Vướng mắc trong giải quyết thủ tục hành chính về đất đai:
"Bắt đúng bệnh, dùng đúng thuốc"

Cập nhật: Thứ năm 10/12/2020 - 10:14
 Thiết bị chuyên môn đặc thù trang bị cho cơ quan tài nguyên và môi trường để phục vụ giải quyết thủ tục hành chính về đất đai vẫn còn thiếu so với yêu cầu.
Thiết bị chuyên môn đặc thù trang bị cho cơ quan tài nguyên và môi trường để phục vụ giải quyết thủ tục hành chính về đất đai vẫn còn thiếu so với yêu cầu.

Đất đai hiện vẫn là lĩnh vực có nhiều đơn thư, ý kiến, kiến nghị của công dân, doanh nghiệp trong tỉnh về giải quyết thủ tục hành chính và các vấn đề liên quan khác. Mặc dù, Luật Đất đai năm 2013, các nghị định, thông tư, quyết định liên tục hướng dẫn về thực thi chính sách quản lý Nhà nước về đất đai nhằm từng bước tháo gỡ khó khăn, đáp ứng nhu cầu về sử dụng tài nguyên này để phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng… nhưng đất đai vẫn chưa hết “nóng”.

Đến thời điểm này, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo quyết liệt, đưa ra các giải pháp trọng tâm, trọng điểm để đẩy nhanh tiến độ, chất lượng giải quyết các thủ tục hành chính về đất đai trên địa bàn tỉnh. Theo đó, từ cuối năm 2019 đến nay, Văn phòng Đăng ký Đất đai tỉnh đã tiếp nhận tổng số trên 7 vạn hồ sơ và đã giải quyết trên 99.28 % số hồ sơ đúng hạn,tỷ lệ quá hạn chỉ chiếm 0,72% số hồ sơ.

Nhìn vào kết quả này thì thấy sự nỗ lực rất lớn của ngành Tài nguyên và Môi trường; chính quyền 9 huyện, thành, thị trong tỉnh. Nhất là trong năm 2020, ngành Tài nguyên và Môi trường; các địa phương trong tỉnh vừa phải cách ly xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, vừa phải giải quyết chuyên môn về lĩnh vực đất đai nhưng không để tồn đọng hồ sơ, không để xảy ra những sai sót lớn trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính.

Tuy nhiên, khi đánh giá toàn diện về quá trình, kết quả giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực đất đai thì vẫn còn nhiều điểm “tắc nghẽn” từ cấp xã đến cấp tỉnh, trong khi văn bản pháp lý không thiếu. Theo thống kê, hàng năm, có khoảng hơn 100.000 thủ tục hành chính về lĩnh vực đất đai cần giải quyết trên địa bàn tỉnh, nhất là ở những vùng trung tâm về phát triển kinh tế - xã hội, như: T.P Thái Nguyên, T.X Phổ Yên… trong khi điều kiện về con người, cơ sở vật chất, trang thiết bị chuyên môn đặc thù phục vụ công việc cho cơ quan tài nguyên và môi trường không đáp ứng được.

Do vậy, dù tập thể lãnh đạo, cán bộ, viên chức, người lao động của các đơn vị cung ứng dịch vụ công về lĩnh vực đất đai có nỗ lực, cố gắng nhưng vẫn còn hồ sơ quá hạn; nhiều thủ tục người dân, doanh nghiệp phải đi lại nhiều lần vẫn chưa nhận được kết quả. Bộ thủ tục hành chính lĩnh vực đất đai đã được cấp có thẩm quyền công bố theo hướng rút ngắn quy trình, thời gian giải quyết nhưng không có nhiều đơn vị cung ứng dịch vụ công về lĩnh vực đất đai trong tỉnh đạt được 100% về tiến độ thời gian, chất lượng.

Nguyên nhân khách quan là hệ thống cơ quan Văn phòng Đăng ký Đất đai một cấp trong tỉnh mới có 64 biên chế phân chia cho 10 đầu mối nên thiếu nhân lực trầm trọng, không được bổ sung kịp thời. Việc áp dụng công nghệ thông tin vào giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực đất đai đã được triển khai, vận hành nhưng hồ sơ sau khi giải quyết xong, kết thúc không kịp thời trên hệ thống một cửa điện tử. Một bộ phận cán bộ chuyên môn trình độ không đáp ứng được đòi hỏi khắt khe trong giải quyết thủ tục hành chính về đất đai.

Từ đó, dẫn tới hồ sơ do các chi nhánh cấp huyện tiếp nhận, chuyển lên Văn phòng cấp tỉnh thiếu thành phần hồ sơ, thiếu căn cứ pháp lý, không đảm bảo các quy định của pháp luật phải hoàn trả lại yêu cầu bổ sung, khiến người dân phải đi lại nhiều lần, kê khai lại nhiều mẫu thủ tục... Cùng đó là việc việc chia tách thửa, chuyển đổi mục đích sử dụng đất đã có văn bản pháp lý rõ ràng nhưng công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp Luật Đất đai tới người dân trong tỉnh chưa đạt được kết quả cao. Điều này dẫn tới việc nhiều thủ tục đất đai rất thuận lợi về hành lang pháp lý nhưng người dân không nắm được để khai thác, thực hiện.

Ngược lại, một số khu vực đã có quy hoạch, chưa có kế hoạch sử dụng đất nhưng người dân “đòi” được chia tách, chuyển mục đích sử dụng đất nhiều lần, kéo dài, tạo thành điểm “nóng” ảo. Thêm nữa là theo Quyết định số 1597/2007/QĐ-UBND ngày 10/8/2007 của UBND tỉnh ban hành quy định về điều chỉnh cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất đối với thửa đất có vườn, ao đã cấp vượt hạn mức đất ở theo quy định do không tách diện tích đất ở và đất vườn, ao trên địa bàn phải cấp đổi mà không làm thủ tục điều chỉnh, cấp đổi giấy chứng nhận thì UBND cấp huyện ra quyết định thu hồi hoặc huỷ bỏ giấy chứng nhận đã cấp. Đến nay, vẫn còn nhiều hộ gia đình trong tỉnh sử dụng giấy chứng nhận quyền sử đất có ghi phần đất ở là chữ “T” vượt quá hạn mức chưa cấp đổi nên không thể giải quyết được các thủ tục hành chính liên quan, dẫn tới bức xúc, khiếu kiện.

Để giải quyết những vấn đề còn tồn đọng, khó khăn trong lĩnh vực đất đai, chính quyền các cấp trong tỉnh nên tiếp tục đẩy mạnh những giải pháp như: Ứng dụng CNTT để giải quyết công việc cho cán bộ làm công tác chuyên môn; tăng cường sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đối với việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ về đất đai. Cùng với đó là ngành Tài nguyên và Môi trường, chính quyền 9 huyện, thành, thị trong tỉnh nên thảo luận, kịp thời tham mưu với cấp có thẩm quyền về sử dụng phù hợp, linh hoạt đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức giữa cơ quan văn phòng đất đai với lực lượng cán bộ phụ trách công tác địa chính - xây dựng ở cấp xã để tránh chỗ ít người nhiều việc, chỗ ít việc nhiều người...

 

Văn Hiến
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: