Bảo vệ rừng tự nhiên, nông dân Ba Nhất nhận đa lợi ích
Thành viên HTX Ba Nhất tuần rừng, kiểm tra diện tích rừng tự nhiên được bảo vệ. |
Sau 6 năm được quản lý, bảo vệ bởi cộng đồng, 218ha rừng tự nhiên nằm trên địa bàn xóm Ba Nhất, xã Phú Thượng (Võ Nhai) có trữ lượng gỗ tăng thêm 20%, từ 15 nghìn m3 lên trên 18 nghìn m3. Rừng tự nhiên được bảo vệ cũng giúp phục hồi trữ lượng nước từ các khe, suối phục vụ đời sống và sản xuất nông nghiệp của người dân, đồng thời hứa hẹn đem lại nhiều nguồn lợi khác dưới tán rừng.
Huy động cộng đồng bảo vệ rừng
Cứ khoảng hơn một tháng, ông Lý Văn Sinh, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Ba Nhất lại cùng 6 thành viên khác tổ chức thành 3 nhóm đi tuần rừng, kiểm tra diện tích 218ha rừng núi đá tự nhiên nằm trên địa bàn do HTX nhận quản lý. Mỗi nhóm sẽ kiểm tra, đánh giá hiện trạng rừng, đồng thời ngăn chặn, vận động người dân không xâm phạm môi trường, bảo vệ nguồn lợi từ rừng.
Ngoài thời gian tuần rừng, các thành viên HTX Ba Nhất còn sẵn sàng tiếp nhận và xử lý “nóng” thông tin về hành vi xâm hại khu rừng. Những thông tin này được cung cấp bởi các thành viên HTX và người dân sinh sống lân cận khu rừng được bảo vệ.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Lý Văn Sinh nói: Từ năm 2016, khi HTX Ba Nhất nhận ủy quyền quản lý diện tích rừng cộng đồng này, chúng tôi đã được hỗ trợ bằng kinh phí từ Tổ chức phi chính phủ REED+, Trung tâm nghiên cứu và phát triển vùng cao CERDA (Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam) để quản lý, bảo vệ rừng, hướng tới mục tiêu hồi phục diện tích rừng tự nhiên đã bị xâm hại từ trước. Qua đó, chúng tôi đã phân công toàn bộ 145 thành viên của HTX tổ chức tuyên truyền để đông đảo bà con trong và ngoài xóm Ba Nhất, đặc biệt là những người trước đây hành nghề khai thác nguồn lợi rừng, cùng chung tay bảo vệ.
Đồng thời, HTX thành lập đội tuần rừng làm nhiệm vụ thường trực quản lý, bảo vệ rừng. Đối với trường hợp cố tình vi phạm, các thành viên HTX cương quyết kiến nghị ngành chức năng xử lý. Riêng năm 2016, năm đầu tiên HTX Ba Nhất tham gia bảo vệ rừng tự nhiên, đã có gần 10 trường hợp xâm phạm rừng được các thành viên phát hiện, phối hợp với ngành chức năng xử lý.
Kết quả của những nỗ lực đó là đến nay, toàn bộ diện tích 218ha rừng tự nhiên do HTX Ba Nhất quản lý đều phát triển tốt, đa dạng về thảm thực vật, cây gỗ lớn tăng trưởng về kích thước. Theo đánh giá của của Tổ chức REDD+ qua phương pháp tính mẫu, trung bình mỗi ha diện tích cây gỗ lớn tăng trưởng thêm 2m3 gỗ/năm. Từ trữ lượng ước tính khoảng 15 nghìn m3 gỗ lớn năm 2016, đến nay, trữ lượng gỗ trong diện tích rừng kể trên đã đạt hơn 18 nghìn m3 gỗ.
Sau 6 năm bảo vệ, đã có nhiều loại cây thuốc chữa bệnh dạ dày, xương khớp, an thần… tái sinh trong những cánh rừng tự nhiên thuộc địa bàn xóm Ba Nhất.
