Tỷ phú bên chân đèo Nhâu
Ông Nguyễn Minh Soạn thường xuyên duy trì tổng đàn dê 80 con. |
Từ trung tâm xã Văn Hán (Đồng Hỷ), đi thêm mấy khúc đường loắc ngoắc cua dốc, lọt qua mấy khe đồi giống đường vào cổng trời ở các tỉnh miền núi, chợt thấy một trang trại thoáng rộng hiện lên trước mặt, đó là cơ ngơi của ông Nguyễn Minh Soạn, xóm Na Đùm. Nhiều người dân ở khu vực chân đèo Nhâu, mạn thuộc xã Văn Hán và cả mạn xã Liên Minh (Võ Nhai) ở bên kia đèo, đều gọi ông là tỷ phú rừng xanh.
Bạc tỷ ông làm ra đều trông cậy vào sức lực, đôi tay chai sần và không quản thời gian làm việc đêm ngày. Ông rất ngại nói về mình, nhưng qua tuần trà thì mở lòng, chẳng giấu điều gì. Trong lúc trò chuyện, tôi nhận ra ông cũng như bao nông dân Việt Nam, trước lúc trở thành tỷ phú đều có một đoạn đời cơ cực, gian khổ. Với mơ ước mỗi ngày đều có gạo cho nồi bắc bếp, các con đi học không phải mặc quần túm, áo vá.
Thời trẻ trai, chưa bao giờ ông nghĩ mình sẽ làm chủ khu rừng lớn ở một vùng đất xa lạ. Bởi ông sinh ra ở Hiệp Hòa (Bắc Giang), quê hương có những con người tần tảo, năng động không cam chịu đói nghèo. Ông rủ rỉ: Tôi có thời gian phục vụ trong quân đội 5 năm (từ 17 tuổi đến 22 tuổi). Do lấy vợ sớm, nên khi xuất ngũ đã có 2 con. Nhìn cảnh nhà nhếch nhác, tôi theo bạn lên Thái Nguyên làm vàng. Sau gần 10 năm tìm kiếm vận may, tôi cũng có được chút vốn liếng rồi về quê “bồng bế” vợ con lên vùng đất bên chân đèo Nhâu này lập nghiệp.
Câu chuyện ông kể giống cảnh vợ chồng Mai An Tiêm trong kho tàng truyện cổ tích Việt Nam. Nhưng thuận hơn là vợ chồng ông còn có bà con người bản địa giúp đỡ, và hằng tuần mang măng ra chợ phiên bán lấy tiền mua dầu thắp, muối ăn. Ngày mới đến chân đèo Nhâu, vợ chồng ông chặt cây rừng làm lán ở. Hằng ngày, vợ chồng quật sức phát dọn nương bãi, sau gần 3 năm thì có được 2ha đất để chọc trỉa tra hạt mố. Chăm chỉ làm lụng và cuộc sống tằn tiện cũng có chút tích lũy. Khi ấy vợ chồng ông lại bỏ rừng chuyển ra trung tâm xã, dồn được 13 triệu đồng để mua lại 2ha đất đồi, 8 sào ruộng. Ông kể: Sau lần “di cư” ấy gia đình tôi sống cực khổ lắm. Mất 1 tháng giáp vụ, nhà chỉ đủ gạo thổi cơm cho các con, còn 2 vợ chồng phải ăn rau rừng trừ bữa. Da xanh mướt vì đói, nhưng không để các con thiếu cơm.
Ăn được 3 cái Tết nghèo thì ông biết ở cuối xóm Na Đùm có một gia đình muốn bán nhà, bán đất để chuyển vào miền Nam sinh sống. Ông quyết định bán hết tài sản của mình để lấy tiền mua lại. Ông kể: Con đường mòn hun hút dốc trơn nên nhiều người e ngại. Còn tôi nhìn thấy tương lai, vì biết đất đai rộng rãi, chỉ cần “nhặt cỏ” mang ra chợ bán cũng có tiền mua gạo. Từ sân nhà, ông Soạn khoát một vòng tay: Đất tôi mua lại được xác định ranh giới với các hộ lân cận bằng cách xem nước từ đỉnh đồi chảy về bên này. Lúc đó, cuối năm 1996, tôi mua hết 14 triệu đồng. Sau này làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới biết mình có trong tay hơn 36ha đất các loại.
Nhưng để đất đai sinh lời, vợ chồng ông phải đánh đổi bằng rất nhiều mồ hôi, công sức. Sau nửa tháng chặt cây làm lán ở, sạp nằm, vợ chồng ông tập trung thời gian cho việc cải tạo nương bãi. Do vốn liếng ít nên những năm đầu, vợ chồng ông chăm chút cải tạo một số khu đất để trồng trồng sắn, mố, ngô, gieo thêm hạt rau. Bãi đất thuận nước cải tạo làm ruộng cấy lúa; đoạn đất trũng đắp bờ trữ nước làm ao thả cá. Còn ít vốn ông mua thêm con trâu nái, chục con gà nhiếp, con lợn thả rông ở góc đồi, dưới gốc mấy cây bóng mát ông đặt thêm tổ ong rừng nuôi lấy mật cải thiện cuộc sống. Ông kể: Nhiều đêm nằm không ngủ được, nhìn qua mái nhà thấy ánh trăng sáng, tôi vùng dậy vác cuốc đào đất, hoặc mang dao đi phát nương. Có hôm làm tới sáng, ăn miếng sắn luộc lại tiếp tục làm việc.
Không phụ công sức người gieo hạt, chỉ sau ba vụ cấy, trong nhà ông, thóc, ngô, sắn cất đầy bồ; con trâu nái sinh hạ được nghé con; gà đã gần trăm con tìm mồi vàng cả góc vườn... Sự sống sinh sôi làm vùng đất bớt cảnh tịch mịch. Cuộc sống của gia đình ông cũng vơi đi nỗi khó nhọc. Để không phải nhìn thấy ánh trăng treo trên nóc nhà, ông bán bớt phần lương thực dư dôi, ra chợ huyện mua tấm bạt về phủ lên mái tránh mưa. Để có sân xi măng phơi thóc, ông mua xi măng, cát thuê xe chuyển đến đoạn “cổng trời”, về giết lợn, mổ gà nhờ hơn 20 bà con trong vùng đến khiêng, gánh vượt 1km đường mòn. Mất 2 ngày mới xong cái sân rộng chừng 100m2. Rồi tranh thủ ngày nông vụ thư nhàn, ông đạp xe về Bắc Giang mua cá giống bán cho các hộ ở 2 bên đèo Nhâu. Cá giống ông mua cân, nhưng khi bán tính theo đầu cá con, lời lãi có chuyến mang lại gấp 10 lần. Ông khoe: Tiền lãi có hôm mua được 1 chỉ vàng.
Năm 2000, ông đầu tư xây chuồng lợn. Ông cho biết: Nhìn con lợn thả rông gầy nhẳng như con chuột đói, tôi luận ra nếu không có chuồng trại chăn nuôi cẩn thận sẽ bị mất cả vốn gốc. Nên sau khi có chuồng nuôi nhốt, tôi mua lợn nái, lợn bột về nuôi. Do có đủ cám lại được nuôi trong chuồng sạch sẽ, lợn không mắc bệnh dịch, lớn nhanh, con nào cũng nặng trên 1 tạ. Trong thời gian từ năm 2000 đến năm 2008, đàn lợn trong chuồng lúc nào cũng có gần 20 con. 1 năm nuôi 2 lứa. Cùng lợn là đàn trâu 6 con. Cũng nhờ con lợn, con trâu và tiền bán lương thực dôi dư, năm 2002 tôi có tiền thuê máy múc, máy ủi san bạt trong 3 ngày thì thành đường từ ngoài xóm vào nhà.
Cũng trong những năm này, phong trào trồng cây ăn quả, chủ yếu là vải thiều phát triển mạnh, ông bàn với vợ bỏ vốn mua cây giống về trồng. Sau 3 năm, vườn vải gần 500 gốc có quả, song không hợp thổ nhưỡng nên không mang lại hiệu quả kinh tế như mong muốn. Ông phá cây ăn quả lấy đất trồng quế, trồng chè. Sau một chu kỳ, rừng quế được tư thương vào tận nhà mua hết. Song ông vẫn giữ lại 1 cây ngay đầu ngõ làm kỷ niệm. Hiện cây quế đã to như người ôm. Còn cây chè, để có giống, ông lên Nông trường chè Sông Cầu xin tự hái, mang về bóc vỏ lấy hạt trồng được 1ha.
Vần xoay theo mùa vụ, có những thứ cây, con dù đã gắn bó nhưng đành phải “dứt tình”. Ví như cây sắn, cây mố, rồi con trâu, con lợn giúp ông mở được đường cho ô tô từ ngoài xóm vào đến sân nhà. Năm 2008, ông thôi nuôi lợn, nuôi trâu chuyển hẳn sang chăn nuôi dê. Từ 6 con dê Bách Thảo ban đầu nhân dần lên quy mô 80 con. Dê đẻ bao nhiêu, nuôi bấy nhiêu. Những con nặng thịt tư thương vào tận nhà mua với giá 150.000 đồng/kg dê hơi. Cùng con dê là cây chè, cây lúa và con cá dưới ao. Còn các vạt đồi dốc, ông trồng keo, mỗi năm một vạt, chẳng mấy chốc cây keo đã xanh kín 34ha. Ông cho biết: Từ ngày vào đây lập nghiệp, tôi đã bán được 2 lứa rừng. Nhờ đó tôi làm được ngôi nhà gỗ Táu 5 gian, lợp ngói thay thế cái lán đậy bạt trước đây. Rồi thuê máy làm đường lên các khu rừng sản xuất. Tôi đã bỏ ra tiền tỷ để làm mới các tuyến đường trên khu đất của gia đình. Hiện tôi còn mua thêm tổng số gần 600m2 đất thổ cư tại xã để làm thêm nhà ở cho các con. Mới đây, tôi mua thêm 2 ô tô tải để phục vụ trồng rừng, thu hoạch rừng.
Bằng sức lao động bền bỉ, không ngại gian khó, vượt lên thiếu thốn, ông Soạn dần trở thành một tỷ phú rừng. Hơn thế, ngôi nhà ông ở trở thành địa chỉ cho nhiều nông dân trong vùng tìm đến tham quan, chia sẻ kinh nghiệm làm giàu. Ông Nguyễn Xuân Hiền, Chủ tịch UBND xã Văn Hán cho biết: Ông Soạn xứng đáng là một tấm gương nông dân vượt khó làm giàu. Cũng nhờ ông chia sẻ kinh nghiệm, cho vay vốn sản xuất không lấy lãi mà nhiều gia đình trong vùng đã có cuộc sống ổn định hơn.