Linh Thông từ vùng khó vươn lên
Trung tâm xã Linh Thông hôm nay. |
Là xã vùng sâu vùng xa, nằm ở tận cùng phía Bắc của tỉnh Thái Nguyên, giáp với 2 huyện Chợ Mới và Chợ Đồn (tỉnh Bắc Kạn), vùng đất khó Linh Thông (Định Hóa) đang có những bước chuyển mình trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới.
Nằm cách trung tâm huyện Định Hóa 17km về phía Bắc, xã Linh Thông có diện tích tự nhiên lớn (trên 2.800ha). Tuy nhiên, do địa hình bị chia cắt bởi nhiều đồi núi cao, điều kiện tự nhiên lại không thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp tập trung, nên đời sống của bà con còn nhiều khó khăn. Xã có trên 3.000 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 85% (chủ yếu là dân tộc Tày), trình độ sản xuất và dân trí chưa đồng đều, hạ tầng giao thông chưa hoàn thiện.
Từ chỗ nắm bắt những thuận lợi, khó khăn của địa phương, cấp ủy, chính quyền xã Linh Thông xác định phát triển nông, lâm nghiệp, nông thôn là trọng tâm để cải thiện kinh tế và nâng cao đời sống cho nhân dân. Xã tập trung khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để nâng cao thu nhập.
Linh Thông có trên 335ha đất lúa, đến năm 2020, trên 90% diện tích đã được chuyển đổi sang trồng các giống lúa chất lượng cao như: J02, Thiên ưu 8, Bao thai, TH3-5… Đồng thời, xã cũng đưa các loài vật nuôi mới vào phát triển sản xuất, như: Dê, vịt bầu cổ xanh, lợn siêu nạc, ốc nhồi, bò lai Sind... Bên cạnh đó, nhiều hộ dân đã tận dụng những khoảnh đất lúa kém hiệu quả tại các khe suối chuyển đổi thành ao để nuôi trồng thủy sản. Đến nay, diện tích mặt nước của xã được mở rộng từ hơn 10ha lên trên 33ha.
Trong số các mô hình kinh tế ở xã Linh Thông, điển hình phải kể đến gia đình ông Lưu Đình Thọ - một trong những hộ nghèo "có thâm niên" tại xóm Nà Chú. Nhờ nguồn vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội và sự hỗ trợ kỹ thuật từ cơ quan chuyên môn, ông Thọ đã mạnh dạn đầu tư phát triển mô hình kinh tế tổng hợp gồm 8ha rừng, 5 con bò, 6 sào ao. Nhờ đó, đã giúp gia đình vươn lên thoát nghèo từ năm 2020 va trở thành một trong những hộ có kinh tế khá trong xóm.
Nhiều hộ trong xã cũng đã học tập kinh nghiệm các mô hình kinh tế điển hình và mạnh dạn đầu tư phát triển trồng trọt, chăn nuôi đạt được hiệu quả cao, như: Gia đình ông Ma Văn Tiến, xóm Bản Vèn, với mô hình nuôi trâu, bò, dê thương phẩm; gia đình ông Hoàng Văn Xôi, ở xóm Nà Chú, với mô hình nuôi 100 con vịt bầu cổ xanh, 100 con gà và 7 sào ao nuôi cá tổng hợp; gia đình chị Trịnh Thị Phường, xóm Bản Vèn, với mô hình nuôi gần 30 con lợn…
Đến nay, giá trị sản phẩm trên 1ha đất nông nghiệp của xã Linh Thông đạt trên 55 triệu đồng, thu nhập bình quân của người dân đạt 37 triệu đồng/người/năm (tăng gần 10 triệu đồng so với năm 2017). Tỷ lệ hộ nghèo hằng năm giảm từ 4-6% (theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2015-2020).
Đời sống nhân dân không ngừng được nâng lên, phong trào Chung tay xây dựng nông thôn mới nhờ đó cũng được bà con trong xã nhiệt tình hưởng ứng. Với tinh thần Nhà nước và Nhân dân cùng làm, trong 8 năm qua (2013-2021), nhân dân Linh Thông đã tự nguyện hiến gần 20.000m2 đất cùng tài sản trên đất và hàng nghìn ngày công lao động để xây dựng hạ tầng giao thông, thủy lợi, công trình công cộng, tham gia vệ sinh môi trường...
Nhờ Chương trình xây dựng nông thôn mới, diện mạo của xã khó khăn Linh Thông đã có những thay đổi rõ rệt. Toàn xã hiện đã cứng hóa 38,3km đường giao thông (đạt 87,2%); đường trục vào các xóm Bản Lại, Nà Chú, Bản Vèn, Tân Vàng... đều đã được đổ bê tông, giúp việc đi lại, giao thương của nhân dân trở nên thuận tiện.
Lĩnh vực văn hóa - giáo dục cũng được quan tâm đầu tư phát triển. Liên tục trong các năm từ 2018 đến 2021, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, nhân dân Linh Thông đã đóng góp hàng tỷ đồng để xây dựng 3 trường học của địa phương đạt chuẩn Quốc gia; tỷ lệ xóm đạt chuẩn văn hóa trên địa bàn hiện là trên 85%...
Mặc dù đã có nhiều đổi thay, song so với mặt bằng chung, Linh Thông vẫn là xã còn nhiều khó khăn. Hiện nay, xã mới hoàn thành 11/19 tiêu chí nông thôn mới. Ông Lưu Viết Viên, Chủ tịch UBND xã Linh Thông, cho biết: Đối với tiêu chí hộ nghèo và thu nhập, xã sẽ dành nguồn lực để hỗ trợ bà con phát triển kinh tế thông qua các mô hình, dự án theo hướng tập trung, tạo ra sản phẩm hàng hóa giá trị cao. Cụ thể như: Mở rộng các mô hình nuôi vịt bầu cổ xanh; hỗ trợ chăn nuôi trâu, bò thương phẩm; nuôi ốc nhồi; trồng rừng… Đồng thời, tiếp tục mở các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, kết nối với các đơn vị doanh nghiệp có nhu cầu về lao động để giải quyết việc làm nâng cao thu nhập. Bên cạnh sự nỗ lực của địa phương, xã cũng cần nguồn lực đầu tư khá lớn để tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí về hạ tầng nông thôn, nhằm đưa Linh Thông về đích nông thôn mới theo kế hoạch chung của huyện Định Hóa.