Góp phần vinh danh hàng Việt

Cập nhật: Thứ ba 28/05/2019 - 09:47
 Nhiều mặt hàng sản xuất tại Việt Nam được bày bán tại các siêu thị ở T.P Thái Nguyên.
Nhiều mặt hàng sản xuất tại Việt Nam được bày bán tại các siêu thị ở T.P Thái Nguyên.

Những năm qua, người tiêu dùng đã có chuyển biến tích cực về nhận thức, tích cực mua sắm, sử dụng hàng Việt Nam. Có nhiều lý do để người dân quan tâm lựa chọn hàng hóa “Made in Viet Nam”, một mặt vì sản phẩm ngày càng nâng cao chất lượng, mẫu mã đẹp, giá bán phù hợp; mặt khác vì Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các cấp, ngành liên quan tích cực vào cuộc tuyên truyền, lan tỏa sâu rộng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Để công tác tuyên truyền được thực hiện hiệu quả, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” các cấp hằng năm được kiện toàn. Từ cấp tỉnh đến cấp huyện đều do đồng chí Phó Bí thư Thường trực trực tiếp làm Trưởng Ban Chỉ đạo; MTTQ là cơ quan thường trực. Các cấp, ngành từ tỉnh đến cơ sở tăng cường thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, quảng bá, vận động nhân dân hưởng ứng tham gia. Trong 5 năm gần đây, MTTQ đã phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức 10 hội chợ cấp khu vực và cấp tỉnh; 20 phiên chợ đưa hàng sản xuất trong nước về nông thôn, miền núi, khu công nghiệp, thu hút đông đảo nhân dân tới tham quan, mua sắm. Các hội chợ, phiên chợ được tổ chức với nhiều hoạt động ý nghĩa, như: giới thiệu, quảng bá sản phẩm; khuyến mãi cho người tiêu dùng; tặng quà cho người nghèo; tuyên truyền, vận động nhân dân ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam.

Tham gia Cuộc vận động, các cơ quan thông tấn báo chí của tỉnh đã tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, quảng bá về hàng Việt; khuyến khích nhân dân tham gia Cuộc Vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; tuyên truyền đậm nét các Chương trình “Đưa hàng Việt về miền núi, nông thôn, khu công nghiệp”. Trong đó, Báo Thái Nguyên duy trì chuyên mục “Tự hào hàng Việt”. Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh duy trì chuyên mục “Thực phẩm 360 giây”… Qua đó góp phần làm thay đổi suy nghĩ sính hàng ngoại, hướng người tiêu dùng ưu tiên mua hàng Việt Nam.

Bằng cách gắn Cuộc vận động với các phong trào thi đua yêu nước. Hướng các hoạt động tuyên truyền về cơ sở. Với phương châm chủ động đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng, hằng năm MTTQ tỉnh phối hợp với các thành viên Ban Chỉ đạo tổ chức Hội chợ xuân, với chủ đề: Mỗi xã, phường 1 sản phẩm và Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao khu vực miền núi phía Bắc, trong đó năm 2017 các phiên chợ được tổ chức tại một số xã: Vô Tranh (Phú Lương), Thượng Nung (Võ Nhai), Tân Khánh (Phú Bình) và thị trấn Chợ Chu (Định Hoá). Năm 2018, các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn được tổ chức tại các xã: Linh Sơn (T.P Thái Nguyên), Hợp Tiến (Đồng Hỷ), Phú Cường (Đại Từ), Vạn Phái (T.X Phổ Yên) và phường Thắng Lợi (T.P Sông Công).

Đặc biệt trong 2 năm gần đây, thông qua Ban Chỉ đạo Cuộc Vận động, một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tham gia các Hội chợ quy mô khu vực, toàn quốc và quốc tế, như: Hội chợ ASEAN tại T.P Nam Ninh (Trung Quốc); Hội chợ thương mại quốc tế Việt - Trung; Hội chợ Nông nghiệp quốc tế đồng bằng Bắc Bộ tại tỉnh Thái Bình; Hội chợ đặc sản vùng miền tại T.P Hà Nội; tham gia triển lãm quốc tế công nghiệp thực phẩm Việt Nam (Foodexpro) tại T.P Hồ Chí Minh… Các huyện Đại Từ và Đồng Hỷ đã phối hợp với Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh, Sở Công thương, các doanh nghiệp, đơn vị trong và ngoài tỉnh tổ chức chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn”, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia tìm kiếm thị trường, kết nối tiêu thụ sản phẩm, nhân đó quảng bá, giới thiệu các sản phẩm có thế mạnh của địa phương như: Chè, miến dong, nấm, mật ong… đến các thị trường trong nước, quốc tế.

Trong khuôn khổ Cuộc vận động, MTTQ đã thường xuyên phối hợp với các nhà sản xuất tổ chức giao lưu, tri ân khách hàng, thông qua đó giới thiệu để người tiêu dùng biết đến sản phẩm mới của nhà sản xuất. Nhân đó làm cầu nối giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng thông qua việc tổ chức lấy ý kiến đóng góp của khách hàng về chất lượng sản phẩm, giúp nhà sản xuất tự điều chỉnh và có kế hoạch nâng cao chất lượng, thiết kế mẫu sản phẩm mới phù hợp với xu hướng thị hiếu chung của người tiêu dùng.

Bàn về kết quả thực hiện Cuộc vận động, ông Nguyễn Vi Hồng, Giám đốc Sở Y tế cho biết: Từ nhiều năm gần đây, chúng tôi nghiên cứu, hướng dẫn các bệnh viện, trung tâm y tế, các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn vận động bệnh nhân điều trị bằng thuốc được sản xuất tại Việt Nam. Hiện các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn của tỉnh đã sử dụng hơn 50% sản phẩm thuốc của Việt Nam sản xuất, với tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước của các cơ sở khám chữa bệnh tuyến huyện đạt gần 60%; tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước của các cơ sở khám chữa bệnh tuyến tỉnh đạt hơn 40%.

Cuộc Vận động bước đầu có kết quả bởi nhà sản xuất biết tôn trọng khách hàng, chủ động đầu tư công nghệ, tạo ra sản phẩm có chất lượng, mẫu mã phù hợp và bán đúng giá trị sản phẩm. Về phía người tiêu dùng do đã có một quá trình sử dụng hàng Việt, tự nhận thấy hàng Việt Nam đã có chất lượng, bền, đẹp hơn so với trước đây, nên chủ động mua sắm hàng sản xuất trong nước.

Ngọc Chuẩn
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: