Mong muốn được gắn kết và lan tỏa niềm tin cuộc sống

Cập nhật: Thứ tư 15/09/2021 - 07:05
 Anh Dương Văn Bình (người ôm bó hoa) tham dự Chương trình Hành trình khát vọng do Truyền hình quốc phòng Việt Nam tổ chức tháng 7 năm 2021.
Anh Dương Văn Bình (người ôm bó hoa) tham dự Chương trình Hành trình khát vọng do Truyền hình quốc phòng Việt Nam tổ chức tháng 7 năm 2021.

“Trong suốt 10 năm tham gia công tác xã hội về người khuyết tật (NKT), làm việc với Hội nạn nhân chất độc da cam Thành phố Sông Công, tôi đã được đi, đến thăm và chứng kiến các nạn nhân, những người cùng hoàn cảnh giống tôi, nhưng họ lại khổ hơn tôi. Tôi còn nói, nghe, nhìn, hát, đi được, nhưng họ thì khác. Họ có tai nhưng không thể nghe, có mắt nhưng không thể nhìn, có miệng nhưng không thể gọi mẹ, có chân nhưng không thể đi, cùng hoàn cảnh như tôi nhưng họ không được làm cha, làm mẹ và xung quanh tôi còn có nhiều người khổ hơn thế”.

Đó là tâm sự của anh Dương Văn Bình, Chủ tịch Hội NKT Thành phố Sông Công. Năm nay anh 45 tuổi, gia đình trú tại tổ dân phố Khu Yên, phường Bách Quang, Thành phố Sông Công. Anh được sinh ra và lớn lên trong một gia đình có 4 anh chị em đều dị tật do bị di nhiễm chất độc hoá học từ người cha; một người em ngay dưới anh do bệnh nặng đã mất sau 2 năm. Bản thân anh bị dị tật, 2 chân bị teo và bị qoẹo ra phía sau, lưng bị gù, cong cột sống.

Là một đứa trẻ thích học, ham học và muốn được học nên không vì mấy ánh mắt khinh thường, xa lánh của người đời, lời nói chê bai của họ mà anh giảm nghị lực. Con đường tới cái chữ của anh phải đổi bằng máu và những vết trai sạn trên đôi chân lê bò tới trường. Anh luôn nghĩ theo hướng tích cực, lạc quan để yêu đời hơn. Tiếp xúc lâu dần, bạn bè, mọi người cũng có cái nhìn thiện cảm và giúp đỡ anh nhiều hơn, tiếp thêm động lực để thực hiện ước mơ.

 Nguồn động lực đó đã thôi thúc anh vượt qua những khó khăn tưởng chừng như không thể. Được gia đình, bạn bè, thầy cô động viên, anh đã phấn đấu hết mình để vượt lên số phận. Được bố mẹ chăm sóc, sau bao năm bò lê trên con đường đến lớp, dần dần anh đã đứng dậy và đi lại được bằng đôi chân bé nhỏ của mình, hoàn thành chương trình phổ thông trung học và đi học nghề, rồi tốt nghiệp trường Cao đẳng Bách khoa Hà Nội.

Hai năm bươn trải, đi làm thuê ở Hà Nội đã giúp anh tích lũy được chút kinh nghiệm về sửa chữa đồ điện dân dụng. Năm 2001, anh trở về quê hương Sông Công để lập nghiệp. Tuổi 20 với bao ước mơ, được đi làm, có công việc ổn định, có hạnh phúc, được yêu.. có lẽ chỉ là xa vời với anh. Lại một lần nữa, những cái nhìn về nạn nhân da cam, về NKT của người đời; họ ái ngại và e dè xa lánh, có cái nhìn không thiện cảm làm anh suy sụp tinh thần.

Anh Dương Văn Bình tích cực tham gia các hoạt động xã hội, nhân đạo và từ thiện trên địa bàn. Trong ảnh: Anh Bình cùng đại diện một số ban, ngành, đoàn thể của Thành phố Sông Công và các nhà hảo tâm trao nhà tình thương cho hai mẹ con chị Đỗ Thị Thủy (là NKT nặng, nuôi con đơn thân), xóm Trung tâm, xã Bình Sơn (tháng 7 năm 2020).

Nhờ có gia đình, cha mẹ, hội nạn nhân chất độc da cam Thành phố Sông Công đã tiếp thêm sức mạnh, giúp anh vượt lên bằng nghị lực và kiến thức đã được học. Không chỉ tự hành nghề sửa chữa đồ điện tử, anh còn dậy nghề cho một số đối tượng là nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam và NKT để họ có thể tự mình nỗ lực vươn lên. Và anh đã lập nghiệp thành công bằng chính nghề sửa chữa đồ điện tử.

Tình yêu đôi lứa cũng đã đến với anh, một người con gái vượt qua sự khuyên bảo của rất nhiều người, quyết tâm đến với anh để xây dựng một tổ ấm gia đình hạnh phúc trong niềm vui của gia đình và bạn bè. Hạnh phúc có mái ấm gia đình, được bạn bè vun đắp, đến nay vợ chồng anh đã có 3 cháu, một trai, hai gái, mạnh khỏe, ngoan và học tập tốt. Vợ chồng anh cũng đã dần dần ổn định kinh tế, tuy phía trước còn rất nhiều khó khăn.

Để tiếp tục vươn lên trong cuộc sống, năm 2011, với số vốn ít ỏi vay mượn được, vợ chồng anh đã xây dựng một khu để chăn nuôi lợn nái sinh sản và lợn thịt. Đến năm 2014, vợ chồng anh lại mở thêm một cơ sở may, thu hút anh em, bạn bè cùng cảnh ngộ vào làm việc. Hàng may mặc gia công đồng phục học sinh, chăn, ga, gối của cơ sở gia đình anh luôn ổn định.

 Năm 2020, được sự quan tâm từ chính sách trợ giúp cho nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam, NKT, vợ chồng anh lại mạnh dạn chuyển đổi từ mô hình chăn nuôi lợn sang mô hình chăn nuôi bò với hy vọng sẽ mở rộng mô hình, tạo thêm việc làm cho nhiều NKT, nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam trên địa bàn Thành phố.

Nói về anh Dương Văn Bình, Bà Nguyễn Thị Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội bảo trợ NKT và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh cho biết: Anh Bình là NKT tiêu biểu của tỉnh những năm qua, luôn nỗ lực vượt lên trước số phận, đồng thời động viên, giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ tự tin hòa nhập cộng đồng.

Anh Dương Văn Bình vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam tháng 11 năm 2020.

Anh đã được nhận nhiều giấy khen của các cấp, Bằng khen của tỉnh và sẽ được tiếp tục biểu dương, khen thưởng tại hội nghị biểu dương NKT, trẻ mồ côi và người bảo trợ tiêu biểu của tỉnh lần thứ II trong những ngày sắp tới. Anh vinh dự là một trong 2 NKT đầu tiên trên địa bàn tỉnh được kết nạp vào Đảng (tháng 11 năm 2020).

Tâm sự với chúng tôi, anh bộc bạch: Là những nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam thế hệ thứ hai, chúng tôi luôn mong muốn các cấp, các ngành, chính quyền đoàn thể của địa phương tạo điều kiện hỗ trợ, giúp đỡ để chúng tôi có thể tham gia tích cực vào các hoạt động xã hội và thể hiện các quyền của mình. Chúng tôi mong muốn trong mái nhà chung của cộng đồng xã hội sẽ không có sự phân biệt đối sử, kỳ thị với nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam cũng như NKT mà luôn có sự hòa nhập bình đẳng trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Ngoài những sẻ chia, hỗ trợ chính sách, anh còn mạnh dạn đề xuất, mong muốn các cấp, các ngành tạo điều kiện cho ước mơ của những NKT là được thành lập một Trung tâm đào tạo và giới thiệu việc làm, thành lập câu lạc bộ Văn hóa - Thể thao cho NKT được nâng cao đời sống cả về vật chất cũng như tinh thần, được hỗ trợ sinh kế, mong muốn được tăng cường gắn kết và lan tỏa niềm tin cuộc sống.

Hà Phương
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: