Tìm ra cách dùng gạo biến đổi gene để phòng ngừa HIV
Gạo biến đổi gene là nỗ lực mới nhất trong cuộc chiến kéo dài không hồi kết chống lại đại dịch HIV trên toàn cầu. Ảnh minh họa |
Kết quả của một nghiên cứu mới đây cho thấy, gạo biến đổi gene có thể là giải pháp giúp ngăn ngừa căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS.
Các nhà khoa học đến từ Mỹ, Anh và Tây Ban Nha đã giải thích kỹ thuật họ sử dụng để biến đổi gene của một chủng gạo nhằm sản xuất ra các protein trung hòa HIV. Đây là nỗ lực mới nhất trong cuộc chiến kéo dài không hồi kết chống lại đại dịch HIV trên toàn cầu.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, đến cuối năm 2017, khoảng 37 triệu người đã nhiễm HIV trên toàn cầu. Con số này tương ứng với khoảng 0,8% số người trưởng thành ở độ tuổi từ 15 đến 49. Châu Phi chiếm gần 2/3 số người nhiễm HIV, có nghĩa là cứ 1 trong 25 người trưởng thành mắc căn bệnh thế kỷ.
Năm 2017, 940.000 người đã chết vì các bệnh liên quan đến HIV. Việc điều trị HIV cũng đã đạt được một số tiến triển nhất định. Tại Mỹ, con số nhiễm HIV mới giảm từ 135.000 năm 1985 xuống còn 50.000 năm 2010.
Gạo biến đổi gene là nỗ lực mới nhất trong cuộc chiến kéo dài không hồi kết chống lại đại dịch HIV trên toàn cầu. Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn chưa có một vaccin nào dành riêng cho căn bệnh này. Do đó, thuốc uống điều trị và tuyên truyền phòng chống HIV vẫn là những phương thức phòng ngừa hiệu quả nhất.
Thuốc uống không phải lúc nào cũng có sẵn tại các quốc gia đang phát triển, do đó cần phải tìm thêm nhiều giải pháp khác. Chủng gạo mới này có chứa cùng các protein trung hòa HIV như trong thuốc uống, mở ra một hướng đi mới đầy tiềm năng trong phòng ngừa và tiến đến xóa bỏ HIV.
Loại gạo này sẽ sản xuất ra 2 loại protein và 1 loại kháng thể có thể bám vào virus HIV, ngăn chặn chúng tương tác với tế bào con người. Nó còn có thể được đưa vào một loại kem bôi ngoài da, từ đó các protein đặc biệt trong gạo sẽ đi vào cơ thể, bảo vệ con người khỏi virus HIV.
Gạo là một lựa chọn rất tốt dành cho các quốc gia đang phát triển, bởi người dân ở đây có thể trồng lúa và tự mình tạo ra loại gạo này để sử dụng. Nhờ đó, họ không cần phải đi đến một phòng khám để nhận các loại thuốc nhập khẩu từ một quốc gia khác. Các khu vực với tỉ lệ nhiễm bệnh cao nhất có thể tự mình tạo ra thuốc chữa cho chính căn bệnh của mình.
Tuy nhiên, trước khi giải pháp này có thể ứng dụng rộng rãi, các nhà khoa học sẽ phải khẳng định chắc chắn loại gạo mới không tạo ra bất kỳ chất gì có thể gây hại cho cơ thể, cũng như vượt qua được những rào cản về mặt pháp lý ở những quốc gia sử dụng.