Cải thiện chỉ số PCI: Còn nhiều việc phải làm
Tăng thời lượng đi cơ sở của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các cấp và các sở, ngành để giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp là một trong những giải pháp góp phần nâng điểm chỉ số tính năng động. Trong ảnh: Đại diện lãnh đạo Sở Kế hoạch - Đầu tư tìm hiểu tiến độ triển khai Dự án Trung tâm thương mại Big C (T.P Thái Nguyên). |
Mặc dù là tỉnh dẫn đầu ở khu vực miền núi phía Bắc và nằm trong nhóm các tỉnh có chất lượng điều hành tốt, cũng là năm đầu tiên tỉnh Thái Nguyên có số điểm tổng hợp đạt cao nhất trong những năm qua, nhưng vẫn còn có những chỉ số thành phần xếp hạng thấp hơn so với thứ hạng chung của cả nước. Thực tế này đòi hỏi cần có những giải pháp quyết liệt hơn nữa để cải thiện từng chỉ số nhằm nâng hạng, thậm chí là trụ hạng… Đó là nhận định của đồng chí Phạm Duy Hùng, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư khi nói về kết quả chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2019 của tỉnh.
Nếu như năm 2018, tỉnh Thái Nguyên xếp thứ 18 trong bảng xếp hạng PCI của cả nước, với 64,24 điểm, thì năm 2019 điểm số này được nâng lên 67,71 điểm và xếp thứ 12. Kết quả này cho thấy sự nỗ lực của tỉnh trong việc thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp theo tinh thần Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 29/3/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Đáng chú ý, trong 10 chỉ số thành phần thì có 9 chỉ số tăng điểm, trong đó có 3 chỉ số đạt trên 7 điểm, cao nhất là đào tạo lao động đạt 7,88 điểm, tiếp đến là gia nhập thị trường 7,36 điểm, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự 7,13 điểm; các chỉ số còn lại đều đạt trên 6 điểm. Tuy nhiên, chỉ số tiếp cận đất đai lại bị giảm điểm so với năm 2018 (đạt 6,07 điểm, giảm 0,3 điểm). Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi không đề cập đến các chỉ số tăng điểm, chỉ tập trung phân tích về những chỉ số còn khiến nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn chưa hài lòng.
Chỉ số đầu tiên chúng tôi muốn đề cập đó là gia nhập thị trường. Mặc dù năm 2019, chỉ số này đạt 7,36 điểm, tăng 0,45 điểm so với năm 2018, nhưng vẫn có 3/6 điểm số con tụt điểm, trong số này, số DN đánh giá phải chờ hơn 1 tháng để hoàn thành các thủ tục trước khi chính thức đi vào hoạt động chiếm tới 26%, tăng 18% so với năm 2018.
Về chỉ số chi phí thời gian để thực hiện các thủ tục hành chính của Nhà nước, mặc dù đã có 78% cán bộ, công chức được đánh giá là giải quyết công việc có hiệu quả, có thái độ thân thiện, tăng 14% so với năm 2018 nhưng so với trung bình cả nước vẫn thấp hơn 3%. Còn đối với số giờ bình quân cho một cuộc làm việc với thanh tra, kiểm tra thuế, Thái Nguyên bị đánh giá là cao nhất cả nước, với 40 giờ. Cũng trong chỉ số này, mặc dù đã có 56% DN đánh giá là không phải đi lại nhiều lần để giải quyết thủ tục hành chính, tăng 2% so với năm 2018 nhưng so với trung bình cả nước vẫn thấp hơn 7%.
Đối với chỉ số chi phí không chính thức, mặc dù đạt 6,31 điểm, tăng 0,38 điểm, tăng 7 bậc xếp hạng so với năm 2018 nhưng ở điểm số “tỷ lệ DN có chi trả không chính thức trong thực hiện thủ tục hành chính về lĩnh vực đất đai” thì lại tăng bất thường, từ 19% lên 50%. Và điều này cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến chỉ số tiếp cận đất đai - chỉ số duy nhất của tỉnh trong năm 2019 bị giảm điểm và đứng ở vị trí thứ 57/63 tỉnh, thành.
Tăng cường hiệu quả hoạt động tại bộ phận một cửa, một cửa liên thông là một trong những giải pháp góp phần nâng điểm chỉ số chi phí không chính thức. Trong ảnh: Người dân đến giao dịch tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính xã Điềm Thụy (Phú Bình).
Một trong các chỉ số thành phần khác cũng rất đáng quan tâm đó là có tới 62% DN đánh giá nguồn lực kinh doanh (đất đai, hợp đồng) chủ yếu rơi vào DN thân quen với cán bộ, cơ quan, tuy giảm 6% và thấp hơn trung bình cả nước 1% nhưng đây vẫn được xem là mức cao so với yêu cầu đặt ra, phần nào cho thấy vẫn còn tồn tại khá phổ biến cơ chế xin - cho; 73% DN đánh giá có sáng kiến hay ở cấp tỉnh nhưng lại chưa thực hiện tốt ở cấp sở, ngành; 54% DN đánh giá lãnh đạo tỉnh có chủ trương đúng nhưng chưa được thực hiện tốt đối với cấp huyện, thị…
Trước thực trạng này, Ban Chỉ đạo PCI của tỉnh đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm cải thiện từng chỉ số, nhất là những chỉ số được cho là còn nhiều “dư địa”, để Thái Nguyên có thể nâng hạng, thậm chí chỉ là trụ hạng trong những năm tiếp theo. Trong số này, nhiều giải pháp được cộng đồng DN kỳ vọng sẽ được tỉnh quyết liệt thực hiện, đó là: Cắt giảm tối đa việc tổ chức cuộc họp tại công sở, tăng thời lượng đi cơ sở để kịp thời giải quyết vướng mắc của DN; tiếp tục đổi mới phương thức đối thoại của lãnh đạo tỉnh với DN, giải quyết đề nghị của DN một cách trực diện theo thẩm quyền của từng sở, ngành, lãnh đạo trực tiếp phụ trách; người đứng đầu cơ quan các cấp phải nâng cao trách nhiệm giải trình, cung cấp thông tin đến người dân, DN; tham khảo ý kiến người dân, cộng đồng DN trước khi ban hành chính sách liên quan đến người dân, DN; thực hiện nghiêm Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh công tác thanh, kiểm tra đối với DN; nâng cao tính kỷ luật, trách nhiệm, tính chuyên nghiệp trong thực thi công vụ của công chức Nhà nước khi giải quyết các công việc của DN; đẩy mạnh thực hiện việc đấu thầu qua mạng…
Đồng chí Vũ Hồng Bắc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, tỉnh sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến, kiến nghị từ phía người dân, DN để tiếp tục cải thiện chỉ số PCI trong thời gian tới, qua đó nhằm nâng cao hiệu quả trong thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Còn theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thì những nỗ lực của Thái Nguyên trong việc cải thiện chỉ số PCI thời gian qua là rất đáng ghi nhận và những giải pháp mà tỉnh đưa ra tới đây cũng rất thiết thực. Với sự hiện diện của hàng loạt DN có vốn đầu tư nước ngoài đã phần nào mình chứng cho điều đó. Tuy nhiên, trong số các vấn đề mà tỉnh cần đặc biệt quan tâm và thực hiện trong lúc này đó là cải cách một cách thực chất và giảm cho được các chi phí không chính thức mà DN đang phải đối diện.