Khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo: Cần thêm những giải pháp đồng bộ, căn cơ

Cập nhật: Thứ hai 13/06/2022 - 11:15
 Nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Công nghệ thông tin Thái Nguyên trao đổi về ý tưởng khởi nghiệp.
Nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Công nghệ thông tin Thái Nguyên trao đổi về ý tưởng khởi nghiệp.

Thực hiện Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025" (gọi tắt là Đề án 844), thời gian qua Thái Nguyên đã ban hành một số kế hoạch, chương trình, đề án, tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển các mô hình khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo (ĐMST). Tuy nhiên, để phong trào khởi nghiệp, ĐMST phát triển mạnh mẽ cần thêm những giải pháp đồng bộ, căn cơ hơn.

TS. Phạm Quốc Chính, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cho biết: Nhằm thực hiện hiệu quả Đề án 844, UBND tỉnh đã sớm ban hành kế hoạch về việc “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp, ĐMST tỉnh Thái Nguyên đến năm 2025”; HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 09/2019/NQ-HĐND quy định về nội dung và mức chi thực hiện hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp, ĐMST. 

Trong những qua, tỉnh đã  phối hợp tổ chức nhiều hội thảo liên quan đến thúc đẩy khởi nghiệp, ĐMST như: Hội thảo liên kết vùng, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, ĐMST vùng trung du miền núi phía Bắc; diễn đàn về khởi nghiệp cho thanh niên với chủ đề “Khởi nghiệp sao cho đúng”.

Đồng thời phối hợp với các cơ quan như Học viện Phụ nữ Việt Nam tổ chức tập huấn “Khởi nghiệp thông minh” cho phụ nữ; Trung tâm đào TSC-Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN tập huấn kiến thức về khởi nghiệp, ĐMST cho sinh viên, thanh niên, phụ nữ; Báo diễn đàn Doanh nghiệp-Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức tập huấn kỹ năng, cố vấn về khởi nghiệp, ĐMST cho doanh nhân, giảng viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh.

Đặc biệt, các cuộc thi như: “Ý tưởng khởi nghiệp Đại học Thái Nguyên” các năm 2017, 2018, 2019; “Ngày hội Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo” các năm 2018, 2019, 2020, 2021; “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp thanh niên tỉnh Thái Nguyên” năm 2019, 2021; “Ngày hội Khởi nghiệp ĐMST tỉnh Thái Nguyên” năm 2020; “Khởi nghiệp trên Thủ đô kháng chiến”; “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” lần thứ 4 năm 2021; “Khởi nghiệp trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0”… đã “kích hoạt” được nhiều ý tưởng sáng tạo.

Nhiều ý tưởng đã đoạt giải cao, được hỗ trợ kinh phí để khuyến khích xây dựng các nhiệm vụ về KH&CN, hoàn thiện sản phẩm thương mại hóa.

Có 2 ý tưởng của Đại học Thái Nguyên đăng ký thành công quyền sở hữu trí tuệ (1 bằng độc quyền sáng chế; 1 bằng độc quyền giải pháp hữu ích). Từ đó hình thành các doanh nghiệp khởi nghiệp, ĐMST, đơn cử như: Ý tưởng “Anti - HPpro sự khác biệt từ thiên nhiên” (Ý tưởng nằm trong top 10 Techfest Việt Nam năm 2017) được cấp bằng độc quyền sáng chế và được đưa vào Sách vàng sáng tạo Việt Nam năm 2019.

Dự án này đã được Quỹ Newton của Viện Hàn lâm kỹ thuật Hoàng gia Anh tài trợ thực hiện thương mại kết quả nghiên cứu tại Anh năm 2019 và hình thành Công ty CP Khoa học và Công nghệ SCITECH.

Ngoài tìm kiếm các ý tưởng khởi nghiệp, ĐMST thông qua các cuộc thi, chương trình phối hợp hỗ trợ khởi nghiệp, ĐMST giữa Sở KH&CN với một số đơn vị cũng đã khích lệ tinh thần khởi nghiệp của các tổ chức, cá nhân.

Từ năm 2019 đến nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã có 200 ý tưởng khởi nghiệp, trong đó có 38 ý tưởng tiêu biểu được chọn để trao giải, tôn vinh. Hay, Đoàn Thanh niên có trên 100 nghìn đoàn viên tham gia vào phong trào khởi nghiệp, ĐMST và có nhiều mô hình thành công, như: Mô hình viên nén mùn cưa của đoàn viên Nguyễn Huy Hưng (Phú Bình); mô hình sản xuất thương mại BIO-Organic của đoàn viên Lê Văn Hiếu (TP. Thái Nguyên)…

Lễ ký kết chương trình phối hợp hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST giữa Sở KH&CN với các đơn vị đến năm 2025.

Tuy đạt được những kết quả đáng ghi nhận, nhưng theo đánh giá của các chuyên gia trong lĩnh vực KH&CN, hoạt động khởi nghiệp ĐMST trên địa bàn tỉnh còn thiếu tính liên kết như: Hỗ trợ khởi nghiệp, ĐMST chưa có sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ngành, các trường đại học, cao đẳng, các doanh nghiệp lớn; chưa tiếp cận sâu rộng được với các mạng lưới khởi nghiệp quốc gia như chuyên gia, các nhà cố vấn, các quỹ đầu tư; việc thương mại hóa nghiên cứu khoa học đã được nghiệm thu, các sáng chế, kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học chưa phát triển mạnh...

Mới đây, Sở KH&CN  tổ chức Hội thảo “Kết nối hoạt động khởi nghiệp, ĐMST” nhằm tìm ra giải pháp thúc đẩy phong trào khởi nghiệp, ĐMST.

Nhiều ý kiến tâm huyết đã được đưa ra tại Hội thảo. Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, ông Phạm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội nói: Thực tế hiện nay nhiều doanh nghiệp có ý tưởng khởi nghiệp tốt nhưng thiếu vốn để hiện thực hóa, các doanh nghiệp cần được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, tỉnh cũng nên hình thành Quỹ phát triển doanh nghiệp KH&CN.

TS. Mai Anh Khoa, Phó Trưởng Ban KH-CN và Đối ngoại - Đại học Thái Nguyên cho rằng: Qua nghiên cứu, sáng tạo, sinh viên đưa ra nhiều ý tưởng hữu ích, ứng dụng tốt trong đời sống xã hội, nhưng để biến những sản phẩm nghiên cứu thành sản phẩm thương mại thì còn xa vời. Nên sản phẩm sáng tạo của sinh viên cần được kết nối với các doanh nghiệp tiềm năng để hiện thực hóa.

Còn bà Trần Thị Thu Hà, Trưởng Ban Gia đình xã hội-Kinh tế, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh thì bày tỏ: Cần tăng cường công tác truyền thông, tạo cơ hội cho phụ nữ tiếp cận với công nghệ thông tin, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực quản lý kinh tế cho hội viên phụ nữ…

Để thúc đẩy phong trào khởi nghiệp, ĐMST, ông Phạm Quốc Chính, Giám đốc Sở KH&CN cũng cho rằng cần có thêm các giải pháp đồng bộ, căn cơ hơn. Trong thời gian tới, Sở tiếp tục tham mưu với UBND tỉnh trong hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp, ĐMST. Đặc biệt là trong hỗ trợ chuyển giao công nghệ mới, nâng cao năng lực ĐMST cho doanh nghiệp; tăng cường truyền thông giúp lan tỏa mạnh mẽ hơn phong trào khởi nghiệp, ĐMST.

Sông Hương
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: