Không dễ hoàn thành kế hoạch tăng trưởng công nghiệp
Sản xuất phụ tùng xe cơ giới tại Công ty cổ phần Phụ tùng máy số I (T.P Sông Công). |
Trong 5 tháng đầu năm nay, giá trị sản xuất công nghiệp (GTSXCN) trên địa bàn tỉnh ước đạt trên 251 nghìn tỷ đồng, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước nhưng chỉ đạt 33,8% kế hoạch năm. Theo đánh giá của Sở Công Thương, nhiều sản phẩm công nghiệp chủ lực trên địa bàn đang xu hướng tăng trưởng chững lại. Vì thế không dễ để tỉnh hoàn thành mục tiêu đạt mức tăng trưởng công nghiệp là 11% trong năm nay.
Sở dĩ trong những tháng đầu năm nay, GTSXCN trên địa bàn tỉnh không đạt mục tiêu tăng trưởng theo kế hoạch là do Samsung Thái Nguyên (chiếm trên 90% trong tổng GTSXCN trên địa bàn) giảm sản lượng một số sản phẩm so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, sản phẩm điện thoại có giá từ 3-6 triệu đồng/chiếc giảm 1,6%, máy tính bảng giảm tới 14%. Đối với dòng sản phẩm điện thoại thông minh có giá trên 6 triệu đồng/chiếc mặc dù đã tăng sản lượng nhưng vẫn ở mức thấp (với mức tăng 7,6% so với cùng kỳ). Nguyên nhân là do Samsung đang có sự thay đổi về chiến lược sản xuất, trong đó có sự dịch chuyển đầu tư sang một số nước khác trên thế giới. Vì thế, trong khoảng 3 năm trở lại đây, Samsung tăng trưởng chững lại, với GTSX đạt khoảng 200 nghìn tỷ đồng/năm (giảm 100 nghìn tỷ đồng so với các năm trước đó). Việc Samsung tăng trưởng chững lại cũng làm ảnh hưởng chung đến tình hình sản xuất của các doanh nghiệp (DN) phụ trợ có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chuyên sản xuất khuôn điện thoại, màn hình, tai nghe… trên địa bàn tỉnh.
Ngoài Samsung tăng trưởng thấp hơn so với cùng kỳ năm trước thì một số DN FDI trên địa bàn tỉnh hoạt động trong các lĩnh vực khác (như sản xuất thiết bị y tế, dụng cụ cơ khí, linh phụ kiện, đồ gia dụng…) được đánh giá là không có nhiều khởi sắc. Vì thế, trong 5 tháng đầu năm nay, GTSXCN của khu vực DN FDI chỉ đạt khoảng 233,5 nghìn tỷ đồng, đạt mức tăng trưởng 7,3% (thấp hơn khoảng 12% so với cùng kỳ năm trước). Ông Đoàn Như Hải, đại diện Công ty TNHH KD Heat Technology Thái Nguyên (Khu công nghiệp Điềm Thụy) - đơn vị chuyên sản xuất trục cam xe máy Yamaha, Honda - cho biết trong những tháng đầu năm nay, Công ty đạt mức tăng trưởng thấp là do nguyên nhân chung: Thị trường tiêu thụ xe máy ở nước ta đang bị bão hòa bởi tỷ lệ người dân sở hữu xe máy đang ở mức khá cao, thêm vào đó là sự cạnh tranh của các đơn vị sản xuất xe máy điện.
Đối với khu vực công nghiệp Trung ương trong 5 tháng đầu năm nay cũng tăng trưởng thấp, với mức tăng 1,5% so với cùng kỳ và bằng 30,6% kế hoạch năm. Nguyên nhân là do một số sản phẩm chủ lực tăng thấp hoặc giảm so với cùng kỳ như sản xuất phụ tùng xe có động cơ ước đạt 25,5 triệu sản phẩm, chỉ tăng 6,1%; sản phẩm sắt thép các loại ước đạt 555 nghìn tấn, giảm 16,9%; than khai thác đạt 571,8 nghìn tấn, giảm 14,1%... Khu vực công nghiệp địa phương với GTSXCN ước đạt khoảng 10,1 nghìn tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ. Kết quả này có được là do một số dự án đầu tư, chạy thử nghiệm từ năm trước đã chính thức đi vào hoạt động ổn định; đặc biệt là Công ty TNHH Khai thác Chế biến khoáng sản Núi Pháo đã mua lại cổ phần của Công ty Liên doanh TNHH tinh luyện Vonfram Masan (trở thành DN địa phương), đóng góp vào GTSXCN 500 tỷ đồng/tháng. Ngoài ra một số sản phẩm khác có mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ như sản phẩm may đạt 34,8 triệu sản phẩm, tăng 27,8%; đá khai thác 1.881 nghìn m3, tăng 30,3%... Mặc dù khu vực công nghiệp địa phương được đánh giá là có sự tăng trưởng tích cực thời gian qua nhưng chiếm tỉ trọng còn thấp (chỉ từ 3-4%) trong tổng GTSXCN, nên không làm thay đổi đáng kể tình hình tăng trưởng chung của toàn ngành.
Như vậy, để hoàn thành chỉ tiêu sản xuất công nghiệp theo đúng theo kế hoạch, trong 7 tháng cuối năm, GTSXCN trên địa bàn tỉnh cần đạt 492,7 nghìn tỷ đồng (tương đương khoảng 70,4 nghìn tỷ đồng/tháng). Đây là một áp lực lớn, ông Nguyễn Ngô Quyết, Giám đốc Sở Công Thương tỏ ra băn khoăn: Từ đầu năm đến nay, GTSXCN chỉ đạt trung bình khoảng 50 nghìn tỷ đồng/tháng. Vì thế để tăng thêm khoảng 20 nghìn tỷ đồng/tháng vào cuối năm nay là điều rất khó khăn. Nguyên nhân là do các DN tại các khu công nghiệp hiện đi vào hoạt động sản xuất ổn định. Còn đối với các dự án đầu tư mới, hiện chỉ có Khu công nghiệp Sông Công II là thu hút được một số dự án FDI lớn nhưng chưa thể đi vào hoạt động vì đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục đầu tư. Sở đang tiếp tục tham mưu với UBND tỉnh sớm ban hành cơ chế hỗ trợ các nhà đầu tư hạ tầng tại các cụm công nghiệp trên địa bàn nhằm thu hút thêm các dự án đầu tư mới; chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án đầu tư vào Khu công nghiệp Sông Công II để sớm đi vào hoạt động. Trước áp lực khó hoàn thành chỉ tiêu nói trên, hiện tại, Sở Công Thương đang có kế hoạch tham mưu tới UBND tỉnh đề xuất với HĐND tỉnh trong kỳ họp tháng 7 sắp tới nhằm xem xét, điều chỉnh kế hoạch thực hiện chỉ tiêu sản xuất công nghiệp cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay…