Hợp tác xã và nông nghiệp đô thị ở TP. Thái Nguyên
Năm 2021, HTX Trà Sơn Dung được hỗ trợ 300 triệu đồng từ nguồn hỗ trợ khuyến công để cải tiến máy móc, ứng dụng công nghệ vào sản xuất, chế biến chè. |
Để nông nghiệp đô thị phát triển thì cần xây dựng, thúc đẩy các hình thức liên kết sản xuất, trong đó, các tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX) được coi là hạt nhân. Xác định hướng đi này, thời gian qua, TP. Thái Nguyên đã tập trung phát triển kinh tế tập thể (KTTT) mà nòng cốt là HTX và xem đây là một trong những thành phần kinh tế quan trọng.
HTX Nông nghiệp Linh Sơn, xã Linh Sơn, được thành lập năm 2018 chỉ với 20 thành viên tham gia. Sau gần 4 năm hoạt động, hiện HTX có 70 thành viên với ngành nghề chính là chăn nuôi lợn, gà quy mô hàng chục nghìn con/năm, trên 40ha trồng cây ăn quả, rau màu trồng theo quy trình VietGAP, trong đó có 8ha ổi và rau màu đã được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Chị Hoàng Thị Dần, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX chia sẻ: Những năm qua, các ngành chức năng, chính quyền địa phương đã quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các thành viên trong HTX tham gia tập huấn kiến thức, chuyển giao khoa học kỹ thuật và hỗ trợ kinh phí cấp giấy chứng nhận VietGAP… Qua đó, các sản phẩm của HTX được tiêu thụ khá thuận lợi với giá cao hơn. Các thành viên ngày càng gắn bó, tin tưởng và tham gia sản xuất nông nghiệp sạch.
Không riêng HTX Nông nghiệp Linh Sơn, để thúc đẩy HTX, THT nông nghiệp phát triển, TP. Thái Nguyên đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ phát triển mô hình liên kết sản xuất, sản xuất an toàn, hữu cơ như: Hỗ trợ chứng nhận VietGap cho người dân vùng chè xã Tân Cương, Phúc Xuân, Phúc Trìu, Quyết Thắng với tổng diện tích trên 100ha, theo cơ chế hỗ trợ 100% cấp xác nhận lần đầu và 50% cấp xác nhận lại; hỗ trợ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Ổi Linh Nham” xã Linh Sơn.
Ngoài ra, các THT, HTX còn được hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại, tiếp cận vốn vay ưu đãi. Định kỳ hàng năm, thành viên các THT, HTX đều được tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, chuyển giao khoa học - kỹ thuật mới, tiên tiến; các HTX được hỗ trợ 100% kinh phí thuê gian hàng tham gia các hội chợ triển lãm trong tỉnh để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, hàng hoá…
Cùng với đó, thành phố cũng phối hợp với các sở, ngành triển khai hiệu quả chương trình khuyến công địa phương, hỗ trợ máy móc, kỹ thuật sản xuất, chế biến chè; quan tâm, bố trí kinh phí, kết hợp từ nguồn vốn nông thôn mới để đầu tư hạ tầng giao thông, kênh mương thủy lợi.
Hiện TP. Thái Nguyên có 22 THT, 98 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp (tăng 77 HTX so với năm 2003), tạo việc làm cho trên 8.000 thành viên.
Trong đó có nhiều HTX sản xuất, kinh doanh tổng hợp đa ngành nghề, địa bàn hoạt động rộng, hiệu quả kinh tế đạt cao, như: HTX chè Tân Hương (xã Phúc Xuân), HTX chè Hảo Đạt, HTX chè Minh Thu (xã Tân Cương), HTX chè Gia Bảo Phúc Trìu (xã Phúc Trìu)…
Thu nhập bình quân của thành viên và người lao động trong THT bình quân đạt 2,7 triệu đồng/người/tháng; thu nhập của thành viên và người lao động HTX đạt từ 4-5 triệu đồng/tháng.
Nếu như trước năm 2013, vốn điều lệ bình quân 1 HTX đạt khoảng 187 triệu đồng thì đến nay đã tăng lên 289 triệu đồng/HTX; nguồn vốn kinh doanh bình quân 1 HTX khoảng 469 triệu đồng; doanh thu bình quân 1 HTX hiện nay khoảng 1,2 tỷ đồng/năm; lợi nhuận bình quân tăng từ 30,57 triệu đồng lên 120 triệu đồng/năm/HTX.
Hoạt động hiệu quả của các THT, HTX nông nghiệp đã góp phần đưa giá trị sản phẩm trên 1ha đất trồng trọt tăng qua từng năm. Năm 2021 đạt 148,8 triệu đồng/ha (tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2020); giá trị sản xuất trên 1ha đất trồng chè kinh doanh ước đạt 685 tỷ đồng.
Trên địa bàn thành phố đã hình thành một số vùng sản xuất hàng hoá tập trung như: Sản xuất rau an toàn tại các xã Linh Sơn, Đồng Liên, Thịnh Đức; sản xuất chè đặc sản Tân Cương tại các xã: Phúc Trìu, Phúc Xuân, Tân Cương.
Về chăn nuôi, thành phố hiện có trên 260 trang trại, gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, sản lượng thịt hơi các loại hàng năm đạt trên 20.500 tấn…
Nhiều HTX tại TP. Thái Nguyên có sản phẩm OCOP.
Đặc biệt, TP. Thái Nguyên có 27 sản phẩm của 14 HTX, doanh nghiệp được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP, trong đó, 1 sản phẩm của HTX chè Hảo Đạt đạt tiêu chuẩn 5 sao cấp Quốc gia.
Mới đây, các HTX Trà Vân Dũng (xã Phúc Trìu), HTX Trà Sơn Dung (phường Quang Trung) và HTX Tâm Trà Thái (xã Tân Cương) có sản phẩm được công nhận Thương hiệu vàng Nông nghiệp Việt Nam năm 2022.
Để góp phần phát triển nông nghiệp đô thị bền vững trong giai đoạn 2020-2025, TP. Thái Nguyên sẽ tiếp tục thực hiện các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển KTTT; nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động của HTX, THT, làng nghề trong lĩnh vực nông nghiệp; gắn phát triển KTTT, HTX với xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu ngành Nông nghiệp.