Để “cần câu” đến tay người nghèo
Xã Phúc Trìu tập trung hỗ trợ người dân phát triển cây chè để nâng cao thu nhập, góp phần giảm nghèo bền vững. Ảnh: T.L |
Chỉ khoảng vài năm trước đây, Phúc Trìu là một trong những xã có tỷ lệ hộ nghèo cao trên địa bàn TP. Thái Nguyên. Để giúp hộ nghèo vươn lên, có cuộc sống ngày càng tốt hơn, cấp ủy, chính quyền xã đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó, chú trọng thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ từ phía Nhà nước và huy động nguồn lực xã hội hóa với mục tiêu trao cả “cá” và “cần câu” cho người dân.
Xác định công tác giảm nghèo là nhiệm vụ chính trị quan trọng, xã Phúc Trìu đã huy động nhiều nguồn lực khác nhau để hỗ trợ người dân nâng cao thu nhập. Ông Nguyễn Hồng Khanh, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: Địa phương đã đưa chỉ tiêu giảm nghèo vào nghị quyết đại hội Đảng bộ theo từng nhiệm kỳ. Trên cơ sở đó, Phúc Trìu đã kiện toàn Ban Quản lý, Ban Chỉ đạo giảm nghèo theo từng năm, phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể trên địa bàn xã thực hiện đầy đủ và kịp thời các chính sách đối với hộ nghèo, như: Trợ cấp cứu đói giáp hạt; hỗ trợ tiền điện, dịch vụ viễn thông, nước sạch, y tế… Từ năm 2016 đến nay, toàn xã có khoảng 500 hộ dân được cứu trợ giáp hạt với số tiền hơn 100 triệu đồng; 100% trẻ em thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo đang đi học được hỗ trợ chi phí học tập; 100% con em hộ nghèo được miễn giảm học phí và tiền đóng góp xây dựng cơ sở vật chất nhà trường theo quy định…
Để giúp người nghèo an cư, xã Phúc Trìu đã phối hợp với Ủy ban MTTQ các cấp tiến hành rà soát số lượng nhà dột nát tại các xóm, triển khai xây dựng, sửa chữa dựa trên nhu cầu của các hộ dân. Trong 5 năm gần đây (2016-2021), xã đã thực hiện xây dựng mới và sửa chữa 45 nhà, với tổng kinh phí gần 3,6 tỷ đồng.
Chị Nguyễn Thị Hiến, ở xóm Rừng Chùa - một trong những hộ được hỗ trợ sửa chữa nhà, chia sẻ: Năm 2018, gia đình tôi cố gắng gom góp để xây dựng ngôi nhà cấp 4, diện tích 70m2. Tuy nhiên, do kinh phí hạn hẹp, tiền làm nhà cơ bản đều vay mượn nên nhiều hạng mục phải làm tạm bợ. Phải đến năm ngoái, gia đình tôi được hỗ trợ gần 20 triệu đồng để hoàn thiện ngôi nhà.
Bên cạnh thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, xã Phúc Trìu còn chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể hỗ trợ người dân các loại cây, con giống để chuyển đổi cơ cấu cây trồng; giúp bà con tiếp cận nguồn vốn vay thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội nhằm trao “cần câu” cho người dân.
Ông Lê Văn Bính, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phúc Trìu, cho hay: Là đơn vị nòng cốt trong công tác hỗ trợ hộ nghèo về nguồn vốn vay, hằng năm, Hội đã phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể và các xóm rà soát nhu cầu của các hộ dân. Trên cơ sở đó, Hội nhận ủy thác cho người dân vay vốn phát triển kinh tế thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội. Hiện nay, toàn xã đã có gần 70 hộ nghèo, cận nghèo được vay vốn thông qua Hội Nông dân với dư nợ trên 2,5 tỷ đồng; trên 30 hộ mới thoát nghèo được vay vốn với số tiền trên 500 triệu đồng. Qua rà soát, các hộ dân đều sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, hiệu quả, không phát sinh nợ xấu, nợ quá hạn.
Nhờ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nên công tác giảm nghèo ở Phúc Trìu những năm gần đây đã đạt nhiều kết quả. Nếu như năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã là gần 6% thì đến hết năm 2021, giảm chỉ còn 0,86%; hộ cận nghèo giảm từ 3,45% xuống còn 2,78%.
Ông Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Trìu cho biết thêm: Theo tiêu chí đánh giá hộ nghèo giai đoạn mới, trong 5 năm tới (từ 2022-2025), xã Phúc Trìu đặt mục tiêu giảm 33 hộ nghèo còn lại, trong đó, riêng năm nay, phấn đấu giảm được 20 hộ. Để đạt được chỉ tiêu trên, thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục rà soát nhu cầu của từng hộ dân để có giải pháp phù hợp giúp bà con giảm nghèo, nâng cao thu nhập. Cùng với đó, Phúc Trìu sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người dân, tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ từ Nhà nước...