Giữ “linh hồn” thương hiệu chè Tân Cương
Lãnh đạo Sở Khoa học - Công nghệ kiểm tra vườn trồng cây chè trung du đầu dòng tại vùng chè Tân Cương (T.P Thái Nguyên) đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận, đăng ký mã số. Ảnh: T.L |
Chè trung du là giống chè bản địa, được ví như “linh hồn” tạo nên thương hiệu chè Tân Cương. Tuy nhiên, thời gian qua, do nhiều nguyên nhân khác nhau, diện tích chè trung du đang ngày càng bị thu hẹp. Nhằm giữ gìn giống chè này, Dự án “Bảo tồn và phát triển giống chè trung du nhằm giữ gìn và phát triển chỉ dẫn địa lý Tân Cương cho sản phẩm chè của Thái Nguyên” đã được Sở Khoa học - Công nghệ (KH-CN) triển khai thực hiện và đạt nhiều kết quả khả quan.
Về vùng chè Tân Cương (T.P Thái Nguyên), người dân vẫn truyền tai nhau câu chuyện về ông Đội Năm - ông Tổ nghề chè và câu chuyện lấy giống chè về trồng trên vùng đất này từ năm 1921. Chè thời đó là giống trung du và bao năm qua, người dân Tân Cương tiếp tục nhân giống bằng hạt, mở rộng, tạo nên vùng chè nức tiếng. Tuy nhiên, do trồng từ hạt và không được chọn lọc nên quần thể cây trồng không đồng đều, cùng với canh tác theo phương thức cũ, chè trồng từ 40-70 năm về trước nên có hiện tượng thoái hóa, năng suất thấp. Từ năm 2005 trở lại đây, người dân chuyển đổi sang trồng các giống chè lai khiến diện tích chè trung du ngày càng bị thu hẹp.
Ông Vũ Đức Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển KH-CN Thái Nguyên (Sở KH-CN), Chủ nhiệm Dự án cho biết: Trong vùng chè đặc sản Tân Cương gồm 6 xã Tân Cương, Quyết Thắng, Phúc Hà, Phúc Trìu, Thịnh Đức và Phúc Xuân của T.P Thái Nguyên, mức độ suy giảm diện tích chè trung du diễn ra nhanh, hiện tỷ lệ chỉ còn khoảng 20%, có những xã không còn hoặc còn rất ít chè trung du. Vì vậy, để giữ được nét đặc trưng của sản phẩm chè và giữ được bảo hộ chỉ dẫn địa lý Tân Cương, Dự án “Bảo tồn và phát triển giống chè trung du nhằm giữ gìn và phát triển chỉ dẫn địa lý Tân Cương cho sản phẩm chè của Thái Nguyên” đã được thực hiện.
Dự án được triển khai từ tháng 9-2017 với các mục tiêu: Điều tra, tuyển chọn cây chè trung du ưu tú; xây dựng mô hình vườn ươm từ nguồn hom cây chè trung du tốt; xây dựng mô hình trồng mới từ cây giống được nhân từ nguồn hom; xây dựng mô hình thâm canh cải tạo diện tích chè trung du hiện có năng suất thấp... Ông Nguyễn Mạnh Cường, cán bộ Trung tâm Phát triển KH-CN Thái Nguyên, Thư ký Dự án cho biết: Chúng tôi đã tuyển chọn được 42 cây chè trung du ưu tú của 68 hộ dân ở 5 xã thuộc vùng chè Tân Cương. Trong số này có 7 cây đã được Sở Nông nghiệp - PTNT cấp giấy chứng nhận cây chè trung du đầu dòng. Từ đây, chúng tôi lựa chọn cắt 7 vạn cành đạt tiêu chuẩn để giâm hom, thu được trên 6 vạn hom xuất vườn.
Người dân xóm Hồng Thái 2, xã Tân Cương (T.P Thái Nguyên) chế biến chè trung du. Ảnh: T.H
Đến tháng 7-2018, hơn 6 vạn hom chè trung du ưu tú đã được xuất vườn và trồng trên diện tích 3ha tại 4 xã: Tân Cương, Thịnh Đức, Phúc Trìu, Phúc Xuân. Đến nay, những diện tích chè này đã lên xanh tốt, cho thu hoạch. Bà Hà Thị Vinh, xóm Hồng Thái 2, xã Tân Cương cho biết: Trồng hơn 3 sào từ hom chè trung du được Dự án cấp, tôi nhận thấy tỷ lệ cây sống đến 95%, dễ chăm sóc, chống chịu sâu bệnh tốt. Đến nay, năng suất đạt khoảng 15 kg chè búp khô/sào/lứa, bán được từ 300.000-500.000 đồng/kg.
Bên cạnh bảo tồn, nhân giống những cây chè trung du ưu tú nhất, Dự án đã hỗ trợ người dân xây dựng mô hình thâm canh cải tạo diện tích chè trung du hiện có năng suất thấp, chè già cỗi quy mô 7ha tại 6 xã có chỉ dẫn địa lý Tân Cương, tập huấn cho gần 170 lượt người về kỹ thuật nhân giống, trồng trọt và thâm canh giống chè trung du. Chị Hà Thị Mỵ, cán bộ khuyến nông xã Tân Cương cho biết: Từ sự hỗ trợ của Dự án, người dân đã nâng cao kiến thức về chăm sóc giống chè trung du già cỗi. Từ đó, năng suất tăng thêm 5kg chè búp khô/sào/lứa; giá bán chè cũng tăng 15-20% nên bà con rất phấn khởi.
Tháng 9-2020, Dự án kết thúc. Không chỉ hoàn thành mục tiêu đề ra, Dự án đã góp phần tạo động lực để người dân trong vùng tiếp tục lựa chọn, mở rộng diện tích trồng giống chè trung du. Ông Nguyễn Thanh Dương, Giám đốc HTX chè trung du Tân Cương chia sẻ: Từ thực tế trồng chè lai và chè trung du, tôi nhận thấy năng suất chè trung du mặc dù thấp hơn chè lai một chút nhưng thời gian khai thác ổn định đến vài chục năm, cao gấp nhiều lần chè lai. Bên cạnh đó, chè trung du dễ chăm sóc, chống chịu sâu bệnh, điều kiện thời tiết khắc nghiệt tốt hơn chè lai. Về vị ngon của trà, mỗi người có một cảm nhận nhưng rất nhiều người ưa chuộng chè trung du vì nước trà có vị đậm, ngọt hậu, giữ được hương vị sau nhiều lần thêm nước. Cũng vì thế mà tôi và nhiều hộ dân quyết tâm giữ, nhân rộng giống chè trung du. Tuy nhiên, trước đây, chúng tôi vẫn gặp khó khăn trong việc tìm nguồn giống, nhân giống. Nhờ Dự án của Trung tâm Phát triển KH-CN Thái Nguyên, chúng tôi đã chủ động được nguồn giống chất lượng, nắm sâu hơn kỹ thuật chăm sóc để sản xuất hiệu quả hơn.
Có thể thấy, sự thành công của Dự án đã góp phần thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân vùng chè. Tuy nhiên, Dự án mới chỉ đạt được kết quả trên một diện tích nhỏ. Để giữ gìn và phát triển chỉ dẫn địa lý Tân Cương cho sản phẩm chè Thái Nguyên, cũng như bảo tồn hương vị truyền thống, bà con vùng chè cần chung tay, góp sức nhân rộng diện tích, nâng cao giá trị sản phẩm chè trung du, góp phần “chắp cánh” cho thương hiệu ngày càng bay xa.