Đồng Hỷ ưu tiên phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp
Dây chuyền luyện thép của Công ty CP Luyện kim đen Thái Nguyên tại xã Nam Hòa. |
Đẩy mạnh phát triển công nghiệp có lợi thế, thu hút đầu tư phát triển sản xuất tại các cụm công nghiệp; nâng cao hiệu quả hoạt động và phát triển các làng nghề là định hướng phát triển trong lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (TTCN) của huyện Đồng Hỷ trong giai đoạn 2021-2025.
Để đạt được mục tiêu này, huyện Đồng Hỷ đã thực hiện quy hoạch tổng thể và quy hoạch vùng, từ đó tạo điều kiện để thu hút đầu tư, phát triển các ngành nghề theo thế mạnh của từng vùng, phấn đấu tốc độ tăng bình quân giá trị sản xuất ngành Công nghiệp đạt 8,9%/năm.
Đồng Hỷ là huyện có nguồn tài nguyên khoáng sản khá dồi dào, nổi bật là các mỏ quặng sắt, chì, kẽm, đá vôi, đất sét… Không chỉ vậy, huyện còn có thế mạnh phát triển lâm nghiệp với hơn 23.000ha rừng, trong đó có hơn 5.700ha là rừng phòng hộ, còn phần lớn là rừng sản xuất.
Hơn 10 năm về trước, huyện Đồng Hỷ từng là “điểm nóng” về tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, “quặng tặc” hoành hành làm cho đất đai, rừng cây bị “xẻ thịt” nghiêm trọng ở nhiều nơi, đặc biệt là tại một số địa điểm: Công trường núi Quặng (thuộc Mỏ sắt Trại Cau); khu vực xóm Kim Cương, xã Cây Thị…
Những năm gần đây, huyện Đồng Hỷ đã tiến hành quy hoạch một số cụm công nghiệp (CCN) đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt như: CCN Quang Sơn (xã Quang Sơn) quy mô 15,3ha; CCN Nam Hòa (xã Nam Hòa) quy mô 35,56ha...
Để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư vào phát triển công nghiệp TTCN trên địa bàn, huyện Đồng Hỷ đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; thực hiện tốt các cơ chế, chính sách ưu đãi của tỉnh để thu hút đầu tư; hỗ trợ về pháp lý; thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng sản xuất, đổi mới thiết bị, công nghệ thân thiện với môi trường.
Cùng với đó, huyện cũng quan tâm thực hiện tốt công tác quy hoạch, giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất để doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh. Từ đó, nhiều doanh nghiệp đã nhanh chóng ổn định sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, tạo việc làm cho nhiều lao động, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Miến dong của HTX miến Việt Cường (xã Hóa Thượng) là sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 5 sao quốc gia.
Toàn huyện hiện có 61 doanh nghiệp, HTX sản xuất công nghiệp - TTCN và 110 cơ sở TTCN hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Đơn cử, Công ty CP Luyện kim đen Thái Nguyên là doanh nghiệp chủ lực trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp trên địa bàn huyện Đồng Hỷ. Tại các nhà máy: Luyện gang Nam Sơn, Tuyển quặng sắt, Luyện thép lò thổi và dây chuyền thiêu kết, Công ty CP Luyện kim đen Thái Nguyên đã đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại, hàng năm cung cấp cho thị trường các sản phẩm gang, thép chất lượng cao. Công ty hiện đang bảo đảm việc làm ổn định cho trên 500 lao động với mức thu nhập bình quân 13,2 triệu đồng/người/tháng.
Cùng đó, trên địa bàn huyện Đồng Hỷ còn có gần 100 xưởng chế biến gỗ; 41 làng nghề (trong đó có 40 làng nghề truyền thống) góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho nhiều lao động địa phương.
Không chỉ vậy, huyện còn khuyến khích các hộ mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực chế biến thực phẩm như: Sản xuất bún, mỳ, bánh phở, bánh ngọt… Chúng tôi đến thăm cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ do anh Bế Văn Đạt ở xóm La Vương, xã Hóa Trung làm chủ, anh Đạt cho biết: Sau hơn 10 năm phát triển, đến nay tôi đã xây dựng nhà xưởng rộng trên 300m2, tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động với mức thu nhập từ 6 - 8 triệu đồng/người/tháng. Nghề sản xuất đồ mỹ nghệ mỗi năm mang lại cho gia đình tôi thu nhập từ 300 - 400 triệu đồng trở lên.
Thực tế cho thấy, các cơ sở TTCN và sản xuất tại các làng nghề đã chú ý hơn đến việc áp dụng máy móc, thiết bị hiện đại vào sản xuất, tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương, tạo ra sản phẩm mới cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu, như: Sản xuất gạch tuylen; chế biến, bảo quản sản phẩm chè; ván ép...
Ông Hoàng Mạnh Hùng, Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Đồng Hỷ, cho biết: Sản phẩm công nghiệp - TTCN trên địa bàn huyện chủ yếu là khai thác, chế biến vật liệu xây dựng và khai thác tận thu khoáng sản, phần lớn sản phẩm tiêu thụ ở dạng thô nên giá trị chưa cao. Trước mắt, chúng tôi đang tập trung thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm trong lĩnh vực TTCN, làng nghề, trong đó có sản phẩm chè.
Giá trị sản xuất công nghiệp - TTCN của huyện trong 5 năm trở lại đây có mức tăng trưởng khá, bình quân 7,9%/năm. Riêng năm 2021, giá trị sản xuất CN - TTCN của huyện đạt trên 1.288 tỷ đồng, tăng gần 400 tỷ đồng so với năm 2020, là trụ cột thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của địa phương. Dự ước năm 2022, tổng giá trị sản xuất công nghiệp - TTCN của huyện đạt khoảng 1.420 tỷ đồng.