Định Hóa: Người dân mong mỏi điều chỉnh quy hoạch rừng

Cập nhật: Thứ tư 25/05/2022 - 09:49
 Cán bộ Ban Quản lý rừng ATK Định Hóa phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra hiện trạng rừng tại xóm Khuổi Chao, xã Bảo Linh.
Cán bộ Ban Quản lý rừng ATK Định Hóa phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra hiện trạng rừng tại xóm Khuổi Chao, xã Bảo Linh.

Huyện Định Hóa cũng như nhiều địa phương khác trong tỉnh đang quản lý đất lâm nghiệp theo Quyết định số 1518 ngày 10/7/2014 của UBND tỉnh về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch 3 loại rừng trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên nhiều năm nay, quy hoạch có những điểm chưa phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn cho sản xuất và phát triển kinh tế.

Xóm Khuổi Chao, xã Bảo Linh là một trong những xóm được Lâm trường Định Hóa (nay là Ban Quản lý rừng ATK Định Hóa) giao quản lý trên 600ha rừng từ những năm 1990. Tuy vậy, đến năm 2014 trên 95% diện tích rừng của xóm được quy hoạch là rừng phòng hộ khiến việc phát triển kinh tế rừng của bà con gặp khó khăn.

Bà Nông Thị Điểm, Bí thư Chi bộ xóm Khuổi Chao cho biết: Hầu như toàn bộ 80 hộ dân vẫn dựa vào rừng là chính để phát triển kinh tế. Từ năm 1990, nhiều hộ trong xóm đã trồng và khai thác nhiều lứa keo, mỡ…. Do phần lớn diện tích đất lâm nghiệp đã được quy hoạch là rừng phòng hộ nên việc phát triển kinh tế rừng của người dân bị hạn chế.

Bảo Linh là xã có diện tích rừng sau rà soát thay đổi nhiều nhất của huyện Định Hóa. Theo quy hoạch năm 2014, xã có trên 2.100ha đất lâm nghiệp (chiếm 76% diện tích tự nhiên). Tuy nhiên, diện tích rừng sản xuất theo quy hoạch trước đó chỉ có 251,3ha (chiếm 12% đất lâm nghiệp), diện tích rừng phòng hộ là 627ha, còn lại trên 1.200ha là rừng đặc dụng.

Còn theo rà soát mới nhất của cơ quan chức năng, xã Bảo Linh sẽ được quy hoạch 348ha rừng đặc dụng, 1.257ha rừng phòng hộ, 230ha rừng sản xuất.

Ông Hoàng Văn Trường, Chủ tịch UBND xã Bảo Linh cho biết: Là địa phương vùng sâu vùng xa, lợi thế lớn nhất là điều kiện phát triển kinh tế rừng, nhưng phần lớn lại đang được quy hoạch rừng đặc dụng. Tỷ lệ hộ nghèo tạ xã hiện còn 30,77%, thu nhập trung bình 35 triệu đồng/người/năm. Nếu được phê duyệt quy hoạch theo rà soát mới thì nhân dân trong xã sẽ có nhiều thuận lợi để phát triển kinh tế rừng.

Còn đối với xã Điềm Mặc, diện tích rừng không lớn (khoảng 700ha) và cũng chỉ có khoảng 23% là rừng sản xuất, còn lại là rừng đặc dụng.

Ông Phùng Văn Đăng, Chủ tịch UBND xã Điềm Mặc cho biết: Trên địa bàn xã có 26 điểm di tích (8 di tích cấp Quốc gia, 2 di tích cấp tỉnh, 16 di tích chưa được xếp hạng). Diện tích rừng xung quanh các di tích được quy hoạch là rừng đặc dụng để bảo vệ cảnh quan, bảo vệ các di tích là hoàn toàn phù hợp. Tuy nhiên, trên địa bàn xã có rất nhiều hộ dân đang sinh sống, trồng rừng gần các di tích đã nhiều năm nay. Việc quy hoạch toàn bộ diện tích nhà ở, rừng đã được canh tác từ nhiều năm nay thành rừng đặc dụng gây khó khăn cho người dân trong phát triển kinh tế. Địa phương đã nhiều lần kiến nghị với các cơ quan chức năng thực hiện rà soát lại để điều chỉnh.

Theo kết quả rà soát 3 loại rừng gần nhất, toàn huyện Định Hóa có diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp khoảng 32.000ha (tăng trên 1.700ha so với quy hoạch năm 2014); diện tích rừng đặc dụng là 5.505ha (giảm trên 2.000 ha); diện tích rừng phòng hộ 9.957ha (tăng khoảng 1.000ha); diện tích rừng sản xuất là 16.558ha (tăng trên gần 2.8000ha).

Ông Nguyễn Đức Thắng, Trưởng Ban Quản lý rừng ATK Định Hóa cho biết: Đến nay, chúng tôi đã hoàn thành việc rà soát số liệu 3 loại rừng với mục đích nâng cao hiệu quả sử dụng đất, bảo đảm tỉ lệ che phủ rừng, phù hợp với thực tế tại địa phương... Sở dĩ quá trình rà soát diễn ra trong thời gian dài là do chúng tôi cần phối hợp với các ngành chức năng để tích hợp quy hoạch lâm nghiệp của huyện vào Quy hoạch tỉnh. Qua đó, không gây chồng chéo quy hoạch sử dụng đất giữa các ngành, tạo thuận lợi cho bà con phát triển kinh tế, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa.

Việt Dũng
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: