7, sau khi NXB chuyển SGK lên, Trường đã chuyển đến tận tay phụ huynh, HS.

Trước đó, thực hiện các văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT về lựa chọn SGK, Trường THCS Tân Lập đã cho giáo viên nghiên cứu SGK điện tử, tổ chức họp các tổ chuyên môn để đánh giá từng bộ SGK của các NXB, đề xuất lên lãnh đạo Nhà trường chọn bộ SGK. Theo đề xuất của giáo viên các tổ chuyên môn, năm học 2021-2022 và 2022-2023, Nhà trường đều chọn bộ sách kết nối tri thức của NXB Giáo dục triển khai dạy cho khối 6, 7.

Thư viện Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân (TP. Thái Nguyên) có nhiều sách tham khảo của Chương trình giáo dục phổ thông mới để học sinh đọc bổ trợ cho việc học tập.

Qua nghiên cứu các bộ SGK, cô giáo Vũ Thị Thường, Tổ phó Tổ Khoa học xã hội, Trường THCS Tân Lập, đánh giá cao Chương trình giáo dục phổ thông mới, bởi SGK có sự tích hợp. Nếu như trước đây Lịch sử và Địa lý là 2 quyển sách riêng thì nay là 1 quyển gồm 2 phân môn; các môn Lý, Hóa, Sinh trước là 3 cuốn sách giờ được tích hợp thành 1 quyển về khoa học tự nhiên. Giáo viên có thể tổ chức hoạt động dạy học linh hoạt; HS phát triển tốt năng lực, phẩm chất, kỹ năng thông qua làm việc theo nhóm…

Một trong những lo ngại khác của các bậc phụ huynh HS là với việc các trường được quyền tự chọn bộ SGK của các NXB khác nhau, thì khi con họ chuyển trường nếu không đúng bộ SGK đang học ở trường cũ liệu có ảnh hưởng đến chất lượng học tập? Mặt khác, việc tận dụng và khai thác SGK dùng chung không hiệu quả hoặc trong các gia đình, em có thể không dùng được bộ SGK do anh, chị để lại, gây lãng phí; công tác xã hội hóa, quyên góp, ủng hộ SGK cho HS nghèo gặp khó khăn…

Về vấn đề này, đồng chí Phạm Việt Đức, Giám đốc Sở GD&ĐT cho rằng: Nghị quyết số 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông quy định thực hiện một chương trình, nhiều bộ SGK, nên các bộ sách được viết đều đảm bảo theo quy định về chuẩn kiến thức, kỹ năng trong chương trình. Điểm mới trong Chương trình giáo dục phổ thông mới là việc quản lý dạy học, kiểm tra đánh giá theo hệ thống trên cả nước, SGK chỉ là phương tiện dạy học, mục tiêu bảo đảm cần đạt của chương trình. Vì thế, sử dụng nhiều bộ SGK không ảnh hưởng nhiều khi HS chuyển đổi trường hay kiểm tra, đánh giá trong các kỳ thi chung. Tuy nhiên, ngành Giáo dục tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với các NXB để tập huấn cho giáo viên tham khảo ở các bộ SGK để lấy ngữ liệu, quan tâm bồi dưỡng thêm cho các HS này trong giai đoạn chuyển tiếp.

Tháng 5 vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 996 phê duyệt Danh mục SGK lớp 3, lớp 7, lớp 10 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông, năm học 2022-2023.

Theo đó, bộ SGK lớp 3 có 23 cuốn; lớp 7 có 18 cuốn và lớp 10 có 38 cuốn. Danh mục sách UBND tỉnh phê duyệt chỉ gồm các SGK chính, chưa có bộ đồ dùng thực hành môn Toán, Kỹ thuật, các loại sách tham khảo và sách bổ trợ (hay còn gọi là sách bài tập).

Nếu HS chỉ mua các sách chính theo danh mục phê duyệt thì giá khoảng 200 đến 300 nghìn đồng/bộ sách. Nếu mua bộ đồ dùng, sách tham khảo tùy từng bộ SGK, bình quân mỗi bộ sách tăng khoảng 100 - 200 nghìn đồng.

Hằng Nga
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: