Một đảng viên người Mông năng động
Ông Lầu Văn Vừ (bên phải) tham gia giám sát đơn vị thi công mở đường trục của xóm. |
"Ngày còn trẻ, vì ham học nên tôi được bố mẹ cho đi học bổ túc văn hoá hết lớp 4. Tôi đi học vào buổi tối, từ nhà đến lớp học mất hơn 7 cây số đường núi. Nhờ có chữ, tôi được tham gia làm công tác Đoàn thanh niên ở xã, rồi được cấp trên tin tưởng, nhân dân tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch UBND xã Thỉnh Thôn - nơi tôi sinh ra…"...
Ông Lầu Văn Vừ là người Mông đầu tiên từ tỉnh Cao Bằng về xóm Phú Thọ, xã Phú Đô (Phú Lương) lập nghiệp. Ông kể: Ngày còn trẻ, vì ham học nên tôi được bố mẹ cho đi học bổ túc văn hoá hết lớp 4. Tôi đi học vào buổi tối, từ nhà đến lớp học mất hơn 7 cây số đường núi. Nhờ có chữ, tôi được tham gia làm công tác Đoàn thanh niên ở xã, rồi được cấp trên tin tưởng, nhân dân tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch UBND xã Thỉnh Thôn - nơi tôi sinh ra… Tiếng làm cán bộ lãnh đạo xã, nhưng gia cảnh khó khăn, nên sau 12 năm (từ 1984 đến 1996), ông xin nghỉ việc để đưa gia đình về vùng đất bốn bề rừng núi bao quanh này sinh sống. Hành trình hạ sơn của ông và gia đình đầy gian nan, cực nhọc. Ông đã bán hết toàn bộ gia sản ở quê nhà, song số tiền lận lưng vừa đủ để mua khoảng 7.000m2 đất nương, ruộng, đất chè và một ngôi nhà cũ 4 gian. Ông kể: Để cuộc sống ổn định, chúng tôi tranh thủ đi nương tra hạt lấy bắp, mua cây lâm nghiệp về trồng rừng trên vạt đất dốc, đồng thời học thêm công việc cấy lúa, làm chè và đầu tư vốn phát triển chăn nuôi.
Cùng thời gian, các hộ người Mông theo ông Vừ về đây lập nghiệp ngày một nhiều. Để các hộ yên tâm định cư, định canh, cùng chung sức xây dựng làng xóm, ông Vừ đi lại như con thoi, khi lên nương, lúc xuống bãi để vận động bà con không đốt phá rừng, cùng hỗ trợ nhau công sức lao động, tiền bạc dựng nhà, mua sắm nông cụ sản xuất. Hầu hết các hộ người Mông trong lũng núi này đều có đất trồng chè, trồng ngô, trồng rừng, đất ruộng cấy lúa và chăn nuôi trâu, bò, nhưng manh mún, nhỏ lẻ, chưa tạo thành hàng hoá. Ông Vừ nghĩ: Mình là đảng viên, mình phải có trách nhiệm vận động bà con cùng làm chè an toàn, cấy lúa, trồng ngô giống mới cho năng suất cao và chăn nuôi thêm gia súc, gia cầm. Năng nổ, nhiệt tình, luôn sẵn lòng chia sẻ với bà con về những kinh nghiệm sống, kinh nghiệm sản xuất, nên ông được bà con tín nhiệm bầu làm Trưởng xóm, rồi Bí thư Chi bộ.
Việc “quàng” lên vai, ông thấy mình có trách nhiệm hơn với bà con. Ông đề nghị cán bộ lãnh đạo xã quan tâm hơn tới đồng bào người Mông Phú Thọ. Đề nghị địa phương ưu tiên cho bà con người Mông được tham gia nhiều lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi và tạo điều kiện cho bà con được vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách Xã hội. Nhờ được tiếp cận với kiến thức sản xuất mới, bà con người Mông Phú Thọ đã nhanh chóng thuần thục việc trồng ngô giống mới, cấy lúa cao sản và sản xuất, chế biến chè theo tiêu chuẩn VietGAP. Ông chia sẻ: Ngày mới về đây, hầu hết các hộ người Mông đều lo ăn từng bữa. Nhưng nay, ngô lúa không chỉ đủ ăn, mà còn sử dụng cho chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Nhiều người Mông xóm Phú Thọ bảo: Cuộc sống đời thường, ông Vừ là tấm gương. Ông có 4 người con, trong đó, 1 người là cán bộ trong ngành Công an; 1 người là cán bộ trong Quân đội. Về phát triển kinh tế gia đình, ông là bậc thầy ở xóm về làm chè an toàn. Còn về chăn nuôi, vỗ béo trâu, bò, chỉ cần nghe tiếng sừng con vật cọ vào gióng chuồng, ông biết chúng đang thèm muối, thèm cỏ hoặc cần được bổ sung khoáng chất phù hợp. Hầu hết các hộ người Mông xóm Phú Thọ đều được ông chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi, vỗ béo trâu, bò để xóa nghèo. Điển hình như các hộ: Lý Văn Thành, Lý Văn Sinh, Lý Văn Bình, Sùng Văn lý… Các hộ này duy trì đàn vật nuôi từ 5 đến 10 con trâu, bò trong chuồng. Để bảo đảm có đủ thức ăn cho vật nuôi, ông vận động bà con tận dụng các khu đất đồi, bãi, đất bờ rào để trồng cỏ Voi, cỏ VA 06, cỏ Ruzi... Ông tâm đắc: Các loại cỏ này không kén đất, đặt xuống là ngoi mầm, lá tốt, trâu, bò thích ăn.
Ở xóm, ai có việc gì cũng đến đề nghị ông cho ý kiến. Vì lẽ đơn giản, ông nhiệt tình, luôn sẵn sàng giúp đỡ mọi người. Ông vận động bà con phải tích cực trồng rừng, bảo vệ rừng giữ nguồn nước; tích cực sản xuất nhiều ngô, chè, phát triển đàn vật nuôi, không nên đi theo “tà đạo” Dương Văn Mình. Với đồng bào người Mông, lời ông nói như nước đầu nguồn suối làm mát gan ruột, ai cũng thích nghe. Năm 2014, Nhà nước hỗ trợ cho xóm làm 2km đường bê tông. Đường mòn cũ nhỏ hẹp, đi lại khó khăn, cần phải mở rộng từ 2,5m lên 3,5m. Việc này liên quan đến đất đai của hơn 30 hộ người Mông. Nhưng nghe ông tuyên truyền, vận động, bà con hăng hái hiến đất cho đơn vị thi công làm đường. Rồi việc xây dựng Nhà văn hoá xóm năm 2018, tuy hầu hết các hộ kinh tế chưa dư dả, nhưng thấy ông công tâm, dân chủ, rõ ràng về tài chính nên bảo nhau đóng góp 1,2 triệu đồng/hộ.
Bên ấm trà, ông rủ rỉ trò chuyện với chúng tôi về cuộc sống của người Mông xóm Phú Thọ. Từng câu, từng từ thật như cây rừng, đá núi. Tôi nhìn lên tường nhà, thấy ông được nhận nhiều Giấy khen của huyện, xã. Và treo trang trọng nhất là tấm Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng, và tấm Bằng khen của UBND tỉnh tặng ông - Người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số giai đoạn 2014-2019.