Cầu nối giúp nông dân làm giàu
Hội viên nông dân xã Nga My (Phú Bình) phát huy hiệu quả vốn vay Quỹ Hỗ trợ nông dân qua Dự án cải tạo, phát triển vườn cây ăn quả. |
Bằng nhiều hình thức hỗ trợ, những năm qua, các cấp Hội Nông dân (HND) huyện Phú Bình đã làm tốt vai trò là cầu nối, đồng hành cùng hội viên, nông dân phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu.
Vốn là “quê lúa”, lại có số lượng hội viên đông với gần 24 nghìn người, HND huyện Phú Bình xác định, muốn giúp hội viên nâng cao thu nhập thì trước hết phải thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thay đổi phương thức sản xuất theo hướng hiện đại…
Đơn cử như tháng 5-2020, trước khó khăn bởi tình hình dịch COVID-19, HND huyện Phú Bình đã đứng ra vận động 58 hộ dân trên địa bàn xã Nhã Lộng thành lập Hợp tác xã (HTX) Bình Minh, với mục tiêu sản xuất rau, củ, quả an toàn theo hướng hàng hóa, mở rộng thị trường tiêu thụ và liên kết với doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm. Bằng những nỗ lực của các cấp Hội và các thành viên, đến nay, HTX đã có 5ha diện tích trồng rau được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Các sản phẩm của HTX như su hào, súp lơ, cải canh, cải thảo, bắp cải, cà chua, cà rốt và một số loại cây gia vị… đang được cung ứng cho nhiều siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch trên địa bàn tỉnh. Doanh thu từ việc trồng rau, củ, quả đạt trên 20 triệu đồng/sào/vụ, bình quân mỗi năm cho lợi nhuận từ 60-75 triệu đồng/hộ/năm.
Tương tự, với sự tạo điều kiện của HND địa phương, gia đình ông Nguyễn Văn Bình, ở xã Nga My được vay 30 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân để cải tạo 2.000m2 đất trồng chè kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả. Ông Bình cho biết: Ngoài vay vốn, tôi còn được tập huấn kiến thức về trồng trọt, phòng trừ sâu bệnh, có điều kiện để giao lưu, học hỏi kinh nghiệm của các hộ trồng cây ăn quả trên địa bàn. Toàn bộ diện tích chè hiện đã được tôi thay thế bằng 150 gốc bưởi, 50 gốc nhãn, 100 cây táo và một số cây ăn quả khác. Đến nay, vườn cây ăn quả của gia đình đã cho thu nhập ổn định, với trên 100 triệu đồng mỗi năm.
Bên cạnh đó, nhằm hỗ trợ nông dân về vốn, các cấp HND trong huyện đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT nhận ủy thác trên 436 tỷ đồng cho hơn 5.800 hộ vay. Từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp, HND huyện đã triển khai 14 dự án cho 145 hộ tham gia, với tổng số vốn trên 5,5 tỷ đồng. Việc hỗ trợ vay vốn được Hội thực hiện gắn với hoạt động chuyển giao kỹ thuật, tư vấn, định hướng phát triển sản xuất, chăn nuôi phù hợp với các hộ nông dân địa phương. Qua đó, đã góp phần xây dựng thành công nhiều vùng sản xuất tập trung và mô hình kinh tế hiệu quả, như: Chăn nuôi ngựa bạch ở xã Dương Thành; sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ tại xã Kha Sơn, xã Xuân Phương; nuôi chim bồ câu ở xã Thanh Ninh; nuôi gà mái đẻ xã Tân Khánh; chăn nuôi bò sinh sản ở xã Đào Xá, xã Thượng Đình; phát triển nghề làm tương truyền thống tại xã Úc Kỳ...
Cùng với các hoạt động hỗ trợ hội viên, thông qua phong trào “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi” đã tạo không khí thi đua sôi nổi, góp phần cổ vũ, động viên hội viên, nông dân vươn lên thoát nghèo, làm giàu. Nếu như năm 2019, toàn huyện có hơn 6.500 hộ đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, thì năm 2020 có gần 8.000 hộ đạt danh hiệu này.
Bà Dương Thị Luyến, Chủ tịch HND huyện cho hay: Thời gian tới, bên cạnh những việc đang làm, chúng tôi tập trung vào các giải pháp nhằm hỗ trợ hội viên, nông dân thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin, nền tảng số vào quá trình sản xuất và tiêu thụ hàng hóa. Qua đó, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững.