“Công dân học tập” - Hạt nhân, nòng cốt trong xã hội học tập

Cập nhật: Thứ hai 23/05/2022 - 11:58
 Hàng năm, dòng họ Dương ở tổ dân phố An Châu 1 (phường Mỏ Chè, TP. Sông Công) đều tổ chức khen thưởng, động viên các cháu có thành tích học tập cao.
Hàng năm, dòng họ Dương ở tổ dân phố An Châu 1 (phường Mỏ Chè, TP. Sông Công) đều tổ chức khen thưởng, động viên các cháu có thành tích học tập cao.

Xây dựng xã hội học tập từ cơ sở là một chủ trương lớn, được triển khai trong thời gian dài bằng việc xây dựng những mô hình hiếu học và khuyến học (gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học, cộng đồng khuyến học). Sau hơn 25 năm phát triển, các mô hình hiếu học và khuyến học đã được khẳng định như những yếu tố động lực đẩy mạnh việc học tập suốt đời trong các cộng đồng dân cư. Đó chính là tiền đề xây dựng và phát triển các mô hình học tập trong giai đoạn hiện nay.

Để phấn đấu xây dựng xã hội học tập trong giai đoạn cách mạng mới, Hội Khuyến học các cấp trong cả nước đã triển khai thực hiện thành công giai đoạn I (2014-2020) các mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập”, được xã hội đánh giá cao.

Thông qua Đề án 281, công tác khuyến học, khuyến tài đã lan tỏa đến từng người dân, gia đình, thôn bản, cơ quan, đơn vị... Người dân đã thấy được lợi ích, vai trò, tầm quan trọng của học tập suốt đời. Khi mọi người dân cùng chăm lo cho việc học thì sẽ giảm đáng kể các tệ nạn xã hội như ma túy, mại dâm, trộm cắp…

Trên chặng đường tiếp theo, tiếp tục thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030”, cùng với thực hiện Chương trình “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị giai đoạn 2021-2030”, Hội Khuyến học các cấp sẽ tiến hành triển khai xây dựng mô hình “Công dân học tập” đồng loạt trong cả nước.

Đây là vấn đề mới, lần đầu tiên được đề cập ở nước ta. Trải qua đợt đầu làm thí điểm, các cấp Hội đã khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ, tham gia ý kiến, đề xuất xây dựng bộ tiêu chí đánh giá mô hình “Công dân học tập” trong giai đoạn chuyển đổi số quốc gia, đáp ứng được yêu cầu tiếp cận cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho nền kinh tế số và xã hội số theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

 “Công dân học tập” giai đoạn hiện nay là công dân tiếp cận cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0. Muốn có được các mô hình gia đình, dòng họ, cộng đồng, cơ quan, đơn vị học tập, phải có được mô hình “Công dân học tập” - Chủ thể, hạt nhân, nòng cốt trong xã hội học tập.

Xây dựng, phát triển và nhân rộng mô hình “Công dân học tập” là trách nhiệm của cả cộng đồng xã hội, các cơ quan, đơn vị, các dòng họ và của mọi gia đình; là sự logic trong tư duy, trong mối quan hệ biện chứng giữa công dân với cộng đồng.

Và ngược lại, chỉ khi có mô hình gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị học tập mới là điều kiện, môi trường tốt nhất để xây dựng mô hình “Công dân học tập”, học thường xuyên, học suốt đời, học những gì mình cần để đáp ứng cho cuộc sống hiện tại, nhất là học tập dành cho người lớn trong giai đoạn hiện nay.

Thực hiện chỉ đạo của Trung ương Hội, vừa qua, Thái Nguyên cũng đã lựa chọn 3 đơn vị cấp huyện, mỗi huyện lựa chọn 2 đơn vị cấp xã và 10 hộ gia đình để triển khai thí điểm xây dựng mô hình “Công dân học tập”.

Các cấp Hội Khuyến học trong tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, triển khai tập huấn về bộ tiêu chí, cách đánh giá, chấm điểm công dân học tập để cán bộ, hội viên khuyến học các địa phương nắm được; cổ vũ, động viên những đơn vị và gia đình tham gia thí điểm. Kết quả: 569 công dân tham gia thí điểm ở cả 3 đơn vị cấp huyện đều đạt danh hiệu “Công dân học tập” với điểm trung bình dành cho mỗi công dân là 88,5/100đ.

Trong quá trình triển khai thực hiện, cấp ủy và lãnh đạo UBND các cấp, các đơn vị, địa phương đều rất quan tâm ủng hộ, vào cuộc cùng với Hội Khuyến học.

Lãnh đạo huyện Đồng Hỷ trao thưởng cho các gia đình, dòng họ, cộng đồng tiêu biểu trên địa bàn huyện nhân dịp tổng kết 5 năm thực hiện Quyết định 281/QĐ-TTg.

Thường trực Tỉnh hội luôn theo sát cơ sở, tìm hiểu, nắm bắt để tháo gỡ những khó khăn, điều chỉnh kịp thời vướng mắc trên cơ sở hướng dẫn của Trung ương Hội. Các đơn vị và cá nhân tham gia thực hiện thí điểm đều đồng tình ủng hộ.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn gặp những khó khăn như: Việc chọn các gia đình tham gia thí điểm còn giới hạn vì lo không đạt được do các tiêu chí ban đầu hơi khó hiểu và khó thực hiện; việc tập huấn chưa thực hiện được do ảnh hưởng của dịch bệnh; việc triển khai đôi khi còn chưa nhất quán, biểu chấm điểm có một số từ ngữ khó hiểu nên công dân khi thu thập minh chứng tự chấm điểm còn gặp lúng túng.

Đất nước chúng ta đang tiến vào thập kỷ thứ 3 của thế kỷ XXI - thập kỷ của nền kinh tế tri thức, của thời đại số, của kỷ nguyên số, của yêu cầu phát triển con người và chia sẻ tri thức. Bối cảnh này vừa mang lại những lợi thế lớn đối với việc đa dạng hóa các cơ hội học tập cho người dân, đồng thời cũng đặt ra không ít thách thức đối với giáo dục và đào tạo.

Bên cạnh đó, các yếu tố an ninh phi truyền thống, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu… dự báo diễn biến khó lường, ngày càng tác động, ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống xã hội.

Trước đỏi hỏi của thực tiễn phát triển đất nước, học tập suốt đời phải là chìa khóa của giải pháp để đáp ứng cho cuộc sống hiện tại, nhất là học tập dành cho người lớn. Vấn đề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực tại chỗ thông qua việc thể hiện mô hình “Công dân học tập”, đáp ứng nhu cầu công việc ngay tại địa phương, đơn vị là hết sức quan trọng.

Mỗi công dân ở vị trí công việc nào cũng cần phải nêu cao ý thức học tập, rèn luyện, cần gì học nấy, thiếu gì bổ sung cái đó, có thể học qua trường lớp, qua thầy cô, bạn bè, đồng nghiệp hoặc nguồn tài nguyên tri thức của nhân loại thông qua chuyển đổi số.

Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin trong thời đại số thì việc học tập của mọi người dân ngày càng trở nên dễ dàng, thuận tiện hơn. Thông qua việc sử dụng các thiết bị công nghệ và loại hình đa phương tiện như máy vi tính, máy tính bảng, mạng xã hội, các ứng dụng trên điện thoại thông minh…, mọi người đều bình đẳng trong tiếp cận với nguồn học liệu mở, thông tin kiến thức đa chiều, phong phú, luôn được bổ sung, cập nhật mới và đặc biệt là có thể học tập mọi lúc, mọi nơi, học từ xa. Đây là một trong những nền tảng quan trọng để hình thành nên những công dân học tập toàn cầu, công dân số.

“Công dân học tập” là con người thông qua học tập để luôn có đủ tri thức, kỹ năng, thái độ, thích ứng và theo kịp với sự thay đổi của hiện thực khách quan, đối mặt được với những thách thức của cuộc sống, ứng phó được với nguy cơ và rủi ro đến với họ. Qua đó, họ sẽ trở thành con người phát triển toàn diện, góp sức vào xây dựng xã hội phát triển bền vững, một thế giới hòa bình, hạnh phúc.
Hà Phương
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: