Google chấp thuận cải thiện chương trình tuân thủ quy trình pháp lý

Cập nhật: Thứ năm 27/10/2022 - 07:26
 Biểu tượng Google trên màn hình máy tính bảng. Ảnh: AFP/TTXVN
Biểu tượng Google trên màn hình máy tính bảng. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 25/10, Bộ Tư pháp Mỹ thông báo đã đạt được thỏa thuận với Google trong việc giải quyết các khiếu nại liên quan đến việc mất dữ liệu phục vụ một lệnh khám xét hồi năm 2016.

Theo Bộ Tư pháp Mỹ, với thỏa thuận này, công ty con của tập đoàn công nghệ Alphabet Inc sẽ phải cải tổ quy trình pháp lý để đảm bảo phản hồi kịp thời và đầy đủ đối với các thủ tục pháp lý như trát hầu tòa và lệnh khám xét. Bộ Tư pháp Mỹ sẽ thuê một chuyên gia độc lập làm bên thứ 3 đánh giá những cải thiện của Google trong vấn đề này.

Trao đổi với báo giới, ông Kenneth Polite, Trợ lý Bộ trưởng Tư pháp và là người đứng đầu đơn vị chống tội phạm, cho biết cơ quan này cam kết đảm bảo các nhà cung cấp thông tin điện tử tuân thủ các lệnh của tòa án để bảo vệ và tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình điều tra tội phạm. Quan chức này khẳng định thỏa thuận trên thể hiện quyết tâm của Bộ Tư pháp Mỹ nhằm đảm bảo các công ty công nghệ như Google có phản hồi kịp thời và đầy đủ đối với quy trình pháp lý, qua đó góp phần đảm bảo an ninh công cộng và đưa những kẻ phạm tội ra xét xử.

Về phần mình, Google khẳng định vẫn luôn nỗ lực bảo vệ quyền riêng tư của người sử dụng và thỏa thuận này không làm thay đổi khả năng cũng như cam kết lâu này của công ty. Google cho biết đã chi hơn 90 triệu USD để bổ sung các nguồn lực, cải thiện hệ thống và nhân sự để cải thiện các chương trình tuân thủ pháp lý. Hãng cũng sẽ sớm tổng hợp và trình các báo cáo về việc nâng cấp chương trình tuân thủ quy trình pháp lý lên Chính phủ Mỹ.

Năm 2016, Mỹ nhận được lệnh khám xét ở bang California để thu thập dữ liệu được lưu giữ tại Google liên quan đến cuộc điều tra sàn giao dịch tiền điện tử BTC-e. Lệnh này được ban hành theo Đạo luật truyền thông được lưu trữ (SCA) quy định các nhà cung cấp thông tin điện tử như Google cung cấp thông tin liên lạc của khách hàng khi có lệnh của tòa án. Sau đó, Tòa phúc thẩm Mỹ phán quyết rằng các lệnh khám xét được ban hành theo SCA không bao gồm dữ liệu được lưu trữ bên ngoài nước Mỹ. Năm 2018, Quốc hội Mỹ đã làm rõ rằng các đối tượng phải tuân thủ SCA cũng bao gồm các nhà cung cấp Mỹ lựa chọn lưu trữ dữ liệu ở nước ngoài. Tuy nhiên, Chính phủ Mỹ cho biết trong khoảng thời gian giữa hai sự kiện trên, các dữ liệu phục vụ lệnh khám xét đã bị mất.


Theo baotintuc.vn
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: