Kinh tế Thái Nguyên: Nhìn từ tăng trưởng tín dụng
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu tiêu dùng trên địa bàn tỉnh qua 7 tháng của năm nay đạt trên 29 nghìn tỷ đồng, tăng 16,8% so với cùng kỳ. Điều này tác động tích cực đến hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng. |
Trên địa bàn tỉnh hiện có 35 tổ chức tín dụng (TCTD) với tổng nguồn vốn huy động tính đến cuối tháng 7-2022 đạt 89.322 tỷ đồng, tăng 5,23% so với cuối năm 2021; dư nợ cho vay đối với nền kinh tế đạt 79.237 tỷ đồng, tăng 10,83%. Thái Nguyên đang là tỉnh đứng thứ 2 trong 14 tỉnh trung du miền núi phía Bắc có số vốn huy động và dư nợ cho vay lớn nhất. Qua đó phần nào cho thấy bức tranh phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh hiện nay.
Hiệu ứng lan tỏa từ các dự án
Theo ông Bùi Văn Khoa, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh: Có nhiều nguyên nhân khiến nguồn vốn huy động của các TCTD trên địa bàn tỉnh tăng cao. Trong đó phải kể đến việc do có nhiều dự án được triển khai nên người dân các huyện, thành phố có đất được bồi thường giải phóng mặt bằng. Cũng nhờ có các dự án nên hàng trăm nghìn lao động được tạo việc làm và có thu nhập ổn định, hàng vạn hộ dân có cơ hội chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp sang kinh doanh, dịch vụ. Nhờ đó, đời sống của đại bộ phận người dân ngày càng được nâng cao, nhiều gia đình có điều kiện tích lũy, gửi tiền vào ngân hàng.
Tính đến cuối năm 2021, các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh giải quyết việc làm cho 190 nghìn lao động. Trong đó, lao động tại DN Nhà nước là trên 11 nghìn người, DN ngoài Nhà nước gần 81 nghìn người, còn lại gần 100 nghìn người làm việc tại các DN có vốn đầu tư nước ngoài. Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn tỉnh đạt 95,1 triệu đồng/năm. Với mức thu nhập này, Thái Nguyên cao hơn nhiều so với bình quân chung của cả nước và nằm trong tốp 10 địa phương có thu nhập bình quân của người lao động trong DN cao nhất trong 63 tỉnh, thành phố - đạt 9,4 triệu đồng/người/tháng. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giảm còn 2,17% (còn theo chuẩn nghèo đa chiều đầu kỳ giai đoạn 2022-2025, tỷ lệ này hiện là 6,09%).
Do nhu cầu vốn tăng cao nên nhiều ngân hàng trên địa bàn tỉnh đang đề xuất với Hội sở tăng thêm chỉ tiêu tín dụng năm 2022. Trong ảnh: Khách hàng giao dịch tại Agribank Chi nhánh Thái Nguyên.
Nhu cầu hấp thụ vốn tăng cao
Hiện nay, toàn tỉnh có trên 8.600 DN với tổng số vốn đăng ký trên 127 nghìn tỷ đồng. Riêng 7 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh cấp mới đăng ký kinh doanh cho 579 DN. Tổng số dự án ngoài ngân sách sử dụng vốn đầu tư trong nước còn hiệu lực là 844, với số vốn đầu tư đăng ký gần 150 nghìn tỷ đồng. Theo thông tin từ Cục Thống kê tỉnh, tổng số vốn đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt 20,5 nghìn tỷ đồng, tăng 16,85% so với cùng kỳ. Trong đó, vốn đầu tư khu vực kinh tế trong nước chiếm hơn 71%.
Được biết, trong số gần 80 nghìn tỷ đồng dư nợ cho vay của các TCTD trên địa bàn tỉnh có khoảng 85% được “đổ” vào sản xuất, kinh doanh, số còn lại là cho vay tiêu dùng và cho vay khác. Riêng 6 tháng đầu năm nay, trung bình mỗi tháng các TCTD cho vay trên dưới 1 nghìn tỷ đồng. Đây là mức dư nợ tín dụng khá cao trong nhiều năm trở lại đây, cho thấy sự phục hồi của nền kinh tế nói chung, các DN trên địa bàn tỉnh nói riêng sau hơn 2 năm chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19.
Nỗ lực đồng hành cùng người vay
Ông Hà Mậu Quý, Giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) Chi nhánh Thái Nguyên chia sẻ: Với khoảng 90% dư nợ của Chi nhánh cho vay sản xuất, kinh doanh, trong đó chủ yếu là khách hàng DN nên BIDV Thái Nguyên rất coi trọng việc hỗ trợ khách hàng, đặc biệt là khách hàng DN và coi đây là một trong những việc làm thường xuyên. Bởi thực tế cho thấy, ngân hàng chỉ có thể “sống khỏe” khi khách hàng của mình cũng “khỏe”.
Đây cũng là quan điểm chung của nhiều ngân hàng trên địa bàn tỉnh. Điều này phần nào được thể hiện qua kết quả hỗ trợ của ngành Ngân hàng đối với khách hàng trong hơn 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Theo đó, lũy kế từ năm 2020 đến cuối tháng 6-2022, các TCTD đã cơ cấu thời hạn trả nợ và tạm thời giữ nguyên nhóm nợ với dư nợ 13.173 tỷ đồng cho 8.568 khách hàng. Doanh số cho vay mới với lãi suất ưu đãi đạt 126.273 tỷ đồng, với 25.844 khách hàng còn dư nợ. Miễn giảm lãi vay với dư nợ 3.305 tỷ đồng cho 3.408 khách hàng, lãi suất được giảm từ 0,15-2%/năm…
Đến nay, nền kinh tế cả nước nói chung, tỉnh Thái Nguyên nói riêng đang từng bước được phục hồi, với mức tăng trưởng GRDP của tỉnh trong quý II/2022 lên tới 8,4% (cao hơn quý I là 3,31%). Dư nợ tín dụng vì thế cũng tăng mạnh trở lại, mặt bằng lãi suất cơ bản về mốc năm 2019, quan trọng hơn là nợ xấu tiếp tục duy trì ở mức thấp (dưới 1% trong tổng dư nợ). Kết quả này phần nào cho thấy hiệu quả trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN cũng như sự đồng hành, hỗ trợ của ngành Ngân hàng đối với DN…