Đẩy mạnh phong trào giúp nhau phát triển kinh tế

Cập nhật: Thứ hai 18/03/2019 - 11:02
 Với mô hình kinh tế tổng hợp, bình quân mỗi năm gia đình ông Nguyễn Văn Huấn, xóm Chãng, xã Phúc Thuận thu được trên 500 triệu đồng.
Với mô hình kinh tế tổng hợp, bình quân mỗi năm gia đình ông Nguyễn Văn Huấn, xóm Chãng, xã Phúc Thuận thu được trên 500 triệu đồng.

Phát triển kinh tế, giúp nhau giảm nghèo, làm giàu chính đáng là một trong những phong trào có ý nghĩa quan trọng được Hội Cựu chiến binh (CCB) T.X Phổ Yên quan tâm đẩy mạnh. Từ phong trào này, nhiều hội viên CCB trên địa bàn Thị xã đã từng bước nâng cao đời sống, vươn lên làm giàu.

Với mô hình kinh tế tổng hợp, bình quân mỗi năm gia đình ông Nguyễn Văn Huấn, xóm Chãng, xã Phúc Thuận thu được trên 500 triệu đồng.

Ông Đặng Đức Phương, Chủ tịch Hội CCB T.X Phổ Yên cho biết: Hội CCB T.X Phổ Yên hiện có trên 82 nghìn hội viên sinh hoạt ở 328 chi hội. Với mục tiêu nâng cao đời sống cho hội viên, đặc biệt là các hội viên CCB sinh sống ở vùng nông thôn, Hội CCB Thị xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các hội viên phát huy tinh thần đoàn kết, thi đua lao động sản xuất. Căn cứ vào thực tiễn ở mỗi địa phương, Hội đã khuyến khích hội viên chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa các cây, con giống mới vào nuôi, trồng nhằm nâng cao năng suất, cải thiện thu nhập.

Nhằm giải quyết khó khăn về nguồn vốn cho các hội viên, năm 2018, Hội CCB các cấp đã nhận ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh T.X Phổ Yên số tiền 65 tỷ đồng tạo điều kiện cho gần 2.000 hội viên vay vốn phát triển kinh tế. Ngoài ra, Hội cũng phối hợp với cơ quan chuyên môn tổ chức hơn 10 lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt cho hơn 800 lượt hội viên tham gia. Hằng năm, các cơ sở hội cũng thực hiện rà soát các hộ hội viên nghèo, cận nghèo để có hình thức giúp đỡ, hỗ trợ kịp thời. Chỉ tính riêng trong năm 2018, Hội cũng đã xây dựng Quỹ vì nghĩa tình đồng đội với số tiền gần 3 tỷ đồng để tạo điều kiện hỗ trợ các hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn phát triển kinh tế gia đình. Bằng những giải pháp cụ thể, đến nay, các cấp Hội đã xây dựng được hơn 100 mô hình kinh tế do hội viên CCB làm chủ cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm; khoảng 40 mô hình kinh tế cho thu nhập 400-500 triệu đồng/năm.

Điển hình như CCB Nguyễn Đình Phúc, ở xóm Chiều Lai 2, xã Thuận Thành với mô hình nuôi chim bồ câu Pháp thương phẩm, cho thu lãi hơn 200 triệu đồng/năm. Ông Phúc chia sẻ: Trở về địa phương sau những năm tháng chiến tranh, tôi đã nỗ lực vươn lên làm kinh tế bằng việc chăn nuôi lợn, gà, song đến nay, thành công nhất đối với tôi chính là việc đưa giống chim bồ câu Pháp về chăn nuôi tại gia đình. Từ hiệu quả kinh tế của mô hình nuôi chim bồ câu Pháp thương phẩm, năm 2017, ông Phúc đã đứng ra thành lập Tổ hợp tác nuôi chim bồ câu Pháp xã Thuận Thành thu hút 9 hội viên tham gia, quy mô hơn 2.000 đôi chim được chăn nuôi theo quy trình an toàn.

Theo ông Phạm Duy Bảy, Phó Chủ tịch Hội CCB xã Phúc Thuận, với lợi thế vườn đồi, hằng năm, Hội CCB xã đã động viên hội viên phát huy tính tự lực, tự cường, tích cực tham gia các chương trình, dự án phát triển kinh tế tại địa phương. Cùng với đó, Hội cũng đưa ra mục tiêu mỗi năm xây dựng thành công 1-2 mô hình kinh tế hiệu quả do hội viên CCB làm chủ, qua đó tạo động lực thi đua lao động sản xuất trong hội viên. Ông Nguyễn Văn Huấn ở xóm Chãng, xã Phúc Thuận cho biết: Nhờ được tham gia các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật và hỗ trợ vay vốn hơn 100 triệu đồng mỗi năm, gia đình ông đã vươn lên làm giàu từ mô hình kinh tế vườn - ao - chuồng. Hiện nay với việc trồng 2ha rừng, kết hợp trồng cây ăn quả và phát triển chăn nuôi, bình quân mỗi năm cho thu nhập 500 triệu đồng, giải quyết việc làm cho 3-5 lao động địa phương. Đây cũng là một trong những mô hình kinh tế được Hội CCB xã Thuận Thành lựa chọn làm điểm để làm cơ sở nhân rộng trên địa bàn.

Thời gian qua, nhờ ý thức tự lực, tự cường, vượt khó vươn lên làm kinh tế cùng sự hỗ trợ, tạo điều kiện của các cấp, ngành, phong trào CCB phát triển kinh tế trên địa bàn Thị xã đã được triển khai sâu rộng, mang lại hiệu quả thiết thực. Qua đó đã xuất hiện nhiều tấm gương CCB điển hình với những mô hình kinh tế hiệu quả cao, giải quyết việc làm cho nhiều lao động, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. Đến nay, tỷ lệ các hội viên CCB nghèo trên địa bàn Thị xã giảm còn 0,08% (năm 2017 là 2%); số hội viên có đời sống khá, giàu được nâng lên.

Song song với việc giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo, thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, năm 2018, các cấp hội CCB trên địa bàn Thị xã đã vận động hội viên ủng hộ gần 1 tỷ đồng, hơn 6.000 ngày công lao động để làm đường giao thông nông thôn và một số công trình công cộng khác. Cùng với đó, các hoạt động thăm hỏi hội viên khi ốm đau, hoạn nạn; công tác an sinh xã hội được Hội quan tâm, thực hiện tốt.

Ông Đặng Đức Phương cho biết thêm: Thông qua phong trào giúp nhau phát triển kinh tế không chỉ hỗ trợ các hội viên CCB khó khăn có điều kiện vươn lên ổn định cuộc sống mà còn khơi dậy tinh thần đoàn kết, gắn bó nghĩa tình đồng đội. Qua đó khẳng định vai trò, vị trí của người lính cụ Hồ trên mặt trận mới, dù ở hoàn cảnh nào cũng luôn năng động, không ngại khó, ngại khổ vượt lên chính mình, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Để tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của người lính cụ Hồ, Hội CCB T.X Phổ Yên sẽ đẩy mạnh phong trào giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, chăm lo đời sống cho các hội viên. Đồng thời, nêu cao tinh thần tiên phong, gương mẫu, góp phần giáo dục, bồi đắp truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.

Trịnh Phương
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: