Cầu treo Bến Oánh: Cần xem xét, điều chỉnh thời gian thu phí cho phù hợp
Trước sự quan tâm của độc giả xoay quanh việc thu phí cầu treo Bến Oánh (Dự án xây dựng cầu Ba Mố thuộc xã Linh Sơn, T.P Thái Nguyên) những ngày qua, chúng tôi tiếp tục làm việc với các cơ quan chức năng để làm sáng rõ vụ việc.
Có thể thấy, một trong những điều mà dư luận đang hết sức quan tâm đó là tại sao thời gian thu phí tại cầu treo Bến Oánh mà thực chất là thu phí để kinh doanh, thu hồi vốn với cầu Ba Mố lại kéo dài đến 11 năm 6 tháng. Và đến nay, liệu chủ đầu tư đã hoàn vốn hay chưa?
Làm việc với Sở Tài chính, chúng tôi được biết, theo hợp đồng được ký kết giữa chủ đầu tư là Công ty CP Xây dựng và Giao thông II Thái Nguyên (Công ty) và UBND huyện Đồng Hỷ thì 11 năm 6 tháng là thời gian Công ty khai thác, quyết toán và chuyển giao công trình. Trong đó, thời gian thu phí hoàn vốn là 108 tháng và thời gian thu thêm tạo lợi nhuận là 24 tháng. Với phương án tài chính khi đó là sau thời gian trên Công ty dự kiến sẽ thu về gần 8,7 tỷ đồng. Trong đó tổng chi trả trên 7,2 tỷ đồng, lợi nhuận sau cùng là trên 1,4 tỷ đồng.
Chúng tôi đã liên hệ và có được hình ảnh từ camera an ninh của người dân tình cờ ghi lại được lượng phương tiện tham gia lưu thông qua cầu treo Bến Oánh. Qua đó, làm một khảo sát ngẫu nhiên với các ngày khác nhau trong tuần, chúng tôi đã ghi nhận lượng phương tiện (không tính các phương tiện là xe đạp điện và xe đạp) tương ứng với số tiền phí phải nộp dao động ở mức trên dưới 20 triệu đồng/ngày.
Hình ảnh được trích xuất từ camera an ninh của người dân cho thấy mật độ phương tiện lưu thông qua cầu treo Bến Oánh.
Trong số này, chúng tôi cũng loại trừ có thể, một lượng phương tiện nhất định sẽ được miễn hoặc giảm phí qua cầu. Nhưng ngay cả khi đã loại trừ những trường hợp trên, thì mức thu phí mỗi ngày của doanh nghiệp cũng không thể là dưới 10 triệu đồng, càng không thể chỉ vài triệu đồng/ngày hiện nay hay là 2 triệu đến 4 triệu đồng/ngày (như con số doanh nghiệp báo cáo hàng năm với Sở Tài chính tính từ năm 2012 đến 2015).
Cứ cho rằng, những con số trong báo cáo tài chính những năm đầu xây dựng cầu từ 2012-2015 là đúng thì với kết quả khảo sát thực tế hiện nay của chúng tôi, cũng có thể thấy rõ ràng con số gần 8,7 tỷ đồng doanh nghiệp tính toán cần thu kia cũng không cần kéo dài cho tới thời điểm hiện nay, chứ đừng nói là phải đến tận năm 2022.
Thử làm một phép tính đơn giản, với mức thu 5 triệu đồng/ngày, bình quân mỗi năm Công ty sẽ thu 1,8 tỷ đồng. Với mức thu này, trong vòng 20 tháng, số tiền Công ty thu về sẽ là 3 tỷ đồng (bằng tổng số kinh phí mà Công ty đã đầu tư công trình). Còn với mức thu thấp nhất là 3 triệu đồng /ngày, thì trung bình mỗi năm, Công ty cũng thu được hơn 1 tỷ đồng và chỉ cần 3 năm sẽ thu được 3 tỷ đồng.
Phương án kinh doanh và thu hồi vốn của Công ty đối với Dự án xây dựng cầu Ba Mố.
Như vậy, nếu như mỗi ngày Công ty thu được 5 triệu đồng thì sau 5 năm sẽ thu đủ 9 tỷ đồng (trong khi tổng số vốn cần thu hồi và có lợi nhuận là gần 8,7 tỷ đồng). Và cho dù mỗi ngày chỉ thu được 3 triệu đồng thì cũng chỉ cần đến 9 năm Công ty cũng sẽ thu về đủ 9 tỷ đồng.
Và tất nhiên với số tiền ít nhất cũng phải mười mấy triệu đồng/ngày hiện nay thì không tính cũng biết, thời gian để thu hồi lại số vốn đầu tư là bao lâu. Trong khi đó, Công ty bắt đầu thực hiện thu từ giữa năm 2011 cho đến nay nghĩa là đã thu được gần 10 năm.
Xin nhắc lại tổng mức đầu tư xây dựng cầu Ba Mố trên 2,9 tỷ đồng. Nhưng theo dự toán phương án kinh doanh và hoàn vốn trong 11 năm 6 tháng, Công ty sẽ phải chi trả tổng số tiền gần 8,7 tỷ đồng.
Chưa kể, rất nhiều người dân đã khẳng định việc họ thường xuyên đi qua cầu treo Bến Oánh (cả vé ngày và vé tháng) nhưng đều chỉ thực hiện việc trả tiền nhưng không có vé. Tất nhiên không phải tất cả các trường hợp lưu thông qua đây đều như vậy nhưng rõ ràng có tình trạng này. Vậy liệu báo cáo thu, chi của đơn vị đã thực sự trung thực và đủ đầy?
Chưa hết, như chúng tôi đã phân tích ở bài trước, bảng dự toán kinh doanh và thu hồi vốn đối với Dự án xây dựng cầu Ba Mố được thực hiện vào năm 2010. Trong khi từ đó đến nay, mức thu phí theo quy định đã thay đổi, thêm vào đó lượng phương tiện và loại phương tiện lưu thông đã thay đổi theo từng năm. Những yếu tố này tất nhiên có liên quan đến thời hạn kinh doanh và hoàn vốn của Công ty. Cho nên, lẽ ra cần phải thực hiện việc lập lại phương án thu hồi vốn sau khi được phê duyệt quyết toán.
Nên chăng, các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm cần có những đánh giá đúng hơn đối với thời gian thu phí, so sánh với giá trị quyết toán công trình được duyệt. Nếu cần thiết có thể cho tiến hành thanh, kiểm tra hoạt động thu phí của đơn vị trong những năm qua. Từ đó đề xuất điều chỉnh thời gian đối với việc thu hồi vốn của nhà đầu tư sao cho thỏa đáng, tránh để người dân chịu thiệt, nhất là với những người dân không đi qua cầu Ba Mố. Đồng thời có câu trả lời thuyết phục trước đông đảo cử tri.
Những diễn biến của sự việc này Báo Thái Nguyên sẽ tiếp tục cập nhật và gửi tới độc giả trong những bài tiếp theo.