Đặc biệt, đã có nhiều cây gỗ quý tái sinh trên diện tích rừng này như: nghiến, lý, sến, mương… và các loại cây thuốc chữa bệnh dạ dày, xương khớp, an thần… Động vật dưới tán rừng cũng phong phú trở lại với nhiều loài chim, tắc kè, cầy, hon, sơn dương…
Thu lợi từ rừng tự nhiên
Tại khu rừng được bảo vệ, HTX Ba Nhất cũng ghi nhận mật độ cây xanh thuộc các tầng, lớp khác nhau phát triển ngày một phong phú. Kết quả này đem lại nhiều lợi ích đối với cộng đồng.
Anh Lý Quảng Đông, người dân sống liền kề với diện tích rừng được quản lý, bảo vệ, chia sẻ: Những cánh rừng nguyên sinh ở xóm Ba Nhất bị khai thác cạn kiệt vào đầu những năm 2000 đã kéo theo hệ lụy là thiếu nước gieo cấy bởi lượng nước đổ về từ các khe, suối trên núi giảm hẳn. Phải đến vài năm gần đây, lượng nước này mới dần được hồi phục. Tôi cho rằng đây là biểu hiện tích cực nhất của việc quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên của HTX Ba Nhất.
Không chỉ ghi nhận những tác động tích cực đối với cộng đồng dân cư sinh sống liền kề, khu rừng được bảo vệ còn được xem là “lá phổi xanh” tự nhiên điều hòa không khí, môi trường và những lợi ích này hoàn toàn có thể đem lại giá trị kinh tế cho HTX.
Theo ông Lý Văn Sinh, tại một số nước phát triển, các nhà máy sản xuất có phát thải khí các-bon ra môi trường đều phải đóng góp kinh phí bảo vệ, khôi phục môi trường bằng cách mua tín chỉ các-bon từ cộng đồng bảo vệ rừng. Một tín chỉ các-bon là chứng nhận có thể giao dịch thương mại và thể hiện quyền phát thải một tấn khí CO2 cho người sở hữu. Vì vậy, trong 2-3 năm tới đây, chúng tôi sẽ phối hợp với Tổ chức REDD+ đánh giá khả năng hấp thụ các-bon hằng năm từ diện tích rừng được bảo vệ. Từ đó, quy đổi ra tín chỉ các-bon để xuất khẩu ra các nước phát triển thông qua chính Tổ chức REDD+.
Theo ước tính sơ bộ, với 218ha rừng được bảo vệ, HTX Ba Nhất có thể được chứng nhận trên 10 nghìn tín chỉ các-bon mỗi năm và thu về hàng trăm triệu đồng nếu được bán ra thị trường quốc tế.
Trước mắt theo ông Sinh, để duy trì hoạt động, HTX sẽ xây dựng Đề án phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái tại khu vực bìa rừng, tổ chức các tour, tuyến tham quan rừng tại diện tích được bảo vệ... Song song với đó, HTX Ba Nhất cũng sẽ đánh giá cụ thể trữ lượng các loại cây thảo dược tái sinh trong rừng để có thể khai thác với sản lượng hợp lý nhằm phục vụ thị trường, đặc biệt là khách du lịch qua các bài thuốc chữa bệnh, thư giãn của người dân tộc Dao trong xóm.
Trao đổi với chúng tôi, bà Hoàng Như Hoa, Chủ tịch UBND xã Phú Thượng, cho biết: Nhờ hoạt động của HTX Ba Nhất, trên địa bàn xómnhiều năm nay không còn xảy ra nạn khai thác gỗ, săn bắt động vật, vận chuyển và buôn bán lâm sản trái phép. Việc giao rừng theo mô hình cộng đồng người dân quản lý rừng ngay tại nơi mình cư trú đã trở thành "cánh tay nối dài" cùng với chính quyền địa phương bảo vệ rừng hiệu quả. Thời gian tới, chúng tôi sẽ có phương án quy hoạch cụ thể để tiếp tục hỗ trợ người dân khai thác nguồn lợi kinh tế từ rừng tự nhiên một cách hợp lý. Qua đó, duy trì bảo vệ rừng bền vững.