Góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm chè Đại Từ
Gia đình bà Nguyễn Thị Hiền, xã Hà Thượng nhờ áp dụng tiến bộ KHKT vào chăm sóc chè đã giảm chi phí đầu tư được gần 700 nghìn đồng/tháng |
Cây chè được xác định là cây kinh tế mũi nhọn trên đất đồi rừng Đại Từ. Toàn huyện hiện có trên 5.200 ha chè các loại (lớn nhất tỉnh), trong đó 2/3 diện tích là chè kinh doanh có năng suất, chất lượng cao tập trung ở một số xã: La Bằng, Hùng Sơn, Phú Thịnh, Phú Xuyên, Quân Chu… Cây chè đã trở thành nguồn thu nhập chính của hàng nghìn hộ dân trong huyện.
Trong những năm qua, sản xuất nông nghiệp của huyện Đại Từ có những bước phát triển khá toàn diện, ngoài việc ưu tiên phát triển sản xuất cây lương thực, huyện còn chú trọng đầu tư phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng rừng và đặc biệt là đầu tư các chương trình thâm canh, cải tạo, trồng mới cây chè.
Cây chè được xác định là cây kinh tế mũi nhọn trên đất đồi rừng Đại Từ. Đến nay, toàn huyện có trên 5.200 ha chè các loại (lớn nhất tỉnh), trong đó 2/3 diện tích là chè kinh doanh có năng suất cao, chất lượng ngon tập trung ở một số xã: La Bằng, Hùng Sơn, Phú Thịnh, Phú Xuyên, Quân Chu… Sản phẩm từ cây chè đã trở thành nguồn thu nhập chính của đại bộ phận nông dân trong huyện.
Tuy nhiên, trong qúa trình sản xuất chè của nông dân huyện Đại Từ hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế, nên giá bán trung bình trong toàn huyện chưa cao. Thực tế cho thấy việc đầu tư thâm canh của đa số hộ nông dân làm chè chưa áp dụng đúng, đầy đủ và đồng bộ các biện pháp kỹ thuật vào các khâu như: Quản lý dịch hại trên cây chè, chăm sóc, thu hái và đặc biệt là trong lĩnh vực chế biến sản phẩm chè, ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm. Đa số các hộ nông dân trồng chè ở các xã vẫn còn sử dụng phun thuốc trừ sâu 2-2,5 lần/lứa hái; sử dụng hỗn hợp nhiều loại thuốc trừ sâu trong một bình phun; không tôn trọng thời gian cách ly của thuốc gây lãng phí và ô nhiễm môi trường, tạo ra sản phẩm chè không đảm bảo chất lượng, giá bán không cao.
Để có định hướng và những giải pháp phù hợp nhằm phát triển kinh tế bền vững trong thâm canh chè trên đất đồi bãi ở các xã trong toàn huyện thành các khu vực sản xuất chè tập trung có năng suất, chất lượng cao tương xứng với khả năng và lợi thế của địa phương, huyện xác định nhiệm vụ trọng tâm là công tác chuyển giao kỹ thuật. Do đó Đại Từ đã tập trung đầu tư xây dựng nhiều mô hình trình diễn áp dụng tiến bộ mới tạo ra những nương chè có năng suất cao, chất lượng ngon.
Mô hình trình diễn kỹ thuật dùng sản phẩm của Công ty cổ phần bảo vệ thực vật 1 Trung ương (CPBVTV1TW) là một ví dụ. Các sản phẩm của Công ty CPBVTV1TW được đưa vào trình diễn đều nằm trong danh mục bảo vệ thực vật được phép sử dụng cho cây chè như Suntin 5EC; Trebon 10EC; Ortus 5EC; phân bón lá CHOCASO 0.11DD. Phân phun để đối chứng là phân bón Thiên nông có các thành phần N20%, P205 10%; K20 10%, chiết suất giun hồng 20%. Để triển khai thực hiện có hiệu quả mô hình, cán bộ khuyến nông đã phối hợp với Ban chủ nhiệm CLB khuyến nông tiến hành điều tra theo phương pháp phỏng vấn tình hình sử dụng thuốc BVTV của 27 hộ nông dân với diện tích gần 10 ha ở xã Phú Xuyên. Chủ yếu là diện tích chè trung du lá nhỏ có tuổi đời 35-40. Các chỉ tiêu theo dõi là tình hình sinh trưởng; các đối tượng dịch hại trước và sau khi xử lý; số lần xử lý thuốc cho một đối tượng hại trong một lứa hái; năng suất và chất lượng chè qua một lứa hái; hiệu quả sử dụng sản phẩm sau lứa hái.
Kết quả sau một lứa hái chè dùng thuốc của Công ty CPBVTV1TW số tiền đầu tư đã giảm từ 600-700 nghìn đồng/ha/lứa hái; giảm số lần sử dụng thuốc/lứa hái từ 0,5-1 lần, góp phần làm xanh, sạch môi trường, bảo vệ được các loài sinh vật có ích, giữ được cân bằng vệ sinh sinh thái nương chè, bảo vệ sức khoẻ người làm chè. Sản phẩm chè có cơ hội thuận lợi trong việc tiêu dùng và xuất khẩu. Thông qua mô hình, các hộ nông dân tham gia đã trực tiếp nắm bắt được phương pháp, kỹ thuật sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc, đúng lúc, đúng nồng độ liều lượng, đúng kỹ thuật), tạo ra vùng chè an toàn, nâng cao thu nhập cho người làm chè.