La Đàn - không để "có cây mới, nới cây cũ"
Với việc trồng xen canh chè và bưởi Diễn, gia đình ông Khánh luôn duy trì được nguồn thu nhập ổn định. |
Nhiều năm qua, chè được coi là cây trồng đem lại nguồn thu nhập chính cho nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở xóm La Đàn, xã Văn Hán (Đồng Hỷ). Vì thế, trước "làn sóng" đưa cây ăn quả vào sản xuất của người dân trong xã, xóm La Đàn đã tích cực tuyên truyền, vận động không vội chặt bỏ cây chè để thay thế bằng cây ăn quả, mà trồng theo hướng xen canh với phương châm "cây nào có lợi hơn thì để".
Tại vườn của gia đình ông Luân Văn Khánh, những cây bưởi Diễn được ông trồng xen với diện tích chè lâu năm. Ông Khánh cho hay: Nguồn thu nhập chính của gia đình tôi phụ thuộc vào 4 sào chè. Vì thế, khi được Nhà nước hỗ trợ 30 gốc bưởi Diễn, tôi đã trồng theo hướng xen canh với cây chè. Theo tính toán của tôi, nếu chặt bỏ hoàn toàn cây chè để trồng bưởi thì sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới thu nhập của gia đình trong mấy năm tới.
Ngoài ông Khánh, năm 2017, 17 hộ khác trong xóm La Đàn cũng được Nhà nước hỗ trợ 2.500 gốc bưởi Diễn. Anh Nông Văn Bàng, một trong những hộ dân được nhận hỗ trợ, chia sẻ: Thời điểm ấy, trong xóm chưa có ai trồng bưởi Diễn, chúng tôi không biết loại cây trồng này có hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương hay không. Do đó, tôi không chuyển đổi hoàn toàn diện tích chè sang trồng bưởi mà trồng xen canh 2 loại cây. Sau 5 năm trồng tôi nhận thấy cây bưởi Diễn sinh trưởng, phát triển tốt và bắt đầu bói quả. Nếu cây bưởi cho năng suất, chất lượng tốt và được người dùng đánh giá cao thì tôi sẽ duy trì và mở rộng thêm diện tích.
Xóm có 191 hộ với 755 nhân khẩu, trong đó đồng bào DTTS chiếm trên 93%. Tính đến đầu năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của xóm vẫn chiếm trên 50%. Ngược dòng thời gian, từ khoảng 5 năm trước, nhận thấy cây bưởi Diễn đem lại thu nhập cao cho nhiều hộ dân ở các xóm lân cận nên không ít gia đình đã chuyển hẳn từ trồng chè, keo sang trồng cây ăn quả. Bà Vi Thị Thiệu, Trưởng xóm La Đàn, cho biết: Người dân trong xóm chủ yếu sản xuất nông, lâm nghiệp và không có nghề phụ. Trong đó, cây chè là cây trồng chủ lực, mang lại nguồn thu thập chính cho bà con. Do đó, không thể thấy người ta “ăn khoai” mình cũng “vác mai đi đào”. Trước việc có thời điểm, bà con trong xã ồ ạt bỏ cây chè để trồng cây ăn quả, các đoàn thể của xóm đã tuyên truyền, vận động các hộ dân ở La Đàn giữ nguyên cây chè và trồng xen canh cây bưởi Diễn. Sau khi bưởi cho thu hoạch, nếu giá trị trên 1 đơn vị diện tích cao hơn so với cây chè thì sẽ giữ nguyên, còn nếu thấp hơn thì vẫn còn thu nhập từ cây chè.
Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết, trong những năm qua, nhằm đưa kinh tế phát triển nhanh, bền vững, ngoài những loại cây trồng truyền thống (như: Chè, keo...), xã Văn Hán đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân đưa thêm những cây trồng khác, đem lại hiệu quả cao vào trồng, trong đó tập trung vào cây ăn quả. Hiện nay, tổng diện tích cây ăn quả của xã là 215ha, trong đó có trên 150ha đã cho thu hoạch, chủ yếu là các loại cây trồng có múi.
Ông Nguyễn Xuân Hiền, Chủ tịch UBND xã Văn Hán, thông tin: Xã đã đề ra Nghị quyết về phát triển cây ăn quả trên địa bàn giai đoạn 2016-2020 và tầm nhìn đến 2025. Để thực hiện Nghị quyết, Văn Hán tích cực tuyên truyền trong nhân dân về chủ trương phát triển cây ăn quả trên địa bàn để bà con tích cực hưởng ứng, thực hiện. Đồng thời, chỉ đạo các xóm tuyên truyền đến bà con cần linh hoạt trong việc đưa cây ăn quả vào trồng, đặc biệt, cần hạn chế tối đa việc chặt bỏ cây chè, mà tận dụng những diện tích đất đồi, nương, vườn tạp, đất ruộng hiệu quả thấp để trồng cây ăn quả.