Hỗ trợ hội viên phụ nữ phát triển kinh tế

Cập nhật: Thứ năm 11/08/2022 - 07:24
 Mô hình trồng măng lục trúc của chị Lại Thị Lý, xóm Làng Chàng, xã Tân Lợi (Đồng Hỷ).
Mô hình trồng măng lục trúc của chị Lại Thị Lý, xóm Làng Chàng, xã Tân Lợi (Đồng Hỷ).

Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Đồng Hỷ hiện có hơn 18 nghìn hội viên, sinh hoạt tại 143 chi hội. Những năm qua, Hội đã có nhiều hoạt động thiết thực giúp hội viên phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, góp phần xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.

Để tạo động lực khích lệ chị em có ý chí vươn lên, Hội LHPN các cấp của huyện Đồng Hỷ luôn giữ vai trò “cầu nối”, hướng dẫn hội viên tiếp cận nguồn vốn vay ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội, vốn vay Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT... Tính đến nay, các cấp hội đã giúp hội viên tiếp cận, vay vốn phát triển kinh tế với tổng số tiền là hơn 300 tỷ đồng, với gần 6 nghìn hội viên, phụ nữ vay vốn.  

Chị Lại Thị Lý, xóm Làng Chàng, xã Tân Lợi, là một trong những hội viên tiêu biểu trong phong trào phụ nữ phát triển kinh tế. Trước đây, do chưa biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên dù diện tích canh tác nhiều, nhưng các loại cây trồng có năng suất kém. Khoảng 5 năm trước, từ nguồn vốn tích góp và vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội qua Hội Phụ nữ xã, chị đã mạnh dạn đầu tư trồng tre lục trúc trên diện tích hơn 6.000m2.

Chị Lý chia sẻ: Từ nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, tôi đã mạnh dạn đầu tư trồng tre lục trúc. Mỗi năm, măng lục trúc được thu hoạch từ cuối tháng 3 đến hết tháng 8. Loại măng này được các nhà hàng trong và ngoài tỉnh thu mua, chế biến thành các món ăn.Trung bình mỗi năm, gia đình tôi thu trên 500 triệu đồng.

Ngoài mô hình trên, nhờ được tổ chức hội Phụ nữ hỗ trợ, một số mô hình của hội viên trên địa bàn huyện Đồng Hỷ đã phát triển hiệu quả, như: Mô hình sản xuất tre phấn làm chổi của chị Trần Thị Xuân, Chi hội Phụ nữ tổ dân phố số 5, thị trấn Trại Cau, cho lợi nhuận 800 triệu đồng/năm; mô hình chăn nuôi vịt đẻ trứng, ấp trứng của chị Hoàng Thị Thảo, xóm Bờ Suối, xã Nam Hòa, lợi nhuận 400 triệu đồng/năm; mô hình chăn nuôi, trồng cây ăn quả tổng hợp theo quy trình VietGAP của chị Trần Thị Lý, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ xóm Ngòi Chẹo, xã Nam Hoà cho thu nhập đạt 600 triệu/năm...

Bên cạnh các giải pháp giúp chị em tiếp cận nguồn vốn vay, Hội Phụ nữ đặc biệt chú trọng đến công tác đào tạo nghề ngắn hạn, tổ chức đưa hội viên đi tham quan các mô hình kinh tế điển hình để nắm bắt cách làm ăn mới, đưa khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt. Trong 5 năm qua, Hội đã phối hợp tổ chức 65 lớp dạy nghề cho trên 2.500 hội viên phụ nữ; hỗ trợ 24 phụ nữ khởi nghiệp bằng nhiều hình thức. Ngoài ra, các cơ sở hội cũng đã xây dựng kế hoạch giúp đỡ chị em phụ nữ với nhiều hình thức khác nhau, như: Chuyển giao khoa học kỹ thuật; tham gia các mô hình; giúp đỡ nhau về ngày công, vốn, cây, con giống để phát triển sản xuất; trao đổi kinh nghiệm làm ăn, chăn nuôi, trồng trọt; triển khai cài đặt phần mềm học kinh doanh trên điện thoại di động thông minh (HerVenture) tới phụ nữ khởi nghiệp và kinh doanh tại các xã, thị trấn... 

Trong nhiệm kỳ vừa qua, Hội LHPN huyện Đồng Hỷ đã công nhận 106 hội viên đạt danh hiệu Phụ nữ sản xuất, kinh doanh giỏi cấp cơ sở; tiếp tục duy trì hoạt động 34 mô hình “Sản xuất sạch, chế biến sạch”. Chị Bùi Kim Phượng, Chủ tịch Hội LHPN huyện Đồng Hỷ, cho biết: Thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, bảo vệ môi trường. Trong đó, mỗi cơ sở hội phấn đấu xây dựng được ít nhất 1 mô hình phát triển kinh tế phù hợp với địa phương, vùng, miền; tư vấn nghề, giới thiệu việc làm cho ít nhất 10 lao động nữ; hỗ trợ, giúp đỡ 1 phụ nữ khởi nghiệp và khởi sự kinh doanh...

Thu Nga
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: