Hỗ trợ người chăn nuôi lợn vơi bớt khó khăn
Lực lượng chức năng của huyện Định Hóa phun thuốc tiêu độc, khử trùng đối với các phương tiện ra, vào vùng có dịch. |
Có lẽ chưa năm nào người chăn nuôi lợn lại phải đối mặt với nhiều khó khăn như năm nay, bởi dịch tả lợn châu Phi bùng phát và lây lan rất mạnh. Tìm hiểu thực tế tại nhiều địa phương trong tỉnh, chúng tôi nhận thấy đa phần các hộ chăn nuôi đều rất băn khoăn, lo lắng vì không biết đến bao giờ mới được tái đàn. Không chỉ vậy, nhiều hộ còn phải gánh thêm những khoản nợ vì đã vay vốn ngân hàng để đầu tư phát triển chăn nuôi.
Cuối năm 2018, nhận thấy giá lợn bắt đầu tăng trở lại, gia đình ông Nguyễn Văn Long, ở xóm Chùa, xã Hà Châu (Phú Bình) đã vay vốn của Ngân hàng hơn 300 triệu đồng để xây chuồng trại, đầu tư con giống, cám để nuôi lợn. Đến tháng 4-2019, khi lợn chuẩn bị được xuất chuồng thì tự dưng chết cả đàn mà không có cách nào cứu chữa. Trò chuyện với chúng tôi, ông Long rầu rĩ: Nhà tôi có 70 con lợn bị nhiễm dịch tả lợn châu Phi, phải đem đi tiêu hủy toàn bộ. Mặc dù được Nhà nước hỗ trợ 24 nghìn đồng/kg nhưng công sức chăm sóc 4 tháng trời, cộng với chi phí đầu tư chuồng trại, thức ăn chăn nuôi, nhà tôi vẫn phải chịu thua lỗ gần 20 triệu đồng, chưa kể khoản nợ Ngân hàng nhà tôi vẫn phải trả lãi hằng tháng.
Đối với hộ bà Nguyễn Thị Liên, ở xóm 8, thị trấn Sông Cầu (Đồng Hỷ), có tổng đàn lợn hơn 400 con. Sau khi bị nhiễm dịch bệnh, gia đình bà đã bị thiệt hại hàng tỷ đồng. Mặc dù vậy nhưng tại thời điểm này, bà cũng chỉ biết dọn dẹp vệ sinh chuồng trại và để trống chuồng chứ chưa thể tái đàn lứa mới bởi địa phương chưa công bố hết dịch. Bà Liên chia sẻ: Chăn nuôi gần chục năm nay nhưng đây là lần đầu tiên chúng tôi bị thiệt hại nặng nề như vậy. Mặc dù đã làm rất nghiêm ngặt các khâu phòng chống dịch như: Phun thuốc khử trùng tiêu độc chuồng trại hằng ngày, người ra vào chuồng đều phải trang bị đầy đủ bảo hộ, khu vực nuôi ở 1 khu riêng biệt… Dù vậy nhưng đàn lợn nhà tôi vẫn bị nhiễm bệnh chết hàng loạt. Hiện giờ, chúng tôi chỉ mong muốn các cơ quan chuyên môn sớm tìm ra loại thuốc để khống chế dịch bệnh, giúp bà con yên tâm đầu tư sản xuất.
Không chỉ ở Phú Bình, Định Hóa, mà hầu hết các địa phương trong tỉnh, người chăn nuôi cũng đang lâm vào cảnh “lao đao”. Đối với các hộ có lợn đang đến độ xuất chuồng mà nằm trong vùng dịch cũng không thể xuất bán, hằng ngày phải chăn cầm chừng, chịu bù lỗ. Hơn nữa, do dịch bệnh nên cũng đẩy giá lợn hơi xuống thấp dưới mức giá thành, hiện chỉ khoảng 25-28 nghìn đồng/kg. Với mức này, trung bình 1 con lợn nặng 100kg, bà con phải bù lỗ từ 1-1,2 triệu đồng/con. Hiện nay, người chăn nuôi cũng mong sớm được tái đàn để trả nợ nhưng sẽ còn phải đợi rất lâu. Bởi theo quy định, sau khi công bố hết dịch, các hộ dân mới được tái đàn và chỉ được phép tái đàn 10% quy mô nuôi. 1 tháng sau tái đàn, hộ nuôi cần lấy mẫu xét nghiệm, nếu âm tính với dịch tả châu Phi mới được tiếp tục nuôi.
Trước những khó khăn của người chăn nuôi, UBND tỉnh cũng đã triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ bà con. Cụ thể, tỉnh đã chi kinh phí hơn 6,4 tỷ đồng phục vụ công tác chống dịch như: Mua vật tư, hoá chất khử trùng tiêu độc; hỗ trợ tiền công cho lực lượng tham gia chống dịch; chi phí xét nghiệm mẫu… Cùng với đó, UBND tỉnh đã kịp thời ban hành, điều chỉnh mức hỗ trợ cho chủ hộ chăn nuôi có lợn mắc bệnh buộc tiêu huỷ phù hợp với tình hình thực tế. Qua đó, đã góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác dập dịch. Bà Lê Thị Thảo, ở xóm Na Làng, xã Lam Vỹ (Định Hóa) cho biết: Nhà tôi có 23 con lợn bị nhiễm dịch bệnh phải tiêu hủy. Số tiền hỗ trợ của Nhà nước tuy không đủ bù lỗ nhưng cũng phần nào giúp chúng tôi giữ lại được chút vốn để sau này tái đàn.
Thực hiện sự chỉ đạo của tỉnh, các địa phương cũng đã triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ bà con. Anh Ngô Quảng Bá, Trưởng phòng Kinh tế T.P Sông Công cho biết: Tính đến ngày 29-5, Thành phố đã dành kinh phí hơn 2 tỷ đồng để mua vật tư, hóa chất khử trùng tiêu độc cấp phát cho bà con tại các ổ dịch và thanh toán chi phí tiêu hủy, hỗ trợ cho cán bộ ở các chốt kiểm dịch. Còn ông Lê Thanh Tuyết, Bí thư Thị ủy Phổ Yên thì cho biết: Tính đến thời điểm này, Thị xã đã chi trả cho người dân có lợn chết phải tiêu hủy khoảng trên 350 triệu đồng. Hiện nay, chúng tôi đang chỉ đạo tiếp tục giám sát kê khai số lượng lợn chết, đồng thời tổ chức niêm yết danh sách hỗ trợ tại UBND các xã, phường, thị trấn để đảm bảo công khai, đúng đối tượng, tránh hiện tượng trục lợi từ ngân sách. Về phía Ngân hàng Nông nghiệp - PTNT, hiện đơn vị cũng đang tiến hành thống kê, lập danh sách các hộ vay chăn nuôi bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh để có biện pháp khoanh nợ, giãn nợ cho bà con.
Hiện nay, dịch tả lợn châu Phi vẫn còn diễn biến phức tạp. Vì vậy, cùng với sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền các cấp và ngành chức năng, bà con cũng cần chú trọng thực hiện “5 không” trong chống dịch; áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học; tăng cường vệ sinh khử trùng tiêu độc, chấp hành nghiêm các quy định về vận chuyển, giết mổ, buôn bán trong phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi. Đặc biệt, chính quyền địa phương cần tăng cường công tác giám sát, phát hiện sớm, tiêu huỷ kịp thời, triệt để lợn mắc bệnh; kết hợp vệ sinh khử trùng tiêu độc triệt để, hiệu quả khu vực có dịch và vùng dịch bị uy hiếp, vùng có nguy cơ lây nhiễm cao. Hy vọng, với sự vào cuộc của các cấp chính quyền và ngành chức năng sẽ góp phần giúp các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh vơi bớt khó khăn…
Tính đến ngày 29-5, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại 3.060 hộ ở 851 thôn, xóm thuộc 134 xã của 9 huyện, thành, thị trong tỉnh, tổng số lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh buộc phải tiêu hủy là 31.246 con (chiếm 4,5% trong tổng đàn). Theo nhận định của ngành Nông nghiệp, trong thời gian tới, bệnh dịch tả lợn châu Phi sẽ còn tiếp tục lây lan do chưa có vắc-xin và thuốc điều trị, bệnh có khả năng lây lan sang tất cả các địa phương chưa có dịch và tái phát ở các địa phương đã hết dịch. Đặc biệt nguy hiểm hơn là bệnh đã xâm nhiễm vào các cơ sở chăn nuôi tập trung, quy mô đàn lớn, gây tổn thiệt hại về kinh tế, xã hội, ảnh hướng đến môi trường. |