Vẻ đẹp ở ngay trong cuộc sống

Cập nhật: Thứ hai 08/11/2021 - 15:03
 Du lịch cưỡi trâu ở làng ven đô Hội An. Ảnh: DƯƠNG PHÚ TÂM.
Du lịch cưỡi trâu ở làng ven đô Hội An. Ảnh: DƯƠNG PHÚ TÂM.

Bên cạnh các điểm đến nổi tiếng là di sản thế giới Hội An, Mỹ Sơn..., trong nhiều năm qua, tỉnh Quảng Nam còn thiết kế nhiều điểm du lịch cộng đồng tạo chuỗi điểm đến giúp khách du lịch hòa cùng không gian địa phương, tai nghe mắt thấy nét riêng của nhiều làng quê, cộng đồng.

Quảng Nam đang trong những ngày khấp khởi chờ đón khách du lịch trở lại nghỉ ngơi thả hồn bên bến sông, chênh chao theo những con đò. Ðã lâu rồi thì phải, đò cùng sông nhớ khách.

Vẻ đẹp trong mắt người du lịch

Một lần đi làm sớm, tôi đã đi xuyên qua cánh đồng lúa ngoại ô phố cổ Hội An. Sớm mát lạnh trong ruộng lúa trĩu bông đón nắng vàng từ phía biển. Bỗng, tôi bị kẹt lại giữa đồng. Trước mặt, có bốn con trâu đang được người dân dắt đi ngược chiều. Tôi dừng lại, né vào một bên. Và tại thời điểm đó có hai vị khách nước ngoài đi bộ cũng phải dừng lại. Chúng tôi chào nhau bằng một nụ cười. Qua làm quen, trò chuyện mới biết, hai vị khách người Australia, là vợ chồng, nghỉ hưu dài ngày tại Hội An. Hỏi họ đi tập thể dục hay đi đến nhà ai bên xóm? Họ nói, họ đi xem lúa và rồi người phụ nữ nhìn ra cánh đồng, buông câu tiếng Anh: "A beautiful country!" (Một đất nước thật đẹp).

Tôi nhìn hàng cau, lũy tre thấp thoáng làng xa. Có lẽ khung cảnh bình dị đó với tôi đã quá quen thuộc bấy lâu nhưng hóa ra lại là điều hấp dẫn trong mắt những du khách và lời khen của nữ du khách đó khiến tôi nhận ra vẻ đẹp ngay trên lối đi của mình.

Ðồng quê "xây dựng thương hiệu" về vẻ đẹp của mình ngay trong từng mùa của nó. Ao sâu, mùa đông hoa súng, ruộng trũng mùa hạ hoa sen. Và lúa, cây lương thực mà chúng ta quá quen thuộc thì ở những quốc gia ăn bột mì họ chưa được biết lúa. Dọc dòng Thu Bồn và nhiều sông khác ở Quảng Nam thân thương với lũy tre xanh quanh năm gợi cho ta ký ức trưa hè mát mẻ hay những ngày cuối thu lũ lớn dâng tràn, nhận ra làng mình qua lũy tre chới với.

Vẻ đẹp của lũy tre là thân gầy, sức sống dẻo dai. Tre đưa hồn người về quá khứ xa xưa nghèo khó với nhiều vật dụng tạo tác bằng tay thơm mùi khói, ấm gian nhà. Quá khứ ấy, vẻ đẹp, cũng là nguyên liệu đánh thức những bàn tay tài hoa trong làng, ngoài xóm đan lát rổ, rá, nơm, lờ, đó,... Thứ dùng cho sinh hoạt, thứ dùng đánh bắt cá tôm. Và nhiều bức ảnh chiếc xe đạp cồng kềnh các sản phẩm tre nứa bán dạo trong chiều quê trong veo.

Nhìn ngọn tre thấy điểm nâng đỡ cánh cò. Nhìn thân tre già cứng cáp liên tưởng sân khấu Bài Chòi. Nhìn lũy tre uốn lượn thấy làng quê thấp thoáng, thổn thức nội tâm.

Trong hơn một năm qua, phải nói trong rủi có may, nhiều người đã phải cách ly cộng đồng ở yên một chỗ dài ngày, và một nỗi thèm muốn đến nơi ít người hơn, êm đềm hơn, bình dị hơn... để "tôi được là chính tôi" hơn như một hồi chuông sang canh đang điểm cho du lịch cộng đồng khởi phát những điểm mới.

Du lịch cộng đồng là dựa trên nền tảng đã có sẵn, chỉ cần cấp cho thêm một nội dung có ý nghĩa mang tính địa phương. Theo ý tưởng này, năm 2020, ông Lê Quốc Việt, Giám đốc Hoteljob đã cùng một nhóm bạn bè chung ý chí cùng nhau xây dựng Chợ phiên làng chài Tân Thành (Hội An). Chợ đã họp vào mỗi cuối tuần năm trước đến đầu năm nay. Nói về du lịch làng, trải nghiệm homestay hướng đến khách nội địa và quốc tế, ông Việt cho biết: "Việc cấp thiết tạo nên bước đột phá cho du lịch Hội An trước mắt và phát triển cho mai sau là phải xây dựng sản phẩm du lịch mới ngay từ hôm nay, đáp ứng nhu cầu tinh thần, hướng đến tính nhân văn cho cộng đồng".

"Du lịch cộng đồng, du lịch làng quê sẽ là mục đích hướng đến của nhiều người kinh doanh và làm việc trong ngành du lịch bấy nay. Và cũng may mắn, tốc độ đô thị hóa của nước ta quá muộn và chậm, nên tiềm năng lại thấy rất nhiều" - ông Việt nói.

Câu chuyện về du lịch gần đây cho thấy, từ một làng chài vô danh đã trở thành điểm đến cho nhiều người trong nước cũng như khách nước ngoài đến thăm chơi. Ðiều làm nên sự thay đổi đó chỉ nhỏ thôi, là những tranh vẽ trên tường rêu, dưới mái nhà thâm nâu, kể câu chuyện thường nhật của làng quê bên bờ biển. Ðó là làng tranh bích họa Tam Thanh (Tam Kỳ, Quảng Nam), một thí dụ sinh động về du lịch cộng đồng. Hay như chuyện làng Bhơ Hôồng (xã Sông Côn, huyện Ðông Giang, Quảng Nam). Nhờ vị thế ngôi làng còn bảo tồn khá nguyên vẹn các giá trị văn hóa, kiến trúc của người Cơ Tu, du lịch làng Bhơ Hôồng đi vào hoạt động từ năm 2013 và trở thành điểm tham quan hấp dẫn du khách... Một vài thí dụ vậy để thấy rằng, du lịch cộng đồng còn rất nhiều tiềm năng và cơ hội.

Du lịch cộng đồng từ góc nhìn thực tiễn

Trong nhiều năm qua, tỉnh Quảng Nam đã định hướng hoạt động du lịch không chỉ tập trung xoay quanh khu phố cổ, điểm đến mà được mở ra ở các làng nghề, làng quê mới hấp dẫn hơn, tác động của du lịch cộng đồng kích thích các làng nghề, làng quê đang kém phát triển có thêm cơ hội. Phát triển du lịch cộng đồng gắn với lưu trú homestay hướng ra không gian vùng ven phụ cận phố cổ sẽ góp phần mở rộng không gian phát triển, du lịch.

Bên cạnh sự cổ kính, độc đáo của phố cổ Hội An, sự ồn ào của các đô thị là những làng quê có bán kính trên dưới 100 km đã được thiết kế cho du lịch, như đồi chè Ðông Giang, hồ Phú Ninh, hòn kẽm Ðá Dừng... Bên cạnh sự đối lập giữa cao cấp, xa xỉ của những khu nghỉ dưỡng, qua những làng quê khách được trở về với sự yên tĩnh, trong lành. Du lịch làng quê mộc mạc, thắm đượm tình cảm cộng đồng. Các chi phí, giá cả khi tham quan du lịch cộng đồng lại thấp hơn, hợp túi tiền của nhiều đối tượng khách.

Nếu đi dọc dòng sông Thu Bồn về phía thượng nguồn sẽ không chỉ bắt gặp những bến sông nên thơ mà còn có thể nhìn thấy, giao lưu với nhiều người dân lao động tần tảo trên cánh đồng, bên hiên nhà. Và món quà của sản phẩm du lịch cộng đồng là nụ cười chân chất của người dân trao cho bạn. Một trải nghiệm gần đây của tôi và bạn bè, xin kể. Ðó là vào tháng 5/2021, đưa bà Erica, người Mỹ, sống ở Hội An, ngược lên miền núi Tiên Sơn, Tiên Phước thăm nhà một họa sĩ. Khi về, bà Erica nhận xét: "Ðó là một vùng nông thôn khó tìm. Nhưng trên đường đi và trở về, tôi thấy ai cũng cười. Ví như một chị đạp xe đạp nặng lên dốc, vậy mà vẫn cười".

Trở lại với phố cổ Hội An, hơn năm qua du lịch các làng nghề ven phố cổ, ven sông Thu Bồn mất đi nguồn thu từ bán vé, nhiều nhà mất thu nhập từ bán hàng. Trong tuần qua, Hội An đã bắt đầu có khách đến, một số khách sạn cũng tổ chức lau dọn buồng phòng, chuẩn bị những công việc cụ thể để khởi động đón khách trở lại. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An Nguyễn Văn Lanh cho biết: "Hội An không thể "đóng cửa" mãi được, thành phố sẽ từng bước mở dần các hoạt động du lịch dịch vụ, lấy thị trường nội địa làm cứu cánh và sẽ tổ chức các chương trình kích hoạt du lịch trong nước, thu hút khách nội địa, tranh thủ nguồn khách quốc tế đang sống ở các thành phố lớn trong nước đến với Quảng Nam".

Là người suy nghĩ nhiều về du lịch trong các phân khúc thị trường, cung cách phục vụ..., Phó Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin Hội An, Phạm Thị Ngọc Dung bày tỏ: "Ðể mở cửa trở lại các hoạt động du lịch, Hội An đang tập trung cải thiện môi trường du lịch, xây dựng và nâng cấp sản phẩm". Hiện thành phố đang tập trung sắp xếp trật tự kinh doanh tại các điểm đến và hoạt động ghe bơi vận chuyển du khách trên sông. Ông Phạm Vũ Dũng, Giám đốc Công ty Du lịch dịch vụ Hoa Hồng, đại diện nhóm doanh nghiệp "Thức giấc Hội An" cho hay: "Thị trường nội địa là thị trường mục tiêu trước mắt và trung hạn. Ðể đón khách, Hội An cần có kịch bản an toàn, nâng cấp các sản phẩm mang bản sắc riêng,…".

Du lịch Quảng Nam sẽ khởi đầu thời kỳ mới ra sao? Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Võ Phùng cho rằng: "Cần chú trọng các sản phẩm mang bản sắc riêng có và phải tổ chức quảng bá bài bản. Về phía Hiệp hội sẽ có kế hoạch cụ thể vận động các chi hội, doanh nghiệp tham gia chương trình kích cầu".

Trong mấy năm qua, ngoài những điểm đến là di sản, du lịch Quảng Nam hướng mạnh về du lịch sinh thái, cộng đồng như du lịch trải nghiệm làm nông dân tại làng rau Trà Quế, du lịch cưỡi trâu lội đồng, thăm làng nghề dệt lụa ven sông, du lịch phế tích như lò gạch cũ, tháp Chăm nhỏ lẻ ở huyện Duy Xuyên... Thông tin phản hồi từ những gia đình, doanh nghiệp làm du lịch cộng đồng cho biết, khách nội địa là những người còn trẻ.

Du lịch sinh thái cộng đồng có thể phát triển tốt hơn không? Anh Bùi Văn Thắng - một hướng dẫn viên du lịch tự do ở Hội An cho biết: "Ðây là mảng du lịch đến với thiên nhiên, là một trải nghiệm khám phá không quá tốn kém cũng không phải chen chân, chạm người mà năm qua không ai muốn. Và tôi nghĩ du lịch cộng đồng là lựa chọn sắp tới của nhiều người".

Với những điểm đến trong cộng đồng được thiết kế lâu nay và đang tiếp tục được nhân rộng, Quảng Nam còn có lợi thế khác, với địa hình biển không xa núi, núi không xa đảo, con người cũng thuần phác, sẽ là điểm đến cho nhiều người lựa chọn.


Theo Báo Nhân dân
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